Với một quốc gia có độ tuổi lao động lớn như Việt Nam, tự chủ việc làm là yếu tố cơ bản để giải quyết tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, ổn định chính trị.
>>Dệt may đối mặt với quý II vô cùng khó khăn
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng", do Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng tổ chức gần đây.
Theo ông Lê Tiến Trường, trước tiên muốn nói đến kinh tế độc lập, tự chủ thì phải xác định rõ độc lập tư chủ là gì? Nếu chỉ suy nghĩ đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nguyên liệu từ đó dẫn đến thiếu độc lập, tự chủ, thì chúng ta sẽ bị rơi vào vòng xoáy của việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn, trước mắt.
Trong khi, kinh tế độc lập, tự chủ bản chất là vấn đề dài hạn. Và đã là dài hạn thì chắc chắn sẽ cần phải có bàn tay chỉ đạo và điều tiết của nhà nước, mà không phải là câu chuyện của doanh nghiệp. “Một trong những lực lượng thực hiện nhiệm vụ này là DNNN thực hiện kinh tế tự chủ”, ông Lê Tiến Trường nói.
Đối với ngành nghề dệt may và da giày với khoảng 4,3 triệu lao động, ông Trường kiến nghị cách tiếp cận bổ sung định nghĩa thế nào là độc lập tự chủ. Ông Trường đánh giá, thực chất có sự lồng ghép trong mức độ ảnh hưởng về tiếp cận chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ai cũng biết 3 yếu tố cơ bản của kinh tế vĩ mô, đó là tiền tệ, lãi suất và việc làm.
Như vậy, việc làm chắc chắn là một yếu tố trọng yếu của kinh tế vĩ mô. Và tự chủ hay không tự chủ thì phải dựa trên cơ sở nền kinh tế đó có tự chủ về việc làm hay không? Ông Trường đề xuất từ góc độ của một ngành thâm dụng lao động, đó là trong các định nghĩa, tiêu chí về tự chủ kinh tế của Việt Nam, thì có một yếu tố về tự chủ việc làm.
Vì làm như thế nào để giải quyết cho 60 triệu người trong độ tuổi lao động? Trong khi, Việt Nam còn khoảng hơn 30 triệu người vẫn đang làm việc ở khu vực nông nghiệp. Khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ hơn 20 triệu người.
>>Doanh nghiệp dệt may, da giày “đói” đơn hàng
>>Thúc đẩy chính sách “xanh hóa” cho doanh nghiệp dệt may
Trong 20 triệu người này thì có 4,3 triệu người đang làm trong ngành dệt may, da giày, chiếm tỉ lệ khoảng 30% tổng lực lượng lao động công nghiệp, nếu tính cả dịch vụ thì khoảng 22%.
Nếu chỉ đáp ứng yêu cầu cơ bản trong nước thì có rất nhiều ngành của Việt Nam đã vượt qua ngưỡng của nhu cầu trong nước. Ví dụ, đảm bảo an ninh lương thực thì chắc chắn an ninh lương thực đang dư thừa rất nhiều, nếu bây giờ không xuất khẩu được là gạo trong nước không biết “để đi đâu”.
Với dệt may cũng như vậy, tổng nhu cầu dệt may và da giày trong nước khoảng 10 tỷ USD/năm. Nhưng hiện nay quy mô của hai ngành này trong năm 2022 xuất khẩu 72 tỷ USD.
“Như vậy, nếu chỉ đạt yêu cầu độc lập, tự chủ cho nhu cầu nội địa thì hai ngành này đang thừa khoảng 85% năng lực. Có nghĩa nếu khủng hoảng xảy ra thì 80% lực lượng lao động thiếu việc làm”, ông Trường nhấn mạnh.
Do đó, ông Trường cho rằng khái niệm độc lập, tự chủ không thể theo quan niệm của một nền kinh tế tự túc, tự cấp như trước đây. Vì quy mô nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đã vượt ra ngoài khuôn khổ tự túc, tự cấp rất lớn. Lúc này chính sách phải đảm bảo sự tự chủ của các ngành này là tự chủ được việc làm. Ví dụ, với khoảng 70% lao động ngành dệt may, da giày thiếu việc làm với số lao động khoảng 3 triệu người.
“Nếu 3 triệu người này rút bảo hiểm xã hội, tính ra mức bình quân khoảng 2 triệu đồng/người. Khi đó nhà nước sẽ phải bỏ ra 60.000 tỷ đồng ngay lập tức. Trong khi khủng hoảng và hệ luỵ xã hội vẫn còn kéo dài phía sau”, ông Trường bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
04:15, 10/04/2023
04:00, 06/04/2023
00:45, 06/04/2023
14:59, 05/04/2023