Ông Cai Fang, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã từng kêu gọi các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn một kỷ nguyên thất nghiệp mới gây ra bởi công nghệ ở châu Á.
"Chúng ta phải giới hạn tốc độ và hạn chế hướng phát triển của robot để tránh những ảnh hưởng xấu đến con người”, ông Cai Fang nói.
Ông Cai Fang đã chia sẻ quan điểm với một loạt những nhân vật có ảnh hưởng để yêu cầu những biện pháp bảo vệ con người khỏi máy móc, trong đó có Bill Gates. Mặc dù những lời kêu gọi bảo vệ này thường gây nhiều tranh cãi trong thế giới công nghiệp hóa, nhưng vẫn có những lý do chính đáng để lo ngại về sự lan rộng nhanh chóng của tự động hóa ở các nước châu Á mới nổi, đặc biệt là những ảnh hưởng tiềm ẩn đối với việc làm trong trong các lĩnh vực sản xuất quan trọng của khu vực.
Một báo cáo nghiên cứu mới từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào tháng 3 cho thấy 14% việc làm tại 32 nền kinh tế công nghiệp đã được "tự động hoá cao", từ robot cơ khí thay thế người lao công đến phần mềm trí tuệ nhân thay thế các nhà dịch thuật và các nhà phân tích dữ liệu. Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng con số 14% thực tế thấp hơn rất nhiều so với nhiều nghiên cứu so sánh khác, bao gồm một bài báo nổi tiếng năm 2013 của các nhà kinh tế học Carl Frey và Michael Osborne của Oxford, trong đó kết luận rằng 47% người lao động ở Mỹ là "có nguy cơ" bị thay thế bởi robot trong những thập kỷ tới.
Thay vì chỉ xem xét việc làm, các nhà nghiên cứu của OECD cũng xem xét các nhiệm vụ cụ thể trong công việc, cố gắng tìm kiếm những nhiệm vụ liên quan đến sáng tạo và quan hệ xã hội ít chịu tác động của tự động hóa nhất. Rất nhiều công việc hàng ngày bao gồm những nhiệm vụ như vậy, từ giao dịch với khách hàng đến đàm phán với các đồng nghiệp. Điều này cho thấy những lo sợ về việc tự động hóa sẽ thay thế những nhân viên văn phòng tay nghề cao có thể đã bị thổi phồng, và một số công việc tay nghề thấp cũng có khả năng kháng cự tốt.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các công việc tay nghề thấp trong ngành sản xuất nằm trong số những công việc dễ bị tổn thương nhất bởi tự động hóa, gây lo lắng cho người lao động tại châu Á, vốn được coi là “công xưởng của thế giới.
Điều này thể hiện mối đe dọa rõ ràng đối với việc làm trong các lĩnh vực cấu thành xương sống của các nền kinh tế định hướng theo xuất khẩu như Trung Quốc, Malaysia hay Thái Lan. Nhưng thậm chí còn đáng lo ngại hơn đối với các quốc gia trong giai đoạn đầu của sự phát triển, như Campuchia và Myanmar, và đặc biệt là Ấn Độ - tất cả đều đang vật lộn để xây dựng các ngành sản xuất quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động.
Nói cách khác, tự động hóa không chỉ đơn thuần đe doạ thay thế các công việc sản xuất hiện tại ở châu Á, mà cũng có nghĩa là các công ty ở các quốc gia có thu nhập thấp có thể quyết định không bao giờ tạo ra những loại công việc này ngay từ đầu mà thay vào đó đầu tư vào các robot.
Các nghiên cứu về robot chỉ đơn thuần xác định các công việc "chịu rủi ro". Các công ty có thể tự quyết định tự động hóa chậm rãi, không chỉ vì chi phí đắt đỏ và sự phức tạp của việc đưa những công nghệ tiên tiến này vào các thị trường mới nổi. Tự động hóa vẫn còn ở giai đoạn đầu ở hầu hết các nước châu Á mới nổi. Trung Quốc có 631 robot công nghiệp trên 10.000 nhân viên, chỉ bằng 1/3 ở Mỹ và 1/10 ở Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy cuộc chạy đua robot đang tăng tốc. Foxconn đã bắt đầu thay thế hàng chục nghìn lao động trong nhà máy bằng máy móc, bác bỏ ý tưởng rằng những nhiệm vụ cầu kỳ trên dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh sẽ rất khó để cơ giới hóa. Innolux, công ty con của Foxconn sản xuất màn hình LCD cũng đã công bố kế hoạch tự động hoá 1/5 việc làm của mình. Cũng có những lo lắng về các ngành công nghiệp như may mặc có thể cũng sẽ đe dọa đến các công nhân dệt may ở các quốc gia như Bangladesh và Việt Nam.
Như ông Fang đã nói: "Chúng ta phải tìm ra khía cạnh nào con người tốt hơn robot – trí tuệ xúc cảm, sự phán xét hay tư duy sáng tạo? Sau đó chúng ta có thể lập kế hoạch bồi thường cho nhóm người yếu nhất – những người lao động bị thay thế bằng robot và những người sẽ không bao giờ có được một công việc khác”.
Các quy định thị trường lao động linh hoạt là rất quan trọng, đặc biệt ở các nước như Ấn Độ, nơi khuyến khích các công ty lắp đặt máy móc hơn là thuê nhân công. Cần có những chương trình mới để đào tạo lại lực lượng lao động bị thay thế, cũng như cần có các bước để thúc đẩy các công ty thay đổi bản chất của công việc sản xuất, cho phép ngay cả những người lao động làm công việc thường ngày được thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến trí tuệ xã hội và sáng tạo.
Hiện nay, có rất ít chính phủ có thể xem xét những bước đi gợi ý bởi ông Fang và ông Bill Gates, nhất là khi họ sợ những hạn chế khắc nghiệt này sẽ khuyến khích các công ty chuyển các cơ sở sản xuất ra nước ngoài.