TP Hải Phòng đang tập trung gỡ các rào cản, huy động tối đa các nguồn lực với quyết tâm nối dài chuỗi tăng trưởng kinh tế 2 con số.
Chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng
TP Hải Phòng hiện đang nổi lên như một cực tăng trưởng chiến lược, trung tâm cảng biển quốc tế, công nghiệp, thương mại, logistics hàng đầu miền Bắc. Quy mô kinh tế thành phố lớn thứ 3 cả nước. Năm 2024, GRDP tăng 11,01%, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực. Hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, kết nối cảng biển, hàng không, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đưa TP Hải Phòng trở thành trung tâm logistics cấp vùng và quốc tế.
Chỉ tính trong 6 tháng năm 2025, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn TP Hải Phòng đạt 209.668 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, GRDP khu vực phía Đông thành phố đạt 146.903,7 tỷ đồng, tăng 11,04% so với cùng kỳ năm 2024. GRDP khu vực phía Tây thành phố đạt 62.764,6 tỷ đồng, tăng 11,59%, vượt mục tiêu kịch bản đề ra (là 11,4%).
Thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần 30 năm 2025 mới đây, ông Hoàng Văn Thực – Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng cho biết, 6 tháng năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế của thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. TP Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, chuyển đổi số. Trong đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu ngân sách đạt trên 100.000 tỷ đồng, tăng trên 32 % so với cùng kỳ năm 2024, đạt trên 68% dự toán Trung ương giao.
Như vậy, TP Hải Phòng (sau hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng) tiếp tục là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, với tăng trưởng GRDP đứng thứ 2 cả nước trong 6 tháng năm 2025.
Theo ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, từ sự phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm, TP Hải Phòng rút ra một số bài học như: Thực hiện nghiêm các Kết luận, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ban hành chương trình cụ thể và triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, chủ động trong xây dựng kịch bản tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng giảm tối đa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc khi triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt tuyên truyền vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện mọi chủ trương chính sách của thành phố; trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, tránh phải sử dụng cưỡng chế.
Quyết tâm nối dài chuỗi tăng trưởng 2 con số
Thực tế, sau hợp nhất, TP Hải Phòng (mới) được kỳ vọng trở thành một cực tăng trưởng mới, phát huy vai trò động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Năm 2025, địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 12,35% trở lên.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện mục tiêu này còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là căng thẳng thương mại và các xung đột địa chính trị có thể làm gián đoạn thị trường thương mại và hàng hóa toàn cầu, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Bên cạnh đó, sự gia tăng các rào cản thương mại, chủ yếu là của các nền kinh tế phát triển cũng gây rủi ro cho hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu…
Để gỡ các rào cản, đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, TP Hải Phòng sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của thành phố. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn, phấn đấu ở mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Địa phương này cũng tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 226/2025/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Khẩn trương hoàn thành việc thành lập Khu thương mại tự do và Khu kinh tế chuyên biệt. Cụ thể hóa 4 Nghị quyết của Trung ương về trụ cột chiến lược phát triển bao gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW. Cùng với đó, rà soát, cải cách thủ tục nội bộ, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giữ vững thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)…
Theo ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, yêu cầu hệ thống chính trị thành phố tập trung cao độ, huy động tối đa các nguồn lực, tháo gỡ kịp thời các rào cản, tổ chức thực hiện quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, nhằm bảo đảm hoàn thành bằng được mục tiêu tăng trưởng 12,35%, góp phần giữ vững vai trò đầu tàu phát triển ở phía Bắc của đất nước.
Trong đó, hoàn thiện kế hoạch triển khai Nghị quyết số 226 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, Đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới, Khu kinh tế chuyên biệt. Đồng thời, tập trung rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch theo quy định, tổ chức lập quy hoạch chung TP Hải Phòng và quy hoạch TP Hải Phòng mới thay thế các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng theo ông Lê Tiến Châu, TP Hải Phòng sẽ làm việc với nhà đầu tư các khu, cụm công nghiệp, cảng biển mới thành lập, chưa hoạt động để giao tiến độ và trách nhiệm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất nội ngành, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai giải pháp tổng thể chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn...
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Tuyên – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng CDS cho biết: "Chỉ trong 6 tháng năm 2025, TP Hải Phòng đã thành lập 8 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp. Điều này đã mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, TP Hải Phòng còn triển khai mở rộng các cảng Lạch Huyện, sân bay Cát Bi, chuẩn bị các điều kiện tiến tới khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025. Chúng tôi kỳ vọng, các dự án hạ tầng trọng điểm chuẩn bị khởi công, hứa hẹn tạo đột phá về kết nối giao thương. Qua đó, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 12,35% trở lên”.