Thế giới vừa đi qua ngày 11/9 – ngày của sự kiện đau thương nước Mỹ khi bị nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda tấn công năm 2001. Nhưng thời điểm này, mục tiêu của các nhóm khủng bố đang chuyển hướng...
Đại dịch COVID-19 đang tạo ra ngày càng nhiều những người sẵn sàng đổ lỗi cho người khác, ngày càng nhiều những quốc gia tìm kiếm kẻ chịu tội thay cho họ qua những thất bại trong cách quản lý. Và Trung Quốc dường như đang là mục tiêu của những cuộc lên án trong cộng đồng các nhóm khủng bố quốc tế.
Điều này diễn ra là bởi nhiều lý do, nguồn gốc của đại dịch cũng như việc Trung Quốc đang trở thành một quốc gia hùng mạnh, can dự vào nội bộ của các quốc gia khác cũng đang biến nước này thành tâm điểm của các cuộc khủng bố trên toàn thế giới.
Quan điểm chống Trung Quốc ngày càng gia tăng, sự tức giận này cũng đang làm gia tăng những căng thẳng xã hội hiện có xung quanh những nhóm khủng bố quốc tế. Đang có một điều gì đó rất hiện hữu trong nhu cầu phân biệt chủng tộc sau những hệ quả mà COVID-19 đem lại.
Rất rõ ràng, những tình cảm chống Trung Quốc bắt đầu phổ biến trong cộng đồng quốc tế, nó có xu hướng ít sáng suốt hơn, dẫn đến việc lạm dụng và bạo lực đối với tất cả những người có vẻ thuộc sắc tộc Đông Á .
Và mặc dù việc căm thù và kỳ thị chủng tộc không phải lúc nào cũng được coi là khủng bố, nhưng chúng thường là tiền thân của các tội ác trên.
Trên thực tế, căng thẳng giữa các cộng đồng do sự thù ghét được tạo ra bởi những khác biệt trong suy nghĩ, trong thái độ và trong cách ứng xử giữa các sắc tộc. Một nhóm người nắm giữ tư liệu sản xuất có thể sẽ là mục tiêu của xu hướng bạo lực hành động theo cảm tính của những người đang bị những tư tưởng chia rẽ.
Thời điểm này, Trung Quốc dường như không sử dụng “sức mạnh cơ bắp” giống Mỹ để khống chế, lật đổ chính phủ cầm quyền tại các nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang bị vướng vào những cáo buộc xung quanh các vụ "ngoại giao bẫy nợ" ở một số quốc gia như Malaysia,Sri Lanka hay Pakistan thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Tại Indonesia, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về tình trạng căng thẳng gia tăng đối với công dân Trung Quốc trong nước. Một phần xuất phát từ căng thẳng sắc tộc trong lịch sử, một phần do cách hành xử của Bắc Kinh đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi của họ.
Thậm chí, đã có những cảnh báo về khủng bố nhằm vào cư dân Trung Quốc ở Indonesia. Emaah Islamiah, một tổ chức đồng minh của al-Qaeda được báo cáo là đã thảo luận về việc nhắm vào công dân Trung Quốc. Điều này có thể đặt nền móng cho những biểu hiện bạo lực và chủ nghĩa khủng bố chống Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Từ trước đến nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á láng giềng thường vẫn đang ở tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” và thời điểm này, sự giận dữ đang ngày càng gia tăng do thái độ và cách hành xử của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và đại dịch toàn cầu.
Thời gian trước, Thái Lan đã từng bị lôi kéo vào một cuộc chiến trực tuyến, những người Thái trẻ tuổi lao vào cuộc tấn công với các “anh hùng bàn phím” Trung Quốc khi những người này tấn công các diễn viên nổi tiếng của Thái Lan vì bày tỏ quan điểm ủng hộ Đài Loan và Hồng Kông.
Kết quả của “liên minh trà sữa” đã khiến Bắc Kinh tức giận và kéo đến đại sứ quán địa phương để bày tỏ “thái độ hỏi tội” của Trung Quốc đối với những người công nhận sự độc lập của những nơi mà Bắc Kinh coi là một phần Trung Quốc.
Tại Kazakhstan, hai website Trung Quốc đã từng đối mặt với những chỉ trích khi cho rằng những nước Trung Á như Kyrgyzstan và Kazakhstan từng là một phần của Trung Quốc và Kazakhstan thậm chí còn "háo hức quay về" với Bắc Kinh. Điều này khiến Bộ Ngoại giao Kazakhstan đã lên tiếng yêu cầu Đại sứ Trung Quốc đưa ra một lời xin lỗi.
Tại quốc gia láng giềng Kyrgyzstan, tình cảm chống Trung Quốc hình thành xung quanh ý tưởng cho rằng công dân Trung Quốc là đối tượng truyền bệnh và thậm chí đã có một thành viên quốc hội nước này đưa ra tuyên bố về “cách tránh người Trung Quốc”.
Tại Anh, Luddites vốn dĩ là một nhóm công nhân dệt may người Anh, nổi lên vào thế kỷ 19. Họ được biết đến với việc phản đối dữ dội khi công nghệ phát triển đang dần thay đổi công việc của họ.
Trong thời điểm gần đây hơn, Ted Kaczynski, hay còn được biết đến với cái tên Unarbomber , đã tiếp nối Luddite bằng cách dẫn đầu một chiến dịch “bom thư” kéo dài gần hai thập kỷ mà đỉnh cao là việc xuất bản bản tuyên ngôn của mình, “Xã hội công nghiệp và tương lai của nó” —một bài báo về việc công nghệ hiện đại đã xói mòn quyền tự do cá nhân như thế nào.
Và hiện tượng đốt trạm phát sóng điện thoại 5G ở Anh có thể chỉ là màn dạo đầu cho một điều gì đó rất khác.
Tất nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có điều gì trong số này là khủng bố nhưng dường như đã có một “sự tức giận toàn cầu” đối với Trung Quốc. Khi Trung Quốc đang trên đường trở thành kẻ thống trị hơn trong các vấn đề thế giới và điều này đang biến Bắc Kinh thành một mục tiêu cho các cuộc khủng bố toàn cầu.
Theo các chuyên gia phân tích chính trị, hệ quả của những điều này được cho là do cái cách mà Bắc Kinh đang đối xử với người thiểu số ở quê nhà, một phần là do có niềm tin rằng chính quyền Trung Quốc đang reo rắc đại dịch trên toàn thế giới. Rất có thể điều này sẽ kết tinh thành các cuộc tấn công vào công dân hoặc công ty Trung Quốc.
Trên thực tế, chủ nghĩa khủng bố thường xuất hiện ở những nơi mà chính phủ được cho là thất bại hoặc nơi mà mọi người cảm thấy họ bị loại khỏi hệ thống. Đại dịch COVID-19 có thể làm giảm cảm giác tin tưởng của người dân vào chính quyền hơn nữa. Hệ quả là những người giận dữ muốn sử dụng bạo lực để nói rõ sự bất bình.
Thế giới hiện tại đang chứng kiến sự thất bại trong hợp tác quốc tế khi đối phó với COVID-19. Trong khi đó, đã có vô số những bất công trong xã hội để tạo ra các hình thức bạo lực chính trị mới. Một số sẽ dựa trên những hệ tư tưởng cũ, dùng ngôn từ để biểu hiện thái độ, trong khi một số khác sẽ dùng hành động để tìm về những thứ mà họ cho đó là cần thiết.
Điều trên hết là chủ nghĩa khủng bố sẽ không kết thúc trong thời điểm này mà thay vào đó, nó có khả năng phát triển theo những cách cực đoan hơn bao giờ hết. Và rất có thể, Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu tiềm năng của chủ nghĩa khủng bố kiểu mới.
Có thể bạn quan tâm