Xác định bản ngã, tuổi trẻ cống hiến cho lý tưởng, hoài bão - những tư tưởng tiến bộ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh đầu thế kỷ XX vẫn truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thanh niên Việt Nam hiện nay.
>>>Khơi dậy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Nguyễn An Ninh - một trí thức được đào tạo bài bản đã trở thành nhà cách mạng có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào yêu nước suốt 2 thập niên đầu thế kỷ XX (1923 - 1943), nhất là ở Nam Bộ. PGS. TS Trần Viết Nghĩa - Giảng viên bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, khoa Lịch Sử, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tại Midnight talk với chủ đề “Nguyễn An Ninh - Người thức tỉnh thế hệ thanh niên mê ngủ” diễn ra tối ngày 27/8.
Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (SN 1900) hội tụ điều kiện để mưu cầu những thăng tiến cho bản thân. Với học vấn xuất sắc, ông đã thi đỗ khoa Luật, trường đại học danh giá Sorbonne, Paris (Pháp). Tuy nhiên, với những tư tưởng cấp tiến thấm đẫm từ gia đình có truyền thống yêu nước, nhất là trong những năm tháng học tập trên nước Pháp - quê hương của tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái; của các nhà tư tưởng lớn thế giới, Nguyễn An Ninh đã bỏ qua những lo toan cho bản thân, hướng đến lý tưởng cách mạng: tìm hiểu tư tưởng các nhà tiến bộ lớn ở châu Âu để tham gia hoạt động yêu nước chống Pháp ở quê nhà.
Những năm tháng sống ở Paris - trung tâm tư tưởng tiến bộ của châu Âu với tràn ngập tư tưởng cách mạng, Nguyễn An Ninh có điều kiện lý tưởng để học tập, nghiên cứu, tìm hiểu trực tiếp những tư tưởng tiến bộ cách mạng và tích luỹ kinh nghiệm hoạt động đấu tranh. Tháng 10/1922, Nguyễn An Ninh rời Paris trở lại Sài Gòn với tư tưởng lớn: sự đàn áp đến từ nước Pháp nhưng tinh thần giải phóng cũng đến từ nước Pháp. Hành trang ông mang về nước là tư tưởng tự do dân chủ dân quyền.
“Đây chính là động lực đấu tranh khi ông về nước. Làn sóng yêu nước cấp tiến đã được Nguyễn An Ninh phát động và tác động đến giới trẻ ở Nam Kỳ, Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ 20” - PGS. TS Trần Viết Nghĩa cho biết.
Là người công khai truyền bá tư tưởng tiến bộ học hỏi từ châu Âu, ông đã sử dụng 2 hình thức truyền bá là diễn thuyết và ra báo nhằm nâng cao trình độ dân trí, thức tỉnh lòng yêu nước, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh. Trong đó, ông hướng đến thanh niên trí thức là những năng động, nhạy bén, tiên phong trong đấu tranh cách mạng. Đây là lực lượng xã hội có vai trò quan trọng, được các nhà yêu nước nổi tiếng lúc đó đánh giá cao.
Ở tuổi 23, với ngòi bút sắc bén, lý luận hấp dẫn của một người học Luật, Nguyễn An Ninh đã có hai bài diễn thuyết nổi tiếng lên án chế độ thực dân, kêu gọi đồng bào, nhất là thanh niên tìm đường cứu nước, xây dựng một nền văn hóa độclập cho đất nước. “Một người trẻ bắt mạnh đúng tâm tư, nguyện vọng và dám nói về khát vọng của những người đồng trang lứa, ông đã có sức lôi cuốn đặc biệt thanh niên Nam Kỳ” - PGS. TS Trần Viết Nghĩa nói.
Ngoài diễn thuyết, Nguyễn An Ninh ra báo Chuông rè (La Cloche Fêlée) để có thêm công cụ truyền bá lòng yêu nước, thôi thúc thanh niên đứng lên đấu tranh. Đây là tờ báo đầu tiên công khai chống chính quyền thực dân tại Việt Nam lúc đó. Theo PGS. TS Trần Viết Nghĩa, tờ báo còn dám làm chuyện động trời khi đăng toàn văn “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cuộc cách mạng Pháp, “Tuyên ngôn cộng sản” của Max và Ănghen.
Ngay tại nước Pháp lúc đó, giới cầm quyền còn phải e ngại với tư tưởng cộng sản, vậy mà tại thuộc địa, một tờ báo công khai tuyên truyền tư tưởng cộng sản. Điều này vượt quá sự tưởng tượng của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, sự truyền bá công khai này có tác dụng lớn, quần chúng biết tư tưởng tiến bộ từ đó thấu hiểu và hành động. Bên cạnh đó, là người am hiểu Luật, Nguyễn An Ninh còn đứng lên đấu tranh đòi tự do dân chủ với mong muốn những điều thực thi ở Pháp cũng được thực thi tại thuộc địa, khơi nguồn cho phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ mạnh mẽ trong những năm sau này.
Nhiều năm nghiên cứu về nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, PGS. TS Trần Viết Nghĩa cho biết: Với vai trò là người đại diện, linh hồn của lớp trẻ Nam Kỳ lúc đó, ông nhìn nhận thanh niên là lực lượng cách mạng của tương lại. Để thanh niên không đi chệch hướng, Nguyễn An Ninh phê phán lối sống xa rời văn hoá dân tộc của một bộ phận thanh niên. Xác định bản ngã của mình, kêu gọi lớp trẻ sống có ước mơ, từ bỏ lối sống vị kỷ để học tập và phụng sự Tổ quốc. Đặc biệt, bất chấp sự đe doạ, cấm đoán của nhà trường và chính quyền thực dân, học sinh sinh viên tìm đọc tờ báo Chuông rè.
Sức hút lớn nhất, theo PGS. TS Trần Viết Nghĩa là tư tưởng tiến bộ góp phần thức tỉnh lòng yêu nước. Hình ảnh Nguyễn An Ninh dũng cảm dấn thân vào sự nghiệp cách mạng đầy hiểm nguy đã gây ấn tượng mạnh mẽ về con người quả cảm, giàu nhiệt huyết yêu nước đã truyền cảm hứng đấu tranh cách mạng, góp phần dấy lên phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ sôi nổi chưa từng thấy của thanh niên trong giai đoạn giữa những năm 20 ở Nam Kỳ và Việt Nam.
“Từ bỏ mọi vinh hoa, phú quý để dấn thân trường đấu tranh gian khổ vì độc lập tự do dân tộc, Nguyễn An Ninh đã bị 5 lần tù đầy và hy sinh năm 1943. Gần 1 thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng của ông vẫn còn tính thời sự như tư tưởng chấn hưng dân trí, ước mong giữ gìn được giá trị văn hoá của người Việt Nam, lý tưởng cao đẹp của thanh niên” - PGS. TS Trần Viết Nghĩa khẳng định.
Có thể bạn quan tâm