Từ vụ án cựu doanh nhân được tại ngoại sau 13 năm tạm giam, luật sư cho rằng có "khoảng trống pháp lý" đang tồn tại, đó là việc không quy định về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử lại là bao lâu…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, vừa qua, TAND TP Hà Nội có quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với cựu doanh nhân Nguyễn Huy Khang (65 tuổi, trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) do xét thấy không cần thiết sau 13 năm bị cáo này bị bắt tạm giam. Thông tin về vụ án đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi thời gian tạm giam quá dài.
Thực tế theo các chuyên gia pháp lý, việc tạm giam đến 13 năm là sự việc hy hữu trong tố tụng Việt Nam. Vụ án kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và có nhiều vấn đề đáng quan tâm cả về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án. Đến nay các bị can vẫn tiếp tục kêu oan và tòa án sẽ phải thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án.
>>Sau 13 năm bị tạm giam, cựu doanh nhân bất ngờ được tại ngoại
Từ vụ án này, phân tích về thời gian tạm giam của bị cáo vì sao lại kéo dài đến 13 năm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, Luật hiện hành chưa có quy định về thời hạn điều tra tối đa. Do đó vị luật sư cho rằng, đây là khoảng trống về pháp lý và cần được sửa đổi trong thời gian tới để đảm bảo nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ chứng minh tội phạm.
Theo phân tích của luật sư Nguyễn Đức Biên, BLTTHS 2015 quy định các nguyên tắc cơ bản, trong đó có quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13), nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh (Điều 15) và nguyên tắc tranh tụng (Điều 26). Những quy định này đòi hỏi phải tuân thủ về thời hạn chứng minh, hết thời hạn chứng minh mà không chứng minh được bị can, bị cáo phạm tội thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định này để làm rõ cơ quan tiến hành tố tụng được áp dụng thời hạn để chứng minh bao nhiêu lần. Chính vì vậy mỗi khi bản án hình sự bị tòa án cấp trên hủy bỏ để điều tra, truy tố, xét xử lại thì “thời hạn chứng minh” lại được tính lại từ đầu, dẫn đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giam “quay vòng” không có hồi kết…
Do đó, luật sư Biên cho rằng, từ vụ án này, cần phải quy định một thời hạn tối đa cho từng loại tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng này kể cả trường hợp bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại. “Nếu qua thời điểm đó mà không chứng minh được tội phạm thì phải tuyên bố bị can, bị cáo không phạm tội, đình chỉ vụ án. Không thể để một vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng phải mất 13 năm để chứng minh tội phạm như vụ án này” vị luật sư nói.
>>Cựu giám đốc “tán gia bại sản” vì một bản án oan
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, từ vụ án này đã cho thấy đang tồn tại một khoảng trống pháp lý.
Phân tích rõ hơn, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định về thời hạn điều tra vụ án cũng như thời hạn tạm giam bị can, bị cáo. Trong đó, thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn điều tra.
Với vụ án của ông Nguyễn Huy Khang, bị cáo này bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thời hạn điều tra, truy tố, xét xử (bao gồm cả gia hạn) không quá 3 năm. Tuy nhiên, theo luật sư Cường, có "một khoảng trống pháp lý" đang tồn tại, đó là trường hợp tòa phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại thì lại không có quy định về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử lại là bao lâu.
Do đó, luật sư Cường cho rằng, điều này dẫn tới các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào quy định chung về thời hạn tạm giam, thời hạn điều tra, thời hạn truy tố, thời hạn xét xử để "tính lại từ đầu", hay còn gọi là "quay vòng" tố tụng.
Như vậy, vụ án có thể kéo dài nhiều năm mà không có hồi kết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Thực tế đã có những vụ án kéo dài nhiều năm khiến bị cáo mệt mỏi, chán nản mà từ bỏ việc kêu oan, chấp nhận nhận tội để giảm thời gian chấp hành hình phạt.
Cũng từ vụ án đặc biệt này, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị, Cơ quan tố tụng cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng quy định thời hạn tối đa cho từng loại tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam để thực hiện các thủ tục tố tụng.
“Đồng thời, phải quy định cả trường hợp bản án bị hủy để điều tra, truy tố, xét xử lại thì thời hạn cũng không quá một khoảng thời gian nhất định, nếu quá thời điểm đó mà không chứng minh được tội phạm, phải tuyên bố bị can, bị cáo không phạm tội, đình chỉ vụ án”, luật sư Cường nói.
Có thể bạn quan tâm