Từ doanh nhân triệu phú tới Robinson thời nay (Phần 2)

HẢI VY 17/01/2023 04:30

“Ra khỏi nơi đây? Sống trong một căn hộ nhỏ bé? Đổi gió biển để dùng quạt máy? Không, không bao giờ!”

>>Từ doanh nhân triệu phú tới Robinson thời nay (Phần 1)
Cuộc sống trên đảo

Cuộc sống trên đảo cũng thay đổi nhiều khía cạnh khác của ông

Cuộc sống trên đảo cũng thay đổi nhiều khía cạnh khác của ông

Khi mới bắt đầu lên đảo Resto, Glasheen ở trong tình trạng thừa cân và nghiện rượu. Còn hiện tại khi ở tuổi 80, ông nói rằng mình đang sở hữu hình thể tốt nhất từng có từ trước đến nay. Với đôi mắt trong veo, bộ râu bạc phơ và làn da rám nắng, ông làm không ít người liên tưởng đến ông già Noel đang ở trong kỳ nghỉ.

Cuộc sống trên đảo cũng thay đổi nhiều khía cạnh khác của ông. Khi còn ở thành phố, ông không phải là người tháo vát. Thế nhưng khi trên đảo, ông có thể làm mọi thứ.

Với sự giúp đỡ của bạn bè và du khách, ông đã xây dựng được một số công trình, chẳng hạn một ngôi nhà chính với nền móng bằng gỗ ở bãi biển, lớp mái bằng kim loại tấm, chỗ ngủ nhìn thẳng ra biển, gối thì được nhồi bằng bông từ cây bông gạo địa phương.

Và ông không xem Resto như một nơi để mình nghỉ hưu. Ngược lại ông còn nhiều việc phải làm. Ông trồng hàng trăm gốc cây, như cọ, phượng, phi lao, tỉa cỏ trong nhà, cũng như dọn rác bãi biển. Nhờ ông, bãi biển Resto từng ngập tràn trong rác giờ đây rất sạch sẽ và gọn gàng.

Cuộc sống của ông không phải chỉ toàn đồ thô sơ, bởi ông cũng sở hữu vài món đồ hiện đại. Đó là một vòi hoa sen tạm thời, sử dụng nước lấy từ bốn bể chứa nước; một tủ đông chạy bằng máy phát điện để tích trữ đồ dễ hỏng; một đĩa vệ tinh giúp cung cấp sóng điện thoại và internet, tuy rất chậm; một chiếc thuyền nhỏ để ông có thể về đất liền, lấy các món đồ vài lần mỗi năm.

Trên đảo có hơn 30 nguồn thực phẩm. Ông có thể nhặt hạnh nhân bãi biển, mận, anh đào dại, bắt hàu tươi và cá cho các bữa ăn. Ông còn tự nấu bia, lâu lâu đổi với ngư dân để lấy tôm cá.

Ông nhận xét rằng cuộc sống trên đảo không phải lúc nào cũng màu hồng. Trên đất liền ở đảo, ông phải đối mặt với muỗi, kiến, những loài rắn và nhện độc chết người. Ông nuôi nhiều con chó trên đảo và hai trong số đó đã bị chết vì nọc độc. Còn ở dưới nước của đảo thì đầy cá mập và cá sấu nước mặn.

Không chỉ vậy trong mùa mưa (từ tháng 11 đến tháng 4), mạng sống của ông bị những cơn mưa như trút nước đe dọa. Ông đã sống sót qua ít nhất 3 cơn bão. Cơn bão gần đây nhất, Trevor năm 2019, khiến hòn đảo trở nên hỗn loạn.

Cuộc sống trên đảo khiến quá trình đưa ra quyết định của ông hoàn toàn thay đổi. Nếu trước đây, với bản năng là một người kinh doanh, ông thường lên kế hoạch trước cho mọi quyết định dù là nhỏ nhất hàng tháng trời. Nhưng ở trên đảo thì không có thời gian để phản ứng. Ông phải nhanh chóng phản ứng. Và ông cũng không còn bị ràng buộc bởi thời gian, lịch trình. Ông chỉ còn cần nhìn đồng hồ khi muốn biết thời gian thủy triều.

Đôi khi ông tổ chức những chuyến tham quan cho các du khách tò mò và những tình nguyện viên trang trại lưu động (WOOFer). Có những vị khách yêu cầu nhiều thứ khiến ông khó chịu, nhưng cũng có nhiều người muốn tìm kiếm một nơi để chữa lành thực sự, khiến ông như được truyền cảm hứng. Ông kể rằng mình từng gặp nhiều người trẻ không biết bản thân mình muốn thứ gì trong cuộc sống, chịu áp lực, lạc lối và mong đợi những sự thay đổi mạnh mẽ.

Một số người nổi tiếng khác cũng từng ghé thăm đảo Resto. Chẳng hạn Fred Turner, Tổng giám đốc một thời của McDonald’s, nhiều lần lên đảo cùng một nhóm các giám đốc để tổ chức các buổi tĩnh tâm gắn kết. Hoặc diễn viên Russell Crowe từng ghé qua trong tuần trăng mật của mình năm 2003.

Mặc dù khẳng định mình sống “ẩn dật” chứ không phải “cách biệt” với thế giới, thế nhưng ông thừa nhận bản thân đã phải hy sinh nhiều mối quan hệ.

Trong những năm đầu tiên sống trên đảo, người bạn đời Denika từng cố gắng sống với ông. Cả hai có một cậu con trai. Tuy nhiên cuối cùng bà mang con rời đi. Theo lời gợi ý từ các WOOFer, ông thử các website hẹn hò trực tuyến nhưng kết quả không khả quan. Ông thường đùa rằng “bạn gái” của mình là hai ma-nơ-canh tên Phyllis và Miranda, thế nhưng khẳng định mình không “quan hệ tình dục” với “họ”.

Và thiệt hại đau đớn nhất khi chọn cuộc sống trên đảo là rạn nứt với gia đình. Con trai ông, hiện đang là một DJ 22 tuổi, hiếm khi nào đến thăm ông. Trước đó mười năm, một trong hai cô con gái của ông qua đời. Điều này khiến ông suy sụp rất nhiều.

Trong 25 năm qua, về cơ bản là Glasheen ở trên một mảnh đất thiên đường đang trong trạng thái tranh chấp.

Năm 2012, một doanh nhân Úc, người sở hữu đa số hòn đảo, kiện Glasheen ra tòa và giành quyền trục xuất ông. Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ từ cảnh sát địa phương và sự tin tưởng của người bản địa Kuuku Ya’u gần đó, ông đã ngăn chặn được hành động này.

Trong nhiều năm, ông cố gắng mua đứt lại hòn đảo. Như vậy ông có thể xây dựng một nơi sống ẩn dật chính hiệu và tặng lại cho người Kuuku Ya’u. Ông nhận định số tiền phải bỏ ra là từ 500.000 USD đến 1 triệu USD.

Khi sống trên đảo, ông không còn coi trọng tiền bạc. Thế nhưng để đạt được mục đích này, ông phải tham gia vào rất nhiều hoạt động gọi vốn.

Ông tổ chức nhiều cuộc tham quan “chữa lành” cho nhiều doanh nghiệp với giá 1.000 USD một người, cũng như tổ chức trải nghiệm cuộc sống ẩn dật thực sự cho những người đàn ông gặp khủng hoảng tuổi trung niên. Gần đây hơn, ông nghiên cứu về tiền mã hóa và khởi động chiến dịch gây quỹ trên GoFundMe.

Thế nhưng giống như mảnh gỗ trôi nổi trên bờ biển Resto, dự án của ông nhanh chóng cạn vốn. Ông nhận định rằng về mặt pháp lý, ông là một kẻ xâm phạm đất.

Lựa chọn sống ẩn dật

Masafumi Nagasaki từng sống một mình suốt 29 năm trên một hòn đảo xa xôi ở Đài Loan

Masafumi Nagasaki từng sống một mình suốt 29 năm trên một hòn đảo xa xôi ở Đài Loan

Glasheen không phải là người duy nhất tự nguyện sống trên một hòn đảo. Chẳng hạn Masafumi Nagasaki từng sống một mình suốt 29 năm trên một hòn đảo xa xôi ở Đài Loan. Đến năm 2018, ở tuổi 82, ông bị chính quyền Nhật Bản buộc phải trở về đất liền vì lý do sức khỏe. Hoặc Edward Banfield, một nhà văn kiêm nhà tự nhiên học, đã cùng vợ đến sống tại một hòn đảo hẻo lánh của Australia vào năm 1990, sống được đến 23 năm.

Có một thuật ngữ cho hiện tượng này, gọi là “Inverted Crusoesim”.

Thuật ngữ này bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng năm 1719 của nhà văn Daniel Defoe: Robinson Crusoe, khắc họa câu chuyện nhân vật Robinson bị đắm tàu và tỉnh dậy trên một hòn đảo xa xôi và phải ở lại đây trong hai thập niên. Chữ “Crusoesim” bắt nguồn từ tên nhân vật Robinson Crusoe, còn Inverted tức là “đảo ngược”, chỉ đến việc Robinson bị hoàn cảnh bắt buộc sống trên đảo hoang, còn những người như Glasheen thì chọn sống trên đảo.

Xã hội hiện đại đã từ lâu bị những câu chuyện về cuộc sống biệt lập trên đảo mê hoặc. Thậm chí còn có một khái niệm nghệ thuật tên là Robinsonade, tức chỉ các tác phẩm có cấu trúc tương tự tiểu thuyết Robinson Crusoe, thường khắc họa chủ đề như tìm về tự nhiên, chủ nghĩa giải thoát, tự lực và chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ.

Những nhân vật trong các tác phẩm kiểu này không chỉ chấp nhận số phận, mà còn tìm cách sống với nó. Nơi tưởng như khó sống cuối cùng lại trở thành thiên đường.

Tương tự vậy, đối với Glasheen, giờ đây thế giới bên ngoài hòn đảo mới là nhà tù.

Những thứ ông từng coi trọng, như tiền bạc, địa vị, quyền lực, trở thành điều xa vời và không ý nghĩa. Cuộc sống của ông chỉ còn lại những buổi ngồi xem rùa ấp trứng dưới ánh trăng rằm, nằm ngủ khi những con sóng vỗ về bãi biển, và thức dậy mà không cần nghĩ đến ngày mai.

“Nếu ra khỏi nơi đây, tôi sẽ làm gì? Sống trong một căn hộ nhỏ bé? Đổi gió biển để dùng quạt máy? Không, không bao giờ” - ông tuyên bố.

Có thể bạn quan tâm

  • Triệu phú “súng bắn ruồi”

    Triệu phú “súng bắn ruồi”

    04:00, 20/05/2022

  • Triệu phú thế hệ Y ưa chuộng tài sản đầu tư kỹ thuật số

    Triệu phú thế hệ Y ưa chuộng tài sản đầu tư kỹ thuật số

    05:30, 18/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ doanh nhân triệu phú tới Robinson thời nay (Phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO