Từ tư duy đến hành động

PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 25/01/2023 04:00

Du lịch và di sản văn hoá là môi quan hệ cộng sinh. Di sản văn hoá là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là điểm đến di sản trong hoạt động khai thác du lịch.

>>Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng phát triển

Tùy vào sức hấp dẫn của mỗi di sản và chương trình hoạt động du lịch sẽ tạo ra những trải nghiệm khác nhau cho mỗi du khách.

Ngược lại, hoạt động khai thác du lịch dựa vào giá trị di sản sẽ góp phần quảng bá, phát huy giá trị của di sản, tạo sức sống mới cho di sản. Tuy nhiên ở góc độ nào đó, nếu không có những biện pháp khai thác hiệu quả sẽ làm mất đi giá trị vốn có của di sản và có thể hủy hoại đến di sản.

Tài nguyên của du lịch

Viêt Nam là một trong số nhiều các quốc gia trên thế giới có một tài nguyên di sản đồ sộ, phong phú, đa dạng, chứa đựng giá trị độc đáo... mang nhiều sắc thái riêng của từng vùng, từng địa phương. Theo thống kê của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch thì hiện nay chúng ta có khoảng trên 4 vạn di tích, trong đó có 3551 di tích được xếp hạng quốc gia, 119 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 364 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. UNESCO đã công nhận 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên vinh danh là di sản thế giới.

Chính vì vậy, thời gian qua di sản văn hóa, di sản thiên nhiên... được coi là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực không chỉ thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà còn thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp đầu tư và phát triển.

Hoạt động khai thác các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đã được Việt Nam, trong đó các địa phương đẩy mạnh...và cũng đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian dài chúng ta chưa phát huy được tối đa nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo đó trong hoạt động du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Ở một số địa phương nhiều nguồn tài nguyên di sản văn hóa dường như bị lãng quên, hoặc chưa chú ý đến việc lồng ghép để khách tham quan du lịch có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di sản thiên nhiên cùng với trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di sản lịch sử.

Bên cạnh những tích cực từ hoạt động du lịch thì yếu tố tiêu cực tác động đến đời sống xã hội, đến các di sản không phải là không có. Việc phát triển du lịch với tốc độ nhanh, mạnh, thậm chí có lúc thiếu kiểm soát, chú ý phát triển kinh tế mà chưa quan tâm thấu đáo đến phát triển bền vững …đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản.

Hoà nhập nhưng không hoà tan

Thời gian tới, để văn hóa, di sản văn hóa trở thành một nguồn lực quan trọng giúp các địa phương phát triển kinh tế, phát triển du lịch…mà tài nguyên di sản vẫn đảm bảo “trường tồn, bền vững”… thì “Chúng ta được thừa hưởng trái đất từ ông bà chúng ta, chúng ta cần chăm sóc nó cho thế hệ con cháu của chúng ta”. Để di sản phát triển bền vững cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn cả trách nhiệm của cộng đồng, của các tổ chức, các doanh nghiệp…Khai thác, phát triển các di sản cần hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, trong đó đảm bảo hài hòa tính hiệu quả của kinh tế, sự phồn thịnh cho địa phương, chất lượng việc làm, sự thỏa mãn của khách du lịch…

Trong bối cảnh hiện nay, để di sản phát huy được tối đa nguồn lực, hạn chế tiêu cực... thì chúng ta cần thiết xây dựng được một cơ chế hài hòa, hợp lí giữa bảo tồn, phát huy di sản với phát triển kinh tế - xã hội. Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, phát triển du lịch bền vững ở các địa phương, các vùng của đất nước. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Quốc hội khóa 15 tổ chức diễn ra ngày 17/12/2022 vừa qua, trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa, vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển, trong đó cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy, phát triển…

Chúng ta cần cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hoá và phát triển kinh tế, đồng thời, cần có hiểu biết sâu sắc về di sản để đầu tư, bảo tổn, phát huy giá trị di sản văn hoá. Các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực vực du lịch cần trang bị các kiến thức, hiểu biết về các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến di sản, bảo tồn và phát huy di sản. Có trách nhiệm và thái độ rõ ràng đối với vấn đề bảo tồn, di sản và cương quyết lên án với các hiện tượng, hành vi xâm hại di sản trên mọi phương diện.

Hiện nay cần phải thay đổi từ tư duy đến hành động; Giảm tải việc khai thác tận thu gây tác động xấu đối với di sản; Áp dụng công nghệ số để bảo tổn, phát huy giá trị di sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo tồn và phát triển di sản làng nghề Việt Nam

    Bảo tồn và phát triển di sản làng nghề Việt Nam

    00:00, 16/12/2022

  • Nâng tầm giá trị văn hóa, di sản

    Nâng tầm giá trị văn hóa, di sản

    11:56, 30/12/2022

  • Dấu ấn di sản: Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử

    Dấu ấn di sản: Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử

    08:30, 13/12/2022

  • Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển

    Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển

    19:35, 12/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Từ tư duy đến hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO