Từ ngày 25/11 – 1/12/2019, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019”.
Chương trình bao gồm một chuỗi các hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Theo đó, sáng ngày 26/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội, Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp" đã được tổ chức, đây là một trong các hoạt động chính của chương trình Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019.
Với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước Giải khát Hà Nội (HABECO), Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam (PINACO), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), chương trình đã thu hút sự quan tâm của hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhà nghiên cứu và các cơ quan thông tấn báo chí đăng ký tham dự.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ là một nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và lâu dài trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo, lành mạnh hóa thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Việc tổ chức mô hình theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, trực thuộc Bộ Công Thương đã đem lại nhiều hiệu quả, nhận được đánh giá cao từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đại diện các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng. Nhiều vụ việc có quy mô lớn, có tính chất nghiêm trọng đã được lực lượng Quản lý thị trường chuyển cơ quan công an thụ lý điều tra.
Có thể bạn quan tâm
09:22, 29/11/2019
14:27, 26/11/2019
14:57, 25/11/2019
08:00, 11/08/2019
05:00, 17/07/2019
11:20, 01/07/2019
Cũng trong chương trình, Thượng tá Đỗ Đức Tạo, Phó trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công An chia sẻ: “Một trong những khó khăn, vướng mắc khi xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự đó là liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Chính vì vậy, cần có nhiều văn vản hướng dẫn thi hành, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xây dựng văn bản để đảm bảo tính thống nhất”.
“Trên thực tế, mối quan hệ phối hợp trong soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc” ông Đỗ Đức Tạo thừa nhận.
Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, nhà làm chính sách, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, các diễn giả, học giả cùng nhìn lại chặng đường phát triển đã qua của doanh nghiệp Việt, từ đó, cùng nhau nhận định, trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam hiện nay
Ngay sau kết thúc Diễn đàn, vào sáng ngày 29/11, Lễ khai mạc chương trình Triển lãm ảnh Trưng bày giới thiệu hình ảnh các thành tựu và kết quả 12 năm triển khai chương trình phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007 - 29/11/2019) đã được tổ chức trang trọng tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm mở cửa tự do trong ba ngày, từ ngày 29/11 - 1/12 và trưng bày hơn 100 tấm ảnh về các vụ việc xử lý vi phạm: xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng giả - hàng nhái trên quy mô cả nước.
Phát biểu khai mạc Triển lãm ảnh, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã cho biết: “Mặc dù liên tục đấu tranh, ngăn chặn nhưng nạn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, các cơ quan thực thi, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với những thách từ vấn nạn này. Chính vì vậy, bên cạnh kiểm tra, xử lý thì việc tuyên truyền và hướng dẫn người dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, mua bán sử dụng hàng hóa cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm bài trừ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại”.
Thông qua Triển lãm ảnh, Ban tổ chức muốn hướng tới nâng cao hiệu quả tuyên truyền và hướng dẫn người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc sản xuất, mua bán, sử dụng hàng hóa. Đây cũng là cơ sở để người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất cùng tham gia bài trừ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Với kết quả đạt được, chương trình Tuần lễ phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019 dự kiến sẽ được Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức thường niên vào các năm sau.