Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đây là chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Góc nhìn từ hai phía”…
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Nhất Kha - Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính Ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Trong đó, cơ quan Hải quan đánh giá doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở 5 mức tuân thủ, mức cao nhất doanh nghiệp ưu tiên (mức 1) và thấp nhất là doanh nghiệp không tuân thủ (mức 5)…
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao mức độ tuân thủ, năm 2022, Cục Quản lý rủi ro đã trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyên tuân thủ pháp luật hải quan với mục tiêu cung cấp những giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu để nâng cao mức độ tuân thủ, giảm tỷ lệ kiểm tra của cơ quan Hải quan.
Trong đó, cơ quan Hải quan đánh giá doanh nghiệp có mức độ tuân thủ tốt, qua đó tỷ lệ các công việc mà cơ quan Hải quan thực hiện các công việc quản lý thấp hơn và dành nhiều nguồn lực để quản lý các doanh nghiệp được đánh giá tuân thủ chưa tốt hoặc không tuân thủ pháp luật.
Theo ông Kha, trong số 295 doanh nghiệp tham gia, có trên 80% doanh nghiệp duy trì được mức độ tuân thủ và tăng mức độ tuân thủ. Cụ thể, có 118 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 lên mức 2, 3; 135 doanh nghiệp giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, 3). Đối với những doanh có mức độ tuân thủ thấp được nâng mức độ tuân thủ sẽ có tỷ lệ kiểm tra thấp hơn, dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa nhanh hơn.
“Đối với những doanh nghiệp giữ vững được mức độ tuân thủ (thuân thủ tốt) sẽ được cơ quan Hải quan ghi nhận phải đáp ứng ở các tiêu chí như tờ khai, kim ngạch càng lớn, tương tự như đối với doanh nghiệp ưu tiên cũng phải đáp ứng các tiêu chí về tờ khai, kim ngạch. Có thể nói, thành công của Chương trình này là việc doanh nghiệp duy trì được mức độ tuân thủ và nâng mức độ tuân thủ”, ông Kha chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, cơ quan Hải quan đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai về cách thức, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Trong đó, cơ quan Hải quan và doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ để quy định rõ những công việc mà 2 bên phải làm, thống nhất những hoạt động mà cơ quan Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những vấn đề mà doanh nghiệp phải lưu ý. Đây là tiền đề dẫn đến thành công của Chương trình.
Đại diện cho các doanh nghiệp thành viên tham gia Chương trình thí điểm, ông Dương Quốc Phi - Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 cho hay, trước khi tham gia Chương trình thí điểm, doanh nghiệp thường xuyên bị động tuân thủ pháp luật hải quan, thường xuyên phụ thuộc vào sự hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" của cán bộ, công chức hải quan. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia Chương trình, bất cứ hoạt động của doanh nghiệp đều mang tính tự nguyện, chuyển từ bị động sang chủ động tuân thủ pháp luật.
Theo ông Phi, Chương trình thí điểm mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp về thời gian, chí phí. Nếu doanh nghiệp có tỷ lệ tờ khai luồng Xanh nhiều hơn thì hàng hóa được giải phóng nhanh. Đối với tờ khai luồng Vàng, doanh nghiệp phải kiểm tra hồ sơ hải quan, doanh nghiệp sẽ mất thời gian hơn để giải phóng hàng hóa.
Tương tự, đối với tờ khai luồng Đỏ, ngoài phải kiểm tra hồ sơ, doanh nghiệp còn phải kiểm tra thực tế hàng hóa, thay vì doanh nghiệp đưa hàng hóa từ cửa khẩu về thẳng nhà máy sản xuất, thì doanh nghiệp phải đưa hàng hóa về trụ sở cơ quan Hải quan để kiểm tra dẫn đến phát sinh các chi phí, thời gian, con người
Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đã đem lại lợi ích cho cả 2 phía: cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhận được nhiều lợi thế.
Chương trình giúp cơ quan Hải quan chuẩn bị nguồn lực và lựa chọn đối tượng rủi ro cao để tập trung nguồn lực quản lý, qua đó sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, công tác quản lý của cơ quan Hải quan giúp cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật để giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa, kiểm tra hồ sơ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm thời gian, giảm rủi ro.
“Không chỉ có vậy, khi tham gia vào Chương trình này, doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn, cùng sự chủ động, từ đó hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp nâng cao, mở rộng đối tác, thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn”, bà Thảo chia sẻ.
Đồng thời kỳ vọng, không chỉ những doanh nghiệp tham gia Chương trình này mới được cơ quan Hải quan đưa ra cảnh báo, hỗ trợ mà đây là nền tảng để kết nối giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp, thúc đẩy mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Chương trình này sẽ tạo đà, trở thành động lực để cơ quan Hải quan thiết lập nền tảng chung để cho tất cả các doanh nghiệp có thể tham khảo, từ đó mở rộng, có sức lan tỏa tốt hơn.
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyên tuân thủ pháp luật hải quan được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (năm 2022), cơ quan Hải quan ghi nhận có 213 doanh nghiệp tham gia chia theo kim ngạch, tính chất hoạt động xuất nhập khẩu tại 35 cục hải quan tỉnh, thành phố.
Giai đoàn 2, cơ quan Hải quan đặt mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình lên 20% (tương đương 40 doanh nghiệp). Trên thực tế, trong giai đoạn này, cơ quan Hải quan ghi nhận có thêm 82 doanh nghiệp tham gia (tương đương tăng 38,5%), nâng tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình lên 295 doanh nghiệp.