Kinh tế thế giới

Trung Quốc sắp làm mới “Made in China 2025”?

Nam Trần 28/05/2025 03:32

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đang xây dựng một chiến lược sản xuất mới nhằm thay thế sáng kiến “Made in China 2025”, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao.

Made in China 2025 đã mang lại cho Trung Quốc nhiều nền tảng quan trọng cho nền kinh tế ngày nay (Ảnh: DHL)

Trong suốt nhiều năm qua, sản xuất luôn là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 GDP. Trong tương lai, lĩnh vực này vẫn không thay đổi, nhưng với trọng tâm khác - như chất bán dẫn, thiết bị sản xuất chip, xe điện và năng lượng mới.

Đẩy mạnh tự lực công nghệ

Theo Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang xây dựng Kế hoạch 5 năm mới bắt đầu từ 2026, với sản xuất không chỉ đóng vai trò tạo việc làm và tăng trưởng, mà còn để củng cố an ninh quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu.

Một trong những mục tiêu trọng tâm là duy trì tỷ trọng sản xuất trong GDP ở mức ổn định trong trung và dài hạn. Dù thảo luận về việc đưa ra chỉ tiêu cho tiêu dùng trong GDP, nhưng nhà chức trách dường như tránh cam kết định lượng vì thiếu công cụ hiệu quả để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.

Sáng kiến “Made in China 2025” ra đời năm 2015 nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu vào giữa thế kỷ này. Dưới sự chỉ đạo của Nhà nước Trung Quốc, kế hoạch này đã tập trung vào 10 lĩnh vực chiến lược, từ sản xuất máy bay và xe điện đến tự động hóa và robot. Thành tựu của Trung Quốc tới nay là cực kỳ ấn tượng, với vị trí dẫn đầu toàn cầu trong 5/13 công nghệ trọng điểm, và đang nhanh chóng bắt kịp ở 7 lĩnh vực còn lại.

Dù vậy, mặt trái của chiến dịch là nó vấp phải chỉ trích dữ dội từ các nước công nghiệp phát triển, nhất là khi hàng điện tử giá rẻ của Trung Quốc dần chiếm lĩnh thị phần toàn cầu. Đây là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc gây méo mó thương mại và dẫn tới làn sóng bảo hộ.

Trong kế hoạch mới, việc đẩy mạnh phát triển sản xuất thiết bị chip được coi là chiến lược dài hạn phản ứng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản. Các lệnh cấm tiếp cận thiết bị sản xuất và chip tiên tiến của Mỹ bị Bắc Kinh cáo buộc là nhằm thiết kế để chặn khả năng làm chủ ngành bán dẫn hiện đại của Trung Quốc.

Trung Quốc đã có những bước tiến trong sản xuất chip bằng cách tích trữ thiết bị trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Tuy nhiên, thiếu vắng các công cụ tối tân vẫn là rào cản lớn, buộc Bắc Kinh phải đầu tư mạnh vào phát triển công nghiệp thiết bị nội địa – điều được coi là sống còn trong cuộc đua công nghệ với phương Tây.

Thách thức vẫn nằm ở tỷ lệ tiêu dùng nội địa chưa cao như kỳ vọng của Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Thách thức từ căng thẳng thương mại và tiêu dùng

Dưới thời chính quyền Donald Trump, căng thẳng với Trung Quốc càng nổi bật. Mỹ đã tăng thuế lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc trước khi tạm thời giảm trung bình còn khoảng 40% sau các cuộc đàm phán tại Geneva vào tháng 5/2025.

Để phản ứng, Bắc Kinh tăng cường kiểm soát xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghệ cao toàn cầu. Nhưng rõ ràng, những biện pháp này không đủ để giải quyết những thách thức dài hạn mà Trung Quốc đang đối mặt.

Bên cạnh đó, động lực chi tiêu nội địa yếu đã đặt ra thách thức lớn đối với Trung Quốc. Tiêu dùng hộ gia đình hiện chỉ chiếm khoảng 40% GDP Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức 60-70% tại các nước phát triển. Trong khi đó, đầu tư chiếm tới 40% – gần gấp đôi so với Mỹ.

Dù chính phủ Trung Quốc tuyên bố “thúc đẩy tiêu dùng” là ưu tiên năm 2025, nhưng họ vẫn chưa đưa ra các biện pháp đủ mạnh để thay đổi cơ cấu tăng trưởng dựa vào đầu tư. Các nhà hoạch định chính sách tỏ ra dè chừng với việc công bố chỉ tiêu tiêu dùng cụ thể, do lo ngại thiếu công cụ chính sách hữu hiệu.

Các cuộc nghiên cứu cho Kế hoạch 5 năm mới do các cơ quan như NDRC chủ trì cũng đang đặt tiêu dùng và lực lượng sản xuất mới (EV, pin, năng lượng mặt trời) làm ưu tiên. Tuy nhiên, các yếu tố như bất bình đẳng thu nhập, nhà ở đắt đỏ và an sinh xã hội chưa đủ mạnh vẫn khiến người dân Trung Quốc tiết kiệm nhiều và chi tiêu ít.

Dù có thể không còn tên gọi “Made in China 2025”, chiến lược sản xuất công nghệ cao vẫn sẽ là xương sống của tăng trưởng Trung Quốc trong thập kỷ tới. Trong môi trường toàn cầu ngày càng phân cực, Bắc Kinh dường như đã lựa chọn con đường “tự chủ công nghệ” và duy trì sức mạnh sản xuất để bảo vệ an ninh kinh tế, dù điều đó khiến tái cân bằng với tiêu dùng trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc sắp làm mới “Made in China 2025”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO