Giao thương

Tự chủ nguyên phụ liệu dệt may, da giày: Nền tảng cho tăng trưởng bền vững

Bích Ngọc 10/08/2024 02:44

Các thị trường nhập khẩu lớn đều đã áp dụng các quy định yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu sản xuất trong chuỗi cung ứng dệt may, da giày, tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Qua nửa đầu năm 2024, dù bối cảnh cầu tiêu dùng thế giới chưa cải thiện, song xuất khẩu dệt may, da giày vẫn giữ đà phục hồi tích cực với mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

det_may.jpg
Phần lớn nguyên liệu cho sản xuất trong ngành dệt may, da giày được nhập khẩu.

Điều kiện để đa dạng hoá thị trường

Việt Nam trở thành nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may đang đón nhận đơn hàng được chuyển dịch từ các nước. Theo đánh giá, kết quả tăng trưởng này đến từ việc các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để đa dạng hoá thị trường, đối tượng khách hàng và sản phẩm, qua đó gia tăng quy mô xuất khẩu.

Tuy đang phục hồi tích cực nhưng ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) chỉ ra một số thách thức tác động đến tăng trưởng dài hạn. Trong đó, thách thức lớn hiện hữu liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững, công nghệ tái chế, đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt kịp xu thế mới ổn định đơn hàng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa yêu cầu minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào để gia tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA. Theo đó, các mặt hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi. Thế nhưng, dù đã rất cố gắng, nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được một phần, chẳng hạn sản xuất vải trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất. Theo VITAS, mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu vải khoảng 16 tỷ USD, chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo VITAS, thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư FDI về nguyên phụ liệu may mặc đi vào hoạt động, các doanh nghiệp dệt may có thể tiếp cận nguồn cung trong nước, giảm nhập khẩu. Một số tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành đã nỗ lực đầu tư, hoàn thiện chuỗi cung ứng; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo các sản phẩm sợi tự nhiên, tái chế… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá, tự chủ nguyên liệu. Song, số doanh nghiệp “bứt phá” được như vậy không nhiều nên tính lan toả chưa cao.

Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng yêu cầu khắt khe, chặt chẽ hơn về truy xuất nguồn gốc. Những ngành gia công sử dụng nhiều nguyên phụ liệu đầu vào như dệt may, da giày có thể chịu tác động bởi chính sách mới của Mỹ cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Nếu doanh nghiệp Việt mua nguyên phụ liệu sản xuất từ nước thứ 3 mà nước có trợ cấp cho sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sẽ bị đánh thuế. Ngoài Mỹ, EU đang nghiên cứu để thực thi chính sách tương tự như vậy.

Tự chủ nguyên liệu sản xuất cũng đang là quan tâm chính của các doanh nghiệp da giày. Theo Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (LEFASO), các thị trường lớn như EU, Mỹ đã áp dụng các quy định yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo sinh thái bền vững cũng như tạo thuận lợi cho kinh tế tuần hoàn trong ngành phát triển. Những chính sách này tác động toàn bộ chuỗi cung ứng, tạo ra thách thức rất lớn cho các nhà sản xuất, trong đó sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu cho sản xuất trong ngành dệt may, da giày được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Chính sách vẫn “nằm” trên… giấy

Da giày và dệt may là hai trong số những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là những ngành hàng có thể được hưởng lợi, gia tăng giá trị xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng từ các FTA đã ký kết. Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ ưu tiên doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, trong đó có ngành dệt may, da giày. Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Bộ Công Thương đang xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may - da giày và dự kiến trình Chính phủ phê duyệt nhằm định hướng phát triển ngành bền vững và lâu dài. Những cơ chế, chính sách trên chính là lời giải cho việc cải thiện và minh bạch chuỗi cung cứng sản phẩm dệt may - da giày, bắt đầu từ nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Chỉ khi chủ động cung nguyên liệu sản xuất gắn với phát triển bền vững, ngành dệt may - da giày mới thực hiện mạnh mẽ hơn việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng để chuyển đổi từ gia công lợi nhuận thấp sang các cách thức sản xuất kinh doanh gia tăng giá trị lợi nhuận cao hơn như mua nguyên liệu, bán thành phẩm; tự thiết kế, bán hàng; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng.

Đánh giá Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam với nhiều chủ trương, chính sách rất đúng đắn trong việc phát triển các khu công nghiệp và kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt nhuộm để gia tăng sản xuất vải, giảm thiểu tối đa nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, đến nay, chiến lược này vẫn nằm trên giấy. Ngoại trừ một khu công nghiệp tại tỉnh Nam Định hiện nay đã kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài, còn lại hầu hết các địa phương “dị ứng” với vấn đề nước thải nên không mặn mà thực hiện chủ trương này.

“Với thách thức như vậy, vấn đề đặt ra là chiến lược ngành dệt may cần tập trung vào giải pháp quy hoạch. Chính phủ cần đề ra định hướng cho các địa phương quy hoạch các khu công nghiệp, trong đó có đầu tư phần cung thiếu hụt - ngành công nghiệp dệt nhuộm để có vải trong nước”, Chủ tịch VITAS nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với LEFASO mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá do chưa phát triển được nguyên liệu sản xuất nên các doanh nghiệp trong ngành phải chấp nhận gia công; năng lực khai thác cơ hội từ các Hiệp đinh còn hạn chế; mức độ tự động hoá, chuyển đổi số, phát triển sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn chưa cao…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tự chủ nguyên phụ liệu dệt may, da giày: Nền tảng cho tăng trưởng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO