Việc Hà Nội thay đổi tư duy vay vốn ODA, chuyển sang kêu gọi đầu tư tư nhân trong nước làm đường sắt đô thị là tư duy mới, cần nhân rộng...
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư giai đoạn đến 2025. Ba tuyến đường sắt đô thị Hà Nội kiến nghị Thủ tướng áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng có tổng mức đầu tư 125.000 tỷ đồng.
Chính quyền thay đổi
Có thể bạn quan tâm
|
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ủng hộ quan điểm tự lực và thay đổi về tư duy của chính quyền thành phố Hà Nội. Bà Lan cho rằng, khi ngân sách khó khăn, vốn tài trợ thay đổi thì cần dựa vào doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chắc chắn doanh nghiệp sẽ làm được nếu trao cho họ cơ hội, có cơ chế cụ thể.
Hà Nội đề xuất được áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị trên như: được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hoá từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án; cho phép điều tiết toàn bộ các khoản tiết kiệm được chi thường xuyên để chi đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Hà Nội cũng đề xuất bán đấu giá tài sản công là nhà và đất để tạo vốn làm dự án; được lập các dự án đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt…
Việc Hà Nội nói không với với vay vốn ODA, vốn trái phiếu hay kêu gọi vốn của Chính phủ là một quyết định “mang tính đột phá”. Ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia cao cấp của JICA cho rằng, thay đổi cách nghĩ lâu nay dựa vào ngân sách, vốn ODA của Hà Nội là rất tốt, cần nhân rộng ra các tỉnh khác nữa.
Doanh nghiệp là “hạt nhân”
Trong chuyến tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Pháp hồi cuối tháng 3, Chủ tich Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bouygues của Pháp về hợp tác đầu tư dự án đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội. Theo ông Đỗ Quang Hiển, bước vào dự án này, "chúng tôi đã chuẩn bị từ cả năm trước và được chọn lựa qua nhiều kỳ sàng lọc của Hà Nội".
Không chỉ có T&T, còn nhớ, tại Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển", UBND TP. Hà Nội đã trao bản ghi nhớ với các doanh nghiệp để thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn. Trong đó, Vingroup sẽ rót khoảng 100.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường sắt đô thị, bên cạnh những tuyến đang xây dựng bằng vốn ngân sách.
Rõ ràng, từ trước đến nay, hạ tầng giao thông luôn được xem là quá sức với tư nhân trong nước. Tuy nhiên, khi một cơ chế mới mở ra, các tập đoàn tư nhân lại hứng khởi và tự tin tham gia. Những điểm yếu về vốn, công nghệ... khiến cho nhiều dự án hạ tầng trước đây chậm trễ đã có hướng mở.
Cơ chế tạo đột phá
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hiển cũng cho rằng, đồng vốn doanh nghiệp trong nước hay vốn tập đoàn nước ngoài đều được đầu tư và kiểm soát minh bạch, hiệu quả cao nhất của doanh nghiệp. Thành công của những dự án này là tiền đề để nguồn lực tư nhân đóng góp nhiều hơn để khai mở cho những điểm nghẽn phát triển đất nước. "Tư nhân bỏ tiền túi ra đầu tư thì chắc chắn họ có trách nhiệm với đồng tiền đó, công trình đó, để đảm bảo chất lượng cao nhất", ông Hiển chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng, điểm mấu chốt của cơ chế là cần có một văn bản chỉ rõ và giới hạn nhiệm vụ của nhà nước và doanh nghiệp khi tham gia dự án. Vì vậy, việc tiến hành kêu gọi đầu tư tư nhân khi chưa hoàn chỉnh Luật đối tác công tư (PPP) sẽ gây lo ngại không chỉ cho doanh nghiệp.
Cơ quan chức năng đã giao các dự án hạ tầng lớn cho các tập đoàn tư nhân có đủ năng lực. Vì thế, câu chuyện ở đây là hiệu quả, uy tín của chính mỗi doanh nghiệp. Từ câu chuyện của Hà Nội, cùng với đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa cho tư nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực trước đây nhà nước nắm giữ, nói như ông Hiển nguyên tắc sòng phẳng, "WIN - WIN" sẽ đảm bảo công trình có chất lượng và đồng vốn có hiệu quả nhất.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Nhân rộng tư duy mới Hà Nội đang tìm phương thức mới, đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế thị trường và cách thức quản trị mới. Với hai tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội kiến nghị cho Tập đoàn T&T và Vingroup được tự đứng ra đầu tư làm, nói không với với vay vốn ODA, vốn trái phiếu hay kêu gọi vốn của Chính phủ. Nguồn vốn Hà Nội tự tạo cho nhà dầu tư sẽ bằng cách xin để lại toàn bộ ngân sách gồm nguồn vốn các doanh nghiệp cổ phần hoá của Hà Nội và nguồn vốn tiết kiệm, dự kiến có hơn 1 tỷ USD. Tôi mừng bởi các nhà lãnh đạo không quá ham vào ODA và ngân sách hỗ trợ. Thay đổi cách nghĩ lâu nay dựa vào ngân sách, vốn ODA của Hà Nội là rất tốt, cần nhân rộng ra các tỉnh khác nữa. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Tư nhân làm sẽ nhanh, chặt chẽ và tiết kiệm hơn Tư nhân làm sẽ nhanh hơn, tránh được thất thoát vì tiền của họ bỏ ra thì họ phải tính toán chặt chẽ, tiết kiệm, chất lượng công trình phải đảm bảo. Việc Hà Nội kêu gọi và ủng hộ tư nhân đầu tư đường sắt đô thị là rất cần thiết. Với khả năng của khu vực tư nhân đang dần lớn mạnh, họ hoàn toàn có thể đủ khả năng huy động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị này. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao, việc vay vốn nước ngoài cũng ngày càng áp lực thì việc huy động nguồn vốn tư nhân trong các dự án là giải pháp tối ưu. |