Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động có quy định cụ thể mức phạt đối với cá nhân, tổ chức không trả sổ BHXH cho người lao động.
Cụ thể, Chương III của Nghị định có ghi rõ "Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định tại khoản 2 Điều 39 như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Một là, kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai là, không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ba là, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại cho tổ chức BHXH số tiền BHXH, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 23/08/2019
20:18, 04/01/2018
Theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm trên là mức phạt đối với cá nhân. Căn cứ Điều 5 của Nghị định này, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, với các hành vi vi phạm trên, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền tới 20 triệu đồng/hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bị làm giả, làm sai lệch.
Theo ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, mặc dù đã có nhiều biện pháp trong công tác quản lý bảo hiểm thất nghiệp nhưng có không ít trường hợp lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng.
Phổ biến nhất là tình trạng nhiều người lao động đã có việc làm vẫn không khai báo, thậm chí mượn giấy tờ của người thân để ký hợp đồng lao động. Những năm trước đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thu hồi đối với hơn 15.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định với tổng số tiền gần 71 tỉ đồng, trong đó, tập trung tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang… Tới thời điểm hiện tại, vẫn có hàng chục tỉ đồng chưa thu hồi được do không liên lạc được với người lao động hoặc người lao động chưa có khả năng nộp lại.
Ngoài ra, còn những chiêu trò trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể kể đến là thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề; người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng…; người sử dụng lao động làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ…
Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra nội bộ việc thu, chi bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và xử lý theo thẩm quyền... Ông Ánh yêu cầu trước khi xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, cơ quan bảo hiểm phải kiểm tra, rà soát, đối chiếu với các cơ sở dữ liệu. Nếu phát hiện sai tiền lương, chức danh nghề, trùng số sổ BHXH, trùng mã số BHXH, một người có nhiều sổ BHXH thì phải hoàn chỉnh lại theo đúng quy trình, không đẩy khó khăn cho người lao động hoặc người sử dụng lao động.
Khi giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, cơ quan BHXH không giải quyết đối với trường hợp trùng chế độ, trùng thời gian, không giải quyết chế độ tử tuất khi chưa báo giảm trên hệ thống, không để xảy ra trường hợp chết mà vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh.
"Đặc biệt, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra các trường hợp phát sinh điều chỉnh mức đóng BHXH tăng bất thường với thời gian 6 tháng trong vòng 1 năm trước khi sinh con, nhận con nuôi", ông Ánh nhấn mạnh.