Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4 - 4,5%, quy mô GDP sẽ tăng thêm 38 nghìn tỷ nhân dân tệ cho giai đoạn 2026 - 2030.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã soạn thảo và công khai lấy ý kiến toàn dân về kế hoạch 5 năm, 2026 - 2030, tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và hiện đại hóa nền kinh tế.
Đây là kế hoạch 5 năm lần thứ 15 kể từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo đất nước. Vào năm 2017, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra mục tiêu đạt được “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” vào năm 2035.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nhấn mạnh hơn vào các tiến bộ công nghệ cao, khả năng phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong nước, phát động cách mạng “lực lượng sản xuất chất lượng mới”; đồng thời nâng cấp các ngành sản xuất truyền thống.
Vào cuối tháng 4/2025, chủ trì một hội nghị chuyên đề với các quan chức địa phương, ông Tập Cận Bình phát biểu: “trong năm năm tới, sự phát triển của Trung Quốc nên được thúc đẩy bởi đổi mới công nghệ, ổn định nền kinh tế và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống trong khi vẫn bảo đảm phúc lợi của người dân”.
Năm 2025 là năm cuối cùng trong kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) lần thứ 14. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đưa ra con số tổng kết: tổng mức tăng trưởng kinh tế trong kế hoạch hiện tại dự kiến sẽ vượt quá 30 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,16 nghìn tỷ đô la Mỹ).
Nhiều chuyên gia cho rằng, kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc diễn ra khá thuận lợi, song trùng với nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden - đã không gây ra áp lực quá lớn với Bắc Kinh.
Lần này hoàn toàn khác khi Tổng thống Donald Trump triển khai biện pháp thương mại “cứng rắn”, nhiều nhân vật cấp cao được bổ nhiệm tại Nhà Trắng có thái độ không thân thiện với cường quốc châu Á, một trong những số đó là ông Perter Navarro, Cố vấn thương mại, tác giả cuốn sách “Death by China”.
Yang Weimin, người đã tham gia soạn thảo nhiều kế hoạch 5 năm trước đó - vẫn tự tin cho rằng Trung Quốc vẫn có khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2026 đến 2030 với tốc độ không chậm hơn so với tốc độ trong 5 năm qua - khoảng 5% - và dự báo này phù hợp với tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc là 4 - 4,5%.
Theo tính toán, nếu nền kinh tế số 2 thế giới đạt được lộ trình tăng trưởng như kế hoạch, quy mô GDP sẽ tăng trưởng thêm 38 nghìn tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy vậy, động lực tăng trưởng được các chiến lược gia tái định vị “yếu phải được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước”; đồng thời xác định “Trung Quốc sẽ gặp thách thức trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao như trong quá khứ”.
Những bộ óc kinh tế hàng đầu tại Trung Quốc đề xuất áp dụng mô hình tăng trưởng mới. Wang Yiming, Phó Chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế và là Cố vấn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), cho biết có một cảm giác cấp bách phải chuyển sang mô hình phát triển do tiêu dùng dẫn đầu trong bối cảnh áp lực thương mại bên ngoài ngày càng gia tăng.
Ông Wang phát biểu: “Áp lực bên ngoài sẽ thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng do đầu tư và xuất khẩu dẫn đầu sang mô hình do tiêu dùng và đổi mới từ trong nước”.
Dẫu vậy, Trung Quốc đối diện với nhiều vấn đề nan giải, dân số đang giảm sút, khoảng trống thiếu hụt công nghệ lõi khó lấp đầy, và quá trình chuyển đổi chưa hoàn thiện từ các lĩnh vực tăng trưởng truyền thống sang các động lực kinh tế mới - sẽ tiếp tục đặt ra thách thức.