24h

Từ clip “bịa” đến tiền thật: Doanh nhân trong tầm ngắm tội phạm số

Gia Linh 05/05/2025 11:20

Từ một đoạn video được dựng giả, hàng loạt doanh nhân bị khống chế tinh vi, buộc phải chuyển tiền để giữ thể diện và danh tiếng trên thương trường…

Cuối tháng 4/2025, Cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây tội phạm xuyên quốc gia chuyên tống tiền doanh nhân, cán bộ, người nổi tiếng bằng cách dựng clip nhạy cảm, sau đó đe dọa phát tán để ép nạn nhân chuyển tiền chuộc.

Nhóm đối tượng gồm cả người Việt và người nước ngoài, điều hành từ Campuchia, sử dụng công nghệ cao để làm giả nội dung, ngụy tạo bằng chứng và kiểm soát tài khoản ảo.

Doanh nhân – mục tiêu mới của tội phạm công nghệ cao

Điểm đặc biệt của vụ án không chỉ nằm ở số tiền các nạn nhân đã chuyển lên tới hơn 200 tỷ đồng, mà còn ở danh sách nạn nhân: rất nhiều người là doanh nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp.

tu-clip-bia-den-tien-that-doanh-nhan-trong-tam-ngam-toi-pham-so-1.png
Nhóm tội phạm này dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để tống tiền. Ảnh: CAND

Nói về nhóm tội phạm này, cơ quan chức năng cho biết, nhóm này không đánh vào người nổi tiếng đơn thuần như nghệ sĩ, mà đặc biệt nhắm tới doanh nhân thành đạt, người có tài sản, danh tiếng và thường chọn cách im lặng khi bị đe dọa. Theo điều tra ban đầu, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin cá nhân, ảnh đại diện, thậm chí video họp online… Sau đó sử dụng các phần mềm AI để ghép giọng, tạo video giả mang tính chất nhạy cảm.

Thông thường, các đối tượng sẽ gửi cho nạn nhân một bản video đã xử lý, kèm nội dung đe dọa: nếu không chuyển tiền theo yêu cầu trong vòng 24 giờ, clip sẽ được gửi cho người thân, đối tác hoặc lan truyền trên các hội nhóm doanh nghiệp.

Đã có nhiều người chọn cách “giải quyết êm đẹp” để tránh bị tổn hại uy tín.

Deepfake, danh tiếng và sự im lặng đầy nguy hiểm

Không giống các hành vi lừa đảo qua mạng thông thường, kiểu tống tiền mới nhắm đến yếu tố danh dự và hình ảnh cá nhân. Các đối tượng sử dụng công cụ deepfake để dựng nên video có khuôn mặt, giọng nói giống hệt nạn nhân, cắt ghép từ nhiều nguồn để tạo nên những “chứng cứ” đủ sức gây chấn động.

Theo các chuyên gia, không cần video thật, chỉ một đoạn dựng công phu cũng có thể khiến một lãnh đạo doanh nghiệp choáng váng. Từ tâm lý lo sợ, họ dễ rơi vào cái bẫy được giăng sẵn: chuyển tiền để đổi lấy sự yên ổn. Đáng lo ngại hơn, nhiều nạn nhân không trình báo, bởi lo ngại việc bị gọi tên trên báo chí, truyền thông sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp mà họ điều hành.

tu-clip-bia-den-tien-that-doanh-nhan-trong-tam-ngam-toi-pham-so-2.jpg
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN. Ảnh: NVCC

Nhận định về nguyên nhân khiến các doanh nhân rơi vào tầm ngắm của tội phạm số, một chuyên gia an ninh mạng cho biết, hình ảnh cá nhân của doanh nhân hiện nay được thu thập dễ dàng trên nền tảng công khai. Các buổi hội thảo, livestream chia sẻ, thậm chí video phỏng vấn cũ đều là nguồn dữ liệu dồi dào để kẻ xấu sử dụng dựng hình giả.

“Không dừng lại ở video, một số đối tượng còn tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo, nhắn tin với người thân của nạn nhân để xác nhận mối quan hệ, hoặc tung tin úp mở trong các hội nhóm nội bộ để gây áp lực gián tiếp”, vị này nói.

Từ góc pháp lý, phân tích từ vụ án này với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, hành vi đe doạ nhằm chiếm đoạt tài sản theo hình thức phát tán clip giả, nếu đủ yếu tố cấu thành, có thể bị xử lý theo Điều 170 Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, nếu có hành vi sử dụng thông tin mạng để xúc phạm danh dự người khác thì còn có thể bị truy cứu về tội danh khác liên quan đến an ninh mạng.

Luật sư Hiệp cũng nhấn mạnh rằng: “Điểm đáng tiếc là nhiều doanh nhân bị tấn công nhưng không trình báo, khiến tội phạm ngày càng lấn tới. Việc sợ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân đôi khi khiến họ bị tổn thất kép: vừa mất tiền, vừa mất kiểm soát thông tin.

Trong thời đại số, doanh nhân không chỉ cần có chiến lược kinh doanh, mà còn cần có chiến lược bảo vệ danh tiếng cá nhân trên không gian mạng. Đây là một phần của quản trị thương hiệu và kiểm soát rủi ro truyền thông. Doanh nghiệp nên có hệ thống cảnh báo, đơn vị pháp lý sẵn sàng hỗ trợ khi có dấu hiệu bất thường”, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp chia sẻ.

Cũng theo ông Hiệp, trong một số vụ việc, việc kịp thời xác minh, lưu lại bằng chứng và trình báo sớm có thể giúp điều tra viên truy được IP, nguồn gốc của tội phạm, qua đó bóc gỡ toàn bộ đường dây. Nếu để quá muộn, chứng cứ sẽ bị xóa hoặc mã hóa, rất khó xử lý.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số chuyên gia cũng đồng tình rằng, doanh nhân không nên chủ quan hoặc xem nhẹ các tín hiệu bất thường trên không gian số. Việc để lộ thông tin cá nhân kể cả các hoạt động đời thường, đều có thể bị kẻ xấu lợi dụng để tạo dựng một kịch bản hòng gây tổn hại. Việc kiểm tra định kỳ “danh tiếng số” và thiết lập đội ngũ phản ứng nhanh trong nội bộ là điều cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ clip “bịa” đến tiền thật: Doanh nhân trong tầm ngắm tội phạm số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO