Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết giải quyết vấn đề trợ cấp của nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho phép đầu tư nước ngoài vào thêm nhiều lĩnh vực....
Trong khuôn khổ Diễn đàn "Vành đai và Con đường", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trước khoảng 40 nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Thế nhưng, dường như nội dung của bài phát biểu này lại nhắm đến một nhà lãnh đạo khác - người không có mặt trong khán phòng của Diễn đàn - đó là Ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chủ tịch Tập đã dành một phần lớn thời lượng trong bài phát biểu của mình để đề cập về những cải cách trong các chính sách của Trung Quốc, cam kết giải quyết vấn đề trợ cấp của nhà nước, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho phép đầu tư nước ngoài vào thêm nhiều lĩnh vực và tránh việc cạnh tranh hạ giá đồng Nhân dân tệ (CNY).
Tất cả các vấn đề kể trên đều được Washington quan tâm, và đã nhiều lần đề cập trong các buổi gặp gỡ song phương trước đây giữa Washington và Bắc Kinh
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của việc hoàn tất các thỏa thuận đa phương và song phương về kinh tế và thương mại với các nước khác. Trung Quốc sẽ chuẩn hóa các hành động của chính phủ ở tất cả các cấp, dọn sách và loại bỏ các quy định thiếu hợp lý, những chính sách trợ cấp và hành vi cản trở cạnh tranh công bằng cũng như bóp méo thị trường”.
Về phía Trung Quốc, người dẫn đầu các cuộc đàm phán song phương với Mỹ - Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã nhiều lần đề cập đến các vấn đề tương tự như trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, rằng Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp để giải quyết lo lắng từ phía Mỹ, trong đó phải kể đến việc thông qua luật đầu tư nước ngoài cấm việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Phái đoàn thương mại Mỹ dẫn đầu bởi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ đến Bắc Kinh vào tuần tới để hai bên có các cuộc đàm phán trực tiếp hướng đến cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chốt được một thỏa thuận.
Có thể bạn quan tâm
Chuyên gia kinh tế Tom Rafferty đến từ Thời báo The Economist nhận định: “Dường như ông Tập đã thể hiện sự chấp thuận của cá nhân với nhượng bộ mà Trung Quốc cần phải đưa ra để có thể chốt được thỏa thuận với Mỹ. Quan điểm này khác rất nhiều nếu so với tuyên bố mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra tại Diễn đàn Vành đai và Con đường năm 2017”.
Điều đáng chú ý nhất trong bài phát biểu vừa qua của Chủ tịch Tập là lời hứa về việc Bắc Kinh sẽ giữ bình ổn tỷ giá đồng CNY. Trước đó, trong các cuộc gặp song phương ở cấp Bộ trưởng, Mỹ và Trung Quốc đã đồng thuận về điều khoản về tiền tệ trong thỏa thuận thương mại sắp tới.
Trước đó, theo tuyên bố từ phía Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Mỹ đang đề nghị Trung Quốc giữ tỷ giá của đồng CNY ổn định để trung hòa nỗ lực làm dịu tác động từ các chính sách thuế quan của Mỹ.
Chủ tịch Tập khẳng định Trung Quốc sẽ không tham gia vào hoạt động hạ giá đồng tiền gây hại đến nhiều nước khác, ông cũng nói thêm rằng đồng CNY sẽ được giữ tỷ giá ở mức cân bằng và thị trường sẽ có vai trò lớn hơn trong việc đặt ra tỷ giá của đồng CNY.
Chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường năng lượng tại Malayan Banking ở Singapore, bà Fiona Lim, cho rằng: “Khi mà Trung Quốc và Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận trong đó có thỏa thuận về tiền tệ, tuyên bố của Chủ tịch Tập sẽ nhắc nhà đầu tư nhớ rằng có thể cần đến một thỏa thuận trong đó có không bao gồm việc hạ giá cạnh tranh và rằng đồng CNY mạnh hơn là cần thiết”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực bảo đảm việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ và đảm bảo môi trường giao dịch công bằng cho các công ty, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đối xử công bằng.
"Chúng tôi sẽ rà soát toàn diện và bãi bỏ các quy định, trợ cấp và những thói quen phi lý, cản trở cạnh tranh công bằng và bóp méo thị trường", ông Tập nói.
"Chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia khác cũng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, đối xử với các doanh nghiệp, sinh viên và học giả Trung Quốc bình đẳng, và tạo một môi trường công bằng và thân thiện để họ tham gia trao đổi và hợp tác quốc tế bình thường."
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình đã gây ra nhiều tranh cãi ở nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ, vốn coi đó là một phương tiện để gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài cũng như đặt gánh nặng lên các nước với khoản nợ không bền vững qua các dự án thiếu minh bạch.