Đây là nhấn mạnh của Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về trường hợp tử tù bị nhiễm COVID-19 bỏ trốn.
Công an TP HCM cho biết, tử tù Nguyễn Kim An bị bắt vào khoảng 1h sáng ngày 16/7, khi đang lẩn trốn tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức và được đưa về trại tạm giam Chí Hòa để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Tử tù Nguyễn Kim An tại phiên tòa năm 2015.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định, tù nhân trốn trại là một tình huống nguy hiểm, tử tù trốn trại mà lại đang mắc Covid-19 thì tính chất nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều lần...
"Đây là một tình huống đặc biệt nguy hiểm, cơ quan chức năng cần cảnh báo thông tin, công khai rộng rãi để người dân biết và có biện pháp xử lý như khai báo y tế nếu đã đối mặt với đối tượng phạm tội nguy hiểm này", Luật sư Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Cường, hành vi trốn khỏi nơi giam giữ là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử được quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
"Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử
Luật sư Cường nhấn mạnh thêm, ngoài tội danh giết người, cướp tài sản đã có hiệu lực pháp luật và đang chờ thi hành án thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội trốn khỏi nơi giam giữ theo Điều 386 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
"Bởi vậy, sau khi bắt được đối tượng này thì đối tượng sẽ phải thực hiện một quy trình tố tụng hình sự là điều tra, truy tố, xét xử về một tội danh khác. Việc kết tội thêm về tội danh này cũng không có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên khi xét xử tòa án sẽ tổng hợp hình phạt với bản án cũ và sẽ tuyên bản án chung là tử hình. Đối tượng có thể kháng cáo và có thể trải qua hai cấp xét xử nữa, kéo dài thêm thời gian trước khi thi hành án tử hình", Luật sư Cường nói.
Ngoài ra, đối với cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân và cán bộ trại tạm gia, Luật sư Cường cho biết cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm trong việc để đối tượng bỏ trốn. Trong trường hơp có căn cứ cho thấy có cán bộ đã thiếu trách nhiệm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao dẫn đến hậu quả phạm nhân bỏ trốn thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự cán bộ này về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án này.
Được biết, phạm nhân Nguyễn Kim An (26 tuổi, quê quán Bình Thuận) từng bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình hồi năm 2015 với 2 tội danh là giết người và cướp tài sản. Sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Sau gần 6 năm chờ thi hành án tử hình, đối tượng đã vượt ngục, bỏ trốn hôm 13/7.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 2/2014, do thiếu tiền tiêu xài Nguyễn Kim An đã nảy sinh ý định đầu độc bạn học là L. V. Đ. để cướp tài sản.
Tối 26/2/2014, An gọi Đ. đến nhà trọ trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) để nhờ chỉ bài. Tại đây, An đã pha 6 viên thuốc ngủ vào nước cho Đ. uống khiến nạn nhân mê man. Sau đó, An kẹp cổ bạn cho đến khi bất động. Nghĩ bạn đã chết, An bỏ Đ. vào bao tải rồi lấy xe máy của bạn chở ra cầu Phú Mỹ (quận 7) bỏ xuống sông Sài Gòn. Gây án xong, hắn lấy điện thoại của nạn nhân và đem xe máy của nạn nhân gửi ở gần nhà.
Để đánh lạc hướng, ngày 27/2/2014, An gọi cho gia đình nạn nhân, thông báo Đ. bị bắt cóc và đòi 500 triệu đồng tiền chuộc. Sau đó, bao tải thi thể Đ. Được người dân phát hiện và trình báo công an. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân tử vong vì ngạt nước. An bị bắt sau đó, thừa nhận hành vi phạm tội.