Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới

Diendandoanhnghiep.vn Với sự chỉ đạo của VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục tổ chức chuỗi Diễn đàn Tài chính - Chuyên đề với chủ đề thứ 3: "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới".

>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" 

17h15:

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, Ban tổ chức sẽ có báo cáo tổng hợp lại nhóm nội dung chính cùng trong đổi trong 3 tiếng vừa qua. Những nội dung chi tiết sẽ được tổng hơp thành bộ tài liệu đầy đủ gửi tới các chuyên gia.

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Sau 3 giờ trao đổi và làm việc, Ban tổ chức sẽ tổng hợp thành bộ tài liệu đầy đủ gửi các chuyên gia và đại biểu. VCCI với trách nhiệm của mình, sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan theo quy định và nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

Nhóm vấn đề thứ nhất cho doanh nghiệp gồm xây dựng chiến lược vốn và nguồn vốn rõ ràng, đầy đủ hơn và chuyên nghiệp hơn theo xu hướng chung của thế giới, để dần dần cân bằng được các kênh dẫn vốn tạo hiệu quả cho vấn đề khai thác và sử dụng nguồn vốn.

Ngoài ra, cần xử lý vấn đề liên quan tới năng lực quản trị và điều hành của doanh nghiệp, tạo các chuỗi giá trị trong việc thu hút và khai thác các nguồn lực và tương hỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan tới điều hành của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước thông qua việc điều hành các thị trường vốn và thông qua các thị trường và công cụ tài chính mới, nhằm đa dạng hóa kênh huy động vốn và hút vốn; Đồng thời có kiến nghị cụ thể về các gói hỗ trợ để tạo nguồn vốn phục hồi và phát triển bền vững.

Nhóm vấn đề thứ ba là phát triển bền vững các nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: thay đổi tư duy, cân bằng các nguồn vốn, minh bạch trong quản trị và điều hành doanh nghiệp… 

--------------------------------------------------------------------

16h48:

TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn chuyên môn cho Diễn đàn này đánh giá cao Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã mời được các nhà quản lý, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia thảo luận với các ý kiến phát biểu đa chiều.

TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn chuyên môn cho Diễn đàn này

TS. Cấn Văn Lực – Cố vấn chuyên môn cho Diễn đàn này

Làm rõ thêm một số vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận, TS Cấn Văn Lực thống nhất với các ý kiến là cần thiết thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng SME và Quỹ phát triển SME theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Bởi vì, các Quỹ bảo lãnh tín dụng SME tại các địa phương hoạt động vẫn còn èo uột, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh của các doanh nghiệp.

Nhiều diễn giả đã phản ánh về việc SME thiếu điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi sau đại dịch. Tôi nghĩ rằng nếu thiếu 2 điều kiện trên, sẽ khó tiếp cận tín dụng. Bởi vì các tổ chức tín dụng cần đảm bảo kinh doanh để không mất vốn nhà nước và vốn của ngân hàng, dù là ngân hàng tư nhân cũng có thể bị hình sự hóa. Do đó, theo TS. Cấn Văn Lực, cần 2 giải pháp:

Thứ nhất, nên quan tâm mảng cho thuê tài chính bởi cho thuê tài chính không cần tài sản thế chấp. Hiện, chúng ta có 11 công ty cho thuê tài chính và khuyến khích cho DNNVV cho thuê tài chính.

Thứ hai, cần nỗ lực và thiện chí của 2 bên, gồm tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp như ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập đã đặt ra. Điều này rất quan trọng, vì nếu TCTD muốn hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho SME nhưng doanh nghiệp thiếu tính thiện chí trung thực, xây dựng phương án kinh doanh..., thì sẽ khó tiếp cận được tín dụng.

Về gói hỗ trợ lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho biết: gói hỗ trợ lãi suất này khác với gói hỗ trợ năm 2009 ở một số điểm: nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm, không dùng hết chắc chắn phải ngừng). Ngoài ra là 2 tiêu chí quan trọng: đáp ứng cơ bản điều kiện tín dụng của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi.

Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, cái khó hiện nay là làm thế nào để đánh giá khả năng phục hồi. Vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng, theo TS Cấn Văn Lực, là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Một vướng mắc nữa của gói hỗ trợ lãi suất mà một số ý kiến phản ánh là Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Theo TS Cấn Văn Lực, không nên chờ đến quý 4, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát êm rồi… mới nới room tín dụng vì làm như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Không nới room ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất. Nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.

Liên quan kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, các ý kiến trao đổi khá thú vị nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần làm rõ một số vấn đề. Với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không có tài sản đảm bảo, ngân hàng không cho vay, nên cần tiếp cận Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Với chương trình phát triển nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay là đối tượng cần thiết nhưng phải có nguồn lực từ Chính phủ, ngân sách kết hợp với nguồn lực tư nhân. Ở các nước có Quỹ phát triển nhà ở như mô hình ở Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã thực hiện thành công. Còn chúng ta thỉnh thoảng có 1 gói hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay 4,8%/năm sẽ khó thành công. Tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ gần đây, một số doanh nghiệp xung phong đầu tư nhà ở xã hội nhưng TS Cấn Văn Lực khuyến cáo phải tránh hiện tượng phong trào mà cần lãm rõ: định hướng phát triển và trách nhiệm của các bên.

Cuối cùng về việc dùng Quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng theo TS Cấn Văn Lực, kiến nghị này là không trúng. Quỹ dự trữ ngoại hối là vô cùng quan trọng, cấp bách, chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định chứ không được và không nên dùng để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi chúng ta còn nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chưa giải ngân hết, thậm chí đầu tư công chưa giải ngân được. 

--------------------------------------------------------------------

16h35:

Có mặt tại diễn đàn, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. “Từ khi room tín dụng ngân hàng ngừng từ tháng 4/2022 thì tôi nhận nhiều thông doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy doanh nghiệp lỗ nhẹ, do đó không có cắn cứ cho vay vốn”, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT

Do đó, Giám đốc FIDT cho rằng các doanh nghiệp phải quan tâm quản trị tài chính; đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như COVID-19 và những bất ổn 2 năm qua, không có thặng dư tài chính, phải cuống cuồng huy động vốn. Doanh nghiệp cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần.

Ông Tuấn khẳng định thị trường chứng khoán vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020-2021, 3 sàn chứng khoán HOSE, UPCOM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD.

“Chúng ta có thị trường vốn hoá đứng thứ 3 khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A là rất quan trọng”, ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.

Lưu ý để doanh nghệp chuẩn bị “profile” cho quá trình IPO, ông Tuấn cho biết có 5 triệu nhà đầu tư với hơn 600-700 triệu USD giao dịch mỗi ngày trên thị trường chứng khoán, do đó đây là thị trường huy động vốn hiệu quả. Thống kê 2 năm qua có nhiều doanh nghiệp IPO thành công trên thị trường này, chiếm khoảng 3-5% nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.

“Khi chuẩn bị IPO, các doanh nghiệp cần tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn pháp định rất rõ và minh bạch, như vốn từ 120 tỷ đồng, 2 năm hoạt động liên tục có lãi và thêm 1 số yêu cầu về hiệu suất hoạt động…” ông Tuấn chía sẻ.

Bên cạnh đó, Giám đốc FIDT khẳng định đối với chiến lược IPO thành công thì mô hình kinh doanh cực kỳ quan trọng. “Doanh nghiệp phải chuẩn bị một mô hình kinh doanh với mức tăng trưởng hấp dẫn. Hiện hầu hết doanh nghiệp chuẩn bị chỉ mang tính đối phó và sau đó bị bỏ lỡ giai đoạn vàng để gọi vốn”, ông Tuấn lưu ý.

Một lần nữa khẳng định yêu cầu về minh bạch và có một “profile” hấp dẫn, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết đây là yêu cầu để doanh nghiệp đi thâu tóm và sáp nhập, thu hút vốn FDI thành công. Thống kê cho thấy nhiều cuộc M&A đã thất bại do điều kiện không hợp lý, mất hiệu quả do thời gian. Gần đây Massan đã M&A thành công Phúc Long và trở thành cuộc M&A thành công của năm 2022.

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh chuẩn bị  “profile”, doanh nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện hợp tác thuận lợi, mục tiêu kinh doanh cụ thể và mức chiết khấu chào bán phải hấp dẫn cho nhà đầu tư. 

--------------------------------------------------------------------

15h55:

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Minh – Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM đã có ý kiến về việc tăng cơ hội vốn cho doanh nghiệp. Ông Minh cho rằng, vốn tín dụng của ngân hàng rất quan trọng và cần thiết trong tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân. Có nhiều đơn vị vay vốn rất cao tại ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM

“Chúng tôi cho rằng vốn cho doanh nghiệp được nhìn nhận ở góc độ ngân hàng có 2 chính sách: tín dụng và lãi suất” – ông Minh nói và phân tích cụ thể: Về tín dụng, năm 2022 Thống đốc NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng là 14% và chúng tôi cho rằng mục tiêu là rất phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.

Trong gần 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức là dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP HCM, room tín dụng còn trên dưới 150 ngàn tỷ đồng.

“Tôi có thể khẳng định các đơn vị không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo cho các đơn vị có đủ điều kiện vay vốn thì phải được vay” – ông Minh nhấn mạnh và cho biết thêm, với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng.

Về chính sách lãi suất, hơn 20 năm nay, cơ chế lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng vẫn được duy trì và điều kiện dựa trên căn cứ vào quan hệ cung cầu vốn trên thị trường; mức độ tín nhiệm của ngân hàng với khách hàng.

Sau nhiều lần giảm lãi suất thì mức lãi suất cho vay ngắn hạn với các đối tượng vay thông thường là khoảng từ 5-7%/năm. Các doanh nghiệp đều cho rằng lãi suất của các doanh nghiệp hiện nay rất là hợp lý và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Với cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% theo gói cấp bù lãi suất, triển khai rất chậm và Thống đốc NHNN cũng đã nhận thấy điều này. Vì vậy, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022, đẩy nhanh, đẩy mạnh và đúng đối tượng và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các NHTM ở TP HCM đã xây dựng được quy trình nội bộ để cho vay và sẽ đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới. Sắp tới, các ngân hàng sẽ triển khai nhanh và cho vay nhanh hơn theo gói cấp bù lãi suất.

Vấn đề về tài sản thế chấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ gặp khó khăn về tài sản thế chấp ngân hàng. Trên thực tế thì việc vay tín chấp ở từng ngân hàng cũng có quy định riêng và đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng mới được vay.

Các ngân hàng ở TP HCM đã và đang cho phép các doanh nghiệp vay vốn với thế chấp bằng dòng tiền. Có nghĩa là các doanh nghiệp phải minh bạch các thông tin về dòng tiền sản xuất, kinh doanh thì các ngân hàng mới cho vay. 

--------------------------------------------------------------------

16h00:

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, theo quy định pháp luật về đất đai, để làm dự án, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải có vốn chủ sở hữu từ 15-20% tổng vốn đầu tư. Nếu dự án có quy mô từ 20 hecta trở lên thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu là 15% và yêu cầu tỷ lệ vốn 20% với dự án có quy mô nhỏ hơn 20 hecta. Như vậy, có 80-85% nguồn vốn đầu tư là nguồn vốn huy động.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS có một số kênh huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các NHTM chính là bà đỡ của nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng là nguồn vốn mồi quan trọng hàng đầu với các doanh nghiệp BĐS.

Theo ông Châu, nguồn vốn cần thiết với doanh nghiệp là nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp và vốn thông qua các quỹ đầu tư BĐS.

Đặc biệt, nguốn vốn qua quỹ BĐS, quỹ tín thác đang là nguồn vốn khiếm khuyết khi hiện nay chỉ có một quỹ duy nhất tại Việt Nam là quỹ của Techcombank, còn được gọi là TechREC. Nhưng quỹ này cho đến nay vẫn còn rất nhỏ bé với số vốn là 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị trường vốn Việt Nam còn sơ khai. Tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 1%, và 99% còn là là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chính vì vậy, thị trường trái phiếu còn thiếu minh bạch và thiếu bền vững.

Hiện nay, Luật Chứng khoán đã cho phép thành lập quỹ đầu tư BĐS. Nhưng quỹ đầu tư BĐS hiện nay là quỹ lai vừa cho phép đầu tư, vừa cho phép tín thác BĐS. Điều này trái ngược với thế giới. Do đó, thị trường vốn vẫn gặp yếu kém khi thiếu dòng vốn từ các quỹ đầu tư. 

Với vốn FDI, theo thống kê 7  tháng đầu năm 2022, vốn FDI đang sụt giảm hơn 10%. Trong đó vốn FDI chủ yếu chảy vào BĐS công nghiệp và các dự án khu đô thị lớn ở miền Bắc. Nhưng đáng chú ý, nguồn vốn kiều hối đang có xu hướng sụt giảm, trong khi đó nguồn kiều hối về Việt Nam đã dành khoảng 20% đầu tư vào BĐS. 

Một kênh huy động vốn quan trọng khác với doanh nghiệp BĐS là nguồn vốn huy động từ khách hàng. Nhưng nguồn vốn này lại cần vốn tín dụng. Hiện nay, các NHTM không cho phép vay để mua đất mà chỉ được vay đề phát triển dự án sau khi có quỹ đất.

Do đó, vốn tín dụng ngân hàng là cực kỳ quan trọng để doanh nghiệp BĐS có đủ nguồn vốn hoạt động. Nếu vốn tín dụng ngân hàng tắc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Hiện nay một số điều luật như tại Điều 33, Nghị định 100/2015 quy định từ 2015 đến 2020 ngân hàng chính sách xã hội không được cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án nhà ở xã hội. Trong khi đó, khi doanh nghiệp đi vay tại một số các ngân hàng khác chỉ được vay với lãi suất thấp nhất 9%/năm do BĐS không nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên vay với lãi suất thấp. 

Với Chỉ thị 03 của NHNN mới ban hành có 2 điểm đáng chú ý: không hạ chuẩn cho vay và không nới lỏng điều kiện vay. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện, sẽ không tiếp cận được tín dụng ngân hàng. 

Ông Châu cho biết, từ thực tế trên, với gói 40 ngàn tỷ đồng, trong đó có gói 15 ngàn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, đến nay không có sản phẩm để giải ngân. Tuy nhiên các chủ nhà trọ là những đối tương đang cần hỗ trợ. Hoặc với người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại 9%/năm nhưng nếu không tiếp cận được nguồn vốn, sẽ trở thành gánh nặng. Do đó, ông Châu đề nghị phần tiền còn lại để hỗ trợ cho những đối tượng đã vay với lãi suất thương mại.

Bên cạnh đó, room tín dụng của năm 2022 là 14%, tuy nhiên, ông Châu đề nghị xem xét nâng thêm 1-2%. Bởi phần lớn các NHTM hiện đã gần cạn room. Do đó NHNN đánh giá và cho phép 4 ngân hàng lớn nới room, và xem xét nới room cho các ngân hàng đạt chuẩn BASE II nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. 

Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố HCM mong muốn các NHTM cùng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BĐS. Ông Châu cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cũng cần chú trọng làm ăn kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo uy tín thương hiệu.

--------------------------------------------------------------------

15h48:

Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, với các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, vấn đề chính hiện nay là vốn. Qua đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Nguồn vốn bấy lâu nay các DNNVV mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp nhưng DNNVV không có.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh

Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh

Bên cạnh đó, dù có báo cáo tài chính từ 2-3 năm liền có lãi nhưng qua dịch, DNNVV không có lãi nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, DNNVV phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ nhưng thị trường bấp bênh thế này DNNVV rất khó để thực hiện được việc này.

Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước COVID -19, nhưng nhiều DNNVV vẫn khó đáp ứng được. “Chúng tôi đã từng làm chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng nhưng chỉ có doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt mới kết nối được; còn những doanh nghiệp khó khăn về tài sản đảm bảo, dòng tiền thì khó tiếp cận được vốn tín dụng”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho biết.

Do đó, nhiều người cho rằng, Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất nhưng doanh nghiệp không tiếp cận vì những lý do trên. Còn 1 lý do nữa, ngân hàng không muốn, không dám cho vay. Một số giám đốc chi nhánh ngân hàng trao đổi, thời kỳ năm 2009-2010, hỗ trợ lãi suất nhưng đến giờ có một số ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong. Do đó, với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay, cần hỗ trợ làm sao cho ngân hàng an toàn, ngân hàng cho vay rồi mà không quyết toán được thì cũng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Nói như chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, DNNVV chỉ cần 2-3 tỷ đồng là có thể phục hồi nhưng hiện nay không có điều kiện tiếp cận được vốn tín dụng, và ngược lại, ngân hàng không muốn hỗ trợ gói lãi suất 2%. Đó là lý do vì sao chuyên gia Cấn Văn Lực nói rằng, mới chỉ 1% doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ lãi suất 2%. “Chúng tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp vừa và lớn mới vay được gói hỗ trợ này”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng khẳng định.

Cũng có người nói rằng, sao các DNNVV không áp dụng 4.0, chuyển đổi công nghiệp xanh để không lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, nhưng muốn làm được chuyển đổi số, thì cần vốn. Vì vậy, theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, cần có cơ chế tháo gỡ vốn cho DNNVV.

Trong Luật có 2 định chế là Quỹ hỗ trợ DNNVV nhưng ở TP Hồ Chí Minh chưa thấy quỹ này và Quỹ bảo lãnh cho DNNVV thì ở  TPHCM có nhưng không bảo lãnh được vì yêu cầu của Bộ Tài chính là phải có tài sản đảm bảo, nhưng doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo nên không vay được. Vì vậy, Bộ Tài chính cần thay đổi cơ chế bảo lãnh tín dụng.

--------------------------------------------------------------------

15h40: 

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM cho rằng, một trong những thách thức làm giảm đà tăng tốc phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 trị giá gần 350.000 tỷ đồng, là vấn đề chậm giải ngân của các dự án đầu tư công.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM

Theo đó, tại buổi làm việc với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 4, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kết luận rằng, trong thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả giải ngân 6 tháng năm 2022 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước tính cập nhật từ đầu năm 2022 đến 31/7/2022, chỉ mới giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về chương trình phục hồi và phát triển, việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng/301 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, ông Trần Ngọc Liêm đánh giá, chậm giải ngân đầu tư công đang bao gồm cả chậm đối với đầu tư ngân sách Nhà nước lẫn chương trình phục hồi và phát triển. Trong khi đó, 2022 là năm mà nền kinh tế cần nhất đòn bẩy tạo hiệu ứng lan tỏa từ mũi nhọn đầu tư lớn của Nhà nước, bởi sau 2 năm đại dịch, nhiều nguồn lực đã cạn, nhất là nguồn lực vốn đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, tín dụng đang bị hạn chế như hiện tại, càng khiến nguồn lực tư nhân, đầu tư mới hẹp hơn. 

Các vị diễn giả tham gia Diễn đàn

Các vị diễn giả tại Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới"

Mới đây, Thống đốc NHNN đã có thông điệp là sẽ rà soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để nới phần room còn lại, nhưng cũng sẽ phải xem xét các biến động thường khó lường trong bối cảnh bất định của toàn cầu như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản ngân hàng và thậm chí kiểm soát vốn vào các lĩnh vực ít rủi ro, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Để tiếp sức doanh nghiệp, tăng tốc cuối năm, Giám đốc VCCI-HCM kiến nghị:

Thứ nhất, cần rà soát tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân nhanh hơn nữa công tác đầu tư công từ cả vốn đầu tư ngân sách và trọng điểm nhất là gói phục hồi và phát triển, nhằm thực hiện các mục tiêu vĩ mô Chính phủ đề ra, đồng thời để các ngành nghề liên quan trực tiếp đến đầu tư công như cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản… gắn với đầu tư công và công ăn việc làm của nhiều lao động, có điều kiện phục hồi. 

Thứ hai, song song đó cần tăng tốc đối với gói cấp bù lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng trong tổng thể chương trình gần 350 nghìn tỷ đồng, đặc biệt cần đẩy nhanh khả năng thực thi gói hỗ trợ này. Hiện đã có nhiều ngân hàng đăng ký gói này nhưng triển khai giải ngân vẫn chậm.

“Cách thức chứng minh thủ tục để được vay gói cấp bù lãi suất rất mong được thay đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi trong thực tế”, ông Liêm nhấn mạnh.

Thứ ba, nêu ra “nghịch lý” thu ngân sách đã được gần 1,1 triệu tỷ đồng, đạt kết quả rất tích cực nhưng chính sách tài khóa với các hỗ trợ thuế, phí, vẫn chưa đảo bảo hỗ trợ tối ưu với doanh nghiệp, Giám đốc VCCI TP HCM kiến nghị các cơ quan Bộ Ngành, Chính phủ cần xem xét về nội dung nhanh chóng bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng, giảm thuế VAT đối với những nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất, để đảm bảo giá thành hạ xuống thì doanh nghiệp mới có sức phục hồi, sản xuất tốt hơn. 

Đây cũng là điều kiện tiên quyết để qua đó giảm bớt áp lực và nỗi lo về lạm phát từ phía NHNN. Từ đó, NHNN sẽ có điều kiện linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Liêm cho biết, ở góc độ VCCI, VCCI-HCM vẫn đã và đang tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sự kiện thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng giao thương xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nắm bắt các quy định pháp lý và tiếp cận các tiêu chuẩn, quy định của các thị trường thương mại toàn cầu nhằm ứng phó tốt nhất với các rủi ro, biến động trong bối cảnh mới.

“Hiện nhiều quốc gia mà Việt Nam có ký kết FTA đã bày tỏ quan tâm, làm việc với VCCI để tìm hiểu cơ hội mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Việt. Hi vọng với sự quan tâm của Chính phủ các nước, công tác hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tốt hơn thời gian tới. Bên cạnh đó, VCCI cũng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, phát triển bèn vững, đồng thời tăng cường các chương trình đào tạo về lao động cho giới chủ”, ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Liêm khẳng định VCCI-HCM trong định hướng của Phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng luôn là nhịp cầu kết nối Chính phủ và doanh nghiệp, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ và tham gia kết nối doanh nghiệp với các nguồn vốn.  

--------------------------------------------------------------------

15h35:

Điều phối chương trình thảo luận, ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, cho biết trong phần đầu chúng ta đã nghe khái quát vấn đề vốn liên quan phục hồi phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, những đòi hỏi trong sự phát triển chung và bức tranh chung của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam với những yếu tố mới đặt ra, những đòi hỏi đặt ra trong quá trình phát triển, đặc biệt nguồn lực của thị trường vốn.

ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

"Chúng tôi tổng hợp có 3 nội dung chính: sự quan tâm nguồn vốn của doanh nghiệp có thể hướng vào thị trường tài chính thế giới với những cơ hội mới đang mở ra; những yêu cầu đối với Chính phủ trong quản lý thị trường vốn, kiến tạo thị trường, công cụ tài chính mới. Về phía doanh nghiệp cần thay đổi trong quản trị để tiếp cận phương thức tài chính mới trong hoạt động kinh doanh.

Phần tiếp theo, chúng ta nghe quan điểm và góc độ của từng chuyên gia đưa ra tham chiếu từ góc độ của mình cùng trao đổi làm rõ hơn các bài học chung, cách thức chung phát triển nguồn vốn trong thời gian tới". - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp nói.

--------------------------------------------------------------------

15h00:

Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia tài chính đã khái quát chung về thực trạng các nguồn vốn trong nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Theo ông Hiển, nền kinh tế Việt Nam đang có xu thế phát triển từ thâm dụng vốn. Vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Nợ trên vốn của doanh nghiệp ở mức cao 1,5; Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây.

TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia tài chính

TS. Đinh Thế Hiển – chuyên gia tài chính

Nợ nước ngoài tăng mạnh là điều đáng quan tâm. Nếu như không kiểm soát được nợ này thì sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn của các công ty niêm yết có xu thế thâm dụng vốn trở lại từ 2018 – 2022; Tỷ lệ nợ và tổng vốn tăng nhanh hơn doanh thu.

Ngành tiêu dùng và thương mại dịch vụ là một trong những ngành trọng điểm của Việt Nam, có kết cấu vốn ổn định và tích cực; doanh thu tăng hơn tổng tài sản. Trong khi đó, sử dụng vốn ngành công nghiệp có xu hướng thâm dụng vốn. Cơ cấu nợ của ngành này vẫn phù hợp nhưng tỷ lệ nợ và tổng tài sản/doanh thu tăng dần từ 2018 – 2022.

Đối với sử dụng vốn ngành bất động sản và xây dựng thì tỷ lệ nợ tăng nhanh, năm 2021 đã ở ngưởng rủi ro. Ngành này có sự thâm dụng vốn lớn (tổng vốn tăng rất lớn so với doanh thu).

Nói về nguồn vốn huy động năm 2022, TS Đinh Thế Hiển cho biết, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp đều cho thấy rằng nguồn huy động vốn đang gặp khó khăn ở các kênh. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng 6 tháng khá cao đạt 8,51% (năm 2021 là 5,47%) - đây là nguồn vốn cung cấp chính cho doanh nghiệp, nhưng các NHTM đang gặp nợ xấu tăng, nguồn thu nợ chậm khiến ngân hàng giảm mức cho vay, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Hiển, huy động vốn cổ phiếu sẽ khó do TTCK suy giảm. Năm 2021, VN-Index tăng 35,7% nhưng vốn cổ phần huy động chỉ đạt 177 ngàn tỷ đòng, chiến 3% vốn hóa, là mức huy động rất thấp so với trái phiếu. TTCK năm 2022 có thể sẽ tiếp tục không thuận lợi, do vậy nguồn huy động này sẽ giảm.

Huy động vốn trái phiếu giảm mạnh do các NHTM không tham gia. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 gấp 4 lần năm 2016. Năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2020 (phát hành riêng lẻ chiếm 94,3%). Năm 2022, Nhà nước đã chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Dự kiến số lượng phát hành sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và bất động sản.

Một trong những điểm nhấn quan trọng được TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh là vốn FDI. Ông cho biết “vốn FDI là điểm sáng trong năm 2022. Vốn FDI 6 tháng đầu năm 2022 đạt 10 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua”.

Từ thực tế nêu trên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng cần có giải pháp huy động vốn bền vững. Theo ông, cơ chế huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản đang rất thuận lợi hơn các ngành khác. Vốn tín dụng cung ứng ngành bất động sản đã nhiều hơn mức cần thiết và nhiều hơn các ngành khác.

Mặc dù NHNN đang hạn chế tín dụng vào ngành này nhưng ngành này vẫn nhận được nhiều vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng năm 2022 đạt 280.641 tỷ đồng.

“Với mô hình kinh doanh hiện nay, NHTM càng tăng tín dụng cho công ty bất động sản sẽ càng tăng thâm dụng vốn” – TS Đinh Thế Hiển cho biết và lý giải vốn tín dụng NHTM chiếm 70% giá trị vốn bất động sản, thời hạn thu hồi bình quân 10 năm. Do vậy về lâu dài, điều này sẽ gây bất ổn. Bên cạnh đó, hơn 70% nhà đầu tư là lướt sóng. Bất động sản khai thác chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng tức thời tới dòng tiền thu hồi của ngân hàng.

Giả sử trong chiều thuận lợi (2015 – 2021), giá bất động sản tăng làm tăng tín dụng. Do đó, công ty bất động sản đòi hỏi nhu cầu vốn lớn hơn mức tín dụng NHTM có thể cung cấp, dẫn đến NHTM cần xin tăng tỷ lệ tín dụng (tăng room) để đáp ứng.

Vốn tín dụng vào bất động sản tuy chỉ chiếm 10% (không kể trái phiếu) tổng nợ NHTM, nhưng chu kỳ thu hồi bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh nên thực chất nó có tác động gấp 3 - 4 lần so với các ngành khác cùng khoản vay.

Từ những phân tích đó, TS Đinh Thế Hiển đưa ra các giải pháp vốn bền vững cho ngành bất động sản.

Thứ nhất, giảm nhu cầu vốn tín dụng NHTM bằng cách cho vay theo tỷ lệ giảm dần các phân khúc không ưu tiên.

Thứ hai, tăng vốn cổ phần để tăng nguồn lực: công ty bất động sản là ngành tài chính đầu tư cần có thực lực tài chính bằng vốn chủ sở hữu. Việc phát hành trái phiếu sẽ tăng áp lực trả nợ.

Thứ ba, cần định chế tài chính hợp tác phát triển dự án: Quỹ tín thác bất động sản hoặc tương tự; Hợp tác Quỹ - Công ty theo từng dự án; Nhà đầu tư cá nhân mua chứng chỉ quỹ sẽ an toàn hơn mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng hợp tác với công ty.

Với giải pháp vốn cho ngành sản xuất kinh doanh, theo ông Hiển, khi công ty gặp khó khăn phải kiểm tra lại các nguồn vốn; xây dựng chuổi cung ứng giá trị sẽ giảm nhu cầu vốn của các công ty. Mô hình công ty cổ phần đại chúng sẽ giúp huy động vốn thuận lợi.

Bên cạnh đó, chuẩn hóa hoạt động kinh doanh và minh bạch tài chính sẽ tiếp cận được vốn lãi suất tốt (6 - 7%) từ các Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Về giải pháp vốn với công ty cổ phần đại chúng lớn và niêm yết, theo ông Hiển, trái phiếu doanh nghiệp là một ưu điểm và thuận lợi nhưng phải phát hành và niêm yết trên sàn HNX.

Với doanh nghiệp SME, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là khó và cũng không thể phát hành trái phiếu; do đó, giải pháp vốn với các doanh nghiệp SME là không dựa vào quy mô vốn mà dựa trên mô hình tổ chức và lợi thế sản xuất. Đồng thời, xây dựng chiến lược trong các giai đoạn phát triển cụ thể, có phân kỳ đầu tư hợp lý; sử dụng dịch vụ outsource, liên kết, hợp tác; hoặc chọn mô hình công ty cổ phần và thuê tư vấn chuyên nghiệp để mời gọi đối tác đầu tư tài chính.

Ngoài ra, TS. Hiển cho rằng cần phát triển công ty trong nền kinh tế 4.0 tạo ra hệ sinh thái và cộng đồng đầu tư kết nối. “Quỹ đầu tư kết nối cộng đồng và các mô hình Fintech gọi vốn, P2P là những nguồn tài chính phù hợp với các doanh nghiệp SMEs quản trị minh bạch” – vị TS nhấn mạnh.

--------------------------------------------------------------------

14h31:

Nhận định về tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính cho rằng, đà phục hồi sẽ chậm lại và tương đối khó khăn do ba yếu tố: dịch bệnh còn phức tạp, chiến lược zero- Covid của Trung Quốc và chiến sự Nga - Ukraine.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính

Năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 2,9 - 3,2%, bằng 1 nửa so với năm ngoái.

Trong khi đó, 3 rủi ro lớn của nền kinh tế toàn cầu do WB công bố bao gồm lạm phát tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất; Chiến sự Nga - Ukraine làm giá năng lượng tăng nhanh và chiến lược Zero- COVID gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả ba yếu tố này làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm nhẹ khoảng 2,5-2,7 điểm phần trăm và đạt mức tăng trưởng 3% trong năm nay.

Lạm phát cao do giá năng lượng và giá lương thực thực phẩm tăng nhanh. Theo TS. Cấn Văn Lực, giá cả hàng hóa đã tăng đến giữa tháng 5 và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, đỉnh lạm phát của thế giới đã tương đối rõ nét trong quý III/2022 tại một số nước như Vương quốc Anh do vấn đề năng lượng tương đối phức tạp. 

Cũng theo ông Lực, điểm tích cực là giá hàng hóa và giá xăng dầu đang có xu hướng giảm, và dự báo giảm khoảng 10% trong năm tới.

“Bối cảnh quốc tế trong thời gian tới sẽ còn nhiều biến động: bất định tăng; rủi ro tài chính tăng (lãi suất tăng; tỷ giá tăng…); Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực tăng. Bên cạnh đó, lợi nhuận biên của doanh nghiệp giảm và đà phục hồi kinh tế giảm từ mức dự báo xuống còn 2,9-3,2%”, ông Lực cho biết.

Tuy nhiên, có một xu hướng dịch chuyển nhanh bao gồm kinh tế số, tài chính xanh, bất động sản xanh… Ông Lực đánh giá, đây là dấu hiệu tích cực, cơ hội tốt nhưng cũng là thách thức đã và đang đặt ra.

Với Việt Nam, về cơ bản, ông Lực cho rằng nền kinh tế đang phục hồi tương đối tốt, các lĩnh vực chính, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… đang trở về trạng thái trước dịch. Xuất khẩu tăng trưởng tích cực khoảng 15%. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trưởng tích cực 6-8%, trong đó đầu tư FDI cũng ghi nhận sự tích cực.

Đáng chú ý, lĩnh vực tiêu dùng, mảng bán lẻ phục hồi về trạng thái trước dịch, tăng danh nghĩa khoảng 16%, cần trừ lạm phát sẽ còn khoảng 12%, cao hơn so với cùng kì năm 2019.

Các dự báo hiện nay cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 6,5-7%, tuy nhiên lạm phát ở mức tương đối cao, khoảng 4% trong năm nay và năm tới. 

Hoạt động của doanh nghiệp có sự phân hóa nhưng về cơ bản có sự phục hồi tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn khoảng 40% doanh nghiệp đóng cửa. Theo ông Lực, điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp còn tương đối khó khăn và kinh tế phục hồi không đồng đều.

Đánh giá về rủi ro, thách thức chính với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023, ông Lực cho biết, tình trạng phục hồi sẽ không đồng đều; lãi suất và tỉ giá tiếp tục tăng; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, thâm hụt ngân sách đã và đang tăng lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Đặc biệt giải ngân đầu tư công vẫn còn tương đối chậm; cơ cấu lại doanh nghiệp còn chậm.

Trong bối cảnh lạm phát tăng, mặt bằng lãi suất huy động đã và đang tăng. Về lãi suất cho vay cũng đang chịu áp lực tăng do đồng USD đang tăng, nhưng Chính phủ và Ngân hàng nhà nước vẫn đang cố gắng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm, mức giải ngân đầu tư công đạt khoảng 80-85% so với kế hoạch. Đặc biệt chương trình phục hồi triển khai còn chậm, năm nay chỉ có thể giải ngân được khoảng 25-30% so với tổng nguồn vốn của chương trình.

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ cũng đã đặt ra 1 số quyết sách lớn, bao gồm 4 điểm: tiếp tục phòng chống dịch và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng; thúc đẩy triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023; Đẩy mạnh thể chế (sửa đổi luật đất đai, nhà ở…); Chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. “Vai trò VCCI rất quan trọng trong việc thức đẩy kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp”, ông Lực nhấn mạnh. 

Về bài toán vốn cho doanh nghiệp, ông Lực cho biết, hiện nay thị trường vốn đang có 6 dòng vốn khác nhau, bao gồm ngân sách vốn nhà nước, nguồn vốn nước ngoài (vay, phát hành trái phiếu…); huy động từ thị trường vốn (cổ phiếu, fintech, quỹ đầu tư…); vốn tự có; nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh và vốn từ đối tác.

Ông Lực nhấn mạnh, một dòng vốn quan trọng với doanh nghiệp là thuê tài chính. Đây là kênh quan trọng của các doanh nghiệp SMEs trong bối cảnh tài sản thế chấp còn thiếu.

Đối với các nguồn vốn cho nền kinh tế, vốn tín dụng đóng góp 47% tổng vốn đầu tư năm 2021. Vốn FDI chiếm khoảng 15%; đầu tư công chiếm khoảng 13,5%. Riêng về trái phiếu doanh nghiệp đã và đang tăng tương đối tốt, khoảng 21,5%. Tuy nhiên, huy động vốn từ thị trường cổ phiếu vẫn còn khiêm tốn, khoảng 3,2% tổng lượng vốn đầu tư vào toàn nền kinh tế.

“Đối với nguồn vốn ngân sách trong năm nay và năm tới, doanh nghiệp cần lưu tâm hơn về gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong vòng 2 năm với tổng lượng khoảng 347 ngàn tỷ đồng”, TS. Lực nhấn mạnh.

Trong 5 cấu phần khác nhau của chương trình phục hồi, ông Lực lưu ý 3 cấu phần 2, 3, 4 liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Cụ thể, cấu phần thứ 2 đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm 48 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoảng 18 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…; Cấu phần thứ 3 liên quan đến hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp với 110 ngàn tỷ đồng bao gồm giảm thuế VAT và hỗ trợ lãi suất 40 ngàn tỷ đồng dù quá trình triển khai còn tương đối chậm.

Với cấu phần thứ 4 phát triển kết cấu hạ tầng, năm nay và năm tới bổ sung thêm 113 ngàn tỷ đồng. Dự kiến, sau khi xong quy trình thủ tục về giải ngân, các gói này sẽ được thúc đẩy. 

Với dòng vốn tín dụng, tương đương 125% GDP, đây là mức tương đối cao so với mức độ phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, mỗi 1 năm ước tính dư nợ tín dụng khoảng 11,4 triêu tỷ đồng. Trong năm 2022 dự kiến có khoảng 1,5 triệu tỷ đồng tín dụng được cung cấp cho nền kinh tế.

Theo dự báo, năm 2022 huy động vốn của khối ngân hàng chậm hơn và cùng xu hướng năm ngoái; tín dụng tăng trưởng tương đối nhanh, khoảng 9,6%. Giả định NHNN không thay đổi hạn mức, sẽ còn khoảng 4,4% room tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Với kênh vốn từ thị trường tài chính có quy mô chưa lớn, khoảng 30 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho DNNVV trong bối cảnh tài sản thế chấp còn thiếu.

Kênh kuy động vốn cổ phiếu, mặc dù vốn hóa tương đối lớn, tuy nhiên, huy động vốn qua kênh này vẫn còn tương đối thấp, chiếm 3,2% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Quy mô trái phiếu Chính phủ của Việt Nam so với khu vực còn tương đối nhỏ. Điều này có nghĩa là còn nhiều dư đia để phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp SMEs và hộ gia đình còn 1 kênh nữa là fintech, nền tảng công nghệ tài chính. Hiện nay, kênh huy động vốn này vẫn chờ khung pháp lý của Chính phủ ban hành trong thời gian tới. 

Đặc biệt kênh tài chính xanh cũng đáng chú ý khi Việt Nam có những cam kết quan trọng tại COP26. Có nhiều nhà đầu tư đã và đang quan tâm hơn đến kênh này trong thời gian qua.

Để phát triển vốn cho doanh nghiệp, ông Lực kiến nghị: 

Đối với các cơ quan quản lý, cần thống nhất thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tốt hơn, lành mạnh hơn. Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận quan điểm, phát triển cân bằng, kiến tạo cho thị trường tài chính phát triển, song vẫn kiểm soát được rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới.

Về phía các doanh nghiệp, cần đa dạng hóa các kênh huy động vốn, chú trọng các kênh quỹ đầu tư, cho thuê tài chính. Doanh nghiệp khi huy động vốn nên gắn với mục đích cụ thể, phù hợp với mục tiêu bản thân doanh nghiệp và hiệu quả vốn phát hành. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hướng tới minh bạch và chuyên nghiệp; Đồng thời quan tâm quản lý rủi ro tài chính bao gồm lãi suất, tỷ giá...

--------------------------------------------------------------------

14h05:

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhận định, hơn nửa năm 2022 đã đi qua với những dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn những biến động. 

Theo đó, khi chúng ta kiểm soát được đại dịch thì lại xảy ra xung đột Nga - Ukraine, bất ổn toàn cầu, nguy cơ lạm phát và suy thoái ở các nền kinh tế lớn. Với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế hiệu quả.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành

Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%. Số doanh nghiệp tham gia thị trường 7 tháng đầu năm 2022 đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư FDI đạt 11,6 tỷ USD, là mức cao nhất trong 7 tháng đầu năm tính từ năm 2018 đến nay.

“Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát thì tình hình lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, chỉ số CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều được giữ ổn định…”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng được các định chế, tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới ghi nhận có sự tăng tốc. World Bank mới đây tiếp tục khẳng định tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, cùng với đà tăng tốc của kinh tế, sự phục hồi của doanh nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo, xuất khẩu, kinh doanh, thương mại, dịch vụ… những tháng cuối năm cũng được đánh giá có thể tiềm ẩn những rủi ro, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế và của các khối doanh nghiệp. 

Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Ví dụ như Nhật Bản hiện ghi nhận 200.000-300.000 ca nhiễm/ngày mặc dù là quốc gia phòng chống dịch tốt. 

Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính. 

Khi quá trình phục hồi trong nước mới chỉ bắt đầu trong khi triển vọng về nhu cầu trên toàn cầu đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng. “Đặc biệt, khó khăn về nguồn vốn, rủi ro trong khu vực tài chính càng hiện hữu cao và là thách thức với doanh nghiệp”, ông Võ Tân Thành nhấn mạnh. 

Cụ thể, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng nhưng 6 tháng cuối năm dự báo lạm phát cao ở các nước nên khả năng xuất khẩu 6 tháng sẽ giảm, các đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm như doanh nghiệp đồ gỗ, nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ có đơn hàng đến hết quý III. 

Đặc biệt, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và nhiều NHTM đã hết hạn mức tín dụng, khó cho vay thêm. Việc tiếp cận gói cấp bù lãi suất 2% vẫn còn nhiều khó khăn vì ngân hàng vừa thiếu hạn mức và siết chặt các thủ tục, việc kiểm soát vốn chặt vào các phân khúc rủi ro của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp trên thị trường và các ngành liên quan cũng gặp khó khăn. 

“Trong 6 tháng qua, gói hỗ trợ lãi suất 2% dù đặt mục tiêu 800.000 tỷ đồng nhưng rất buồn vừa qua giải ngân chưa tới 1%. Số tiền lãi được cấp bù mới chỉ hơn 1 tỷ đồng”, ông Võ Tân Thành cho biết. 

Toàn cảnh Diễn đàn 

Toàn cảnh Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới".

Trên thị trường chứng khoán, sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, đã xuất hiện lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện và thị trường đang trải qua một giai đoạn phục hồi thiếu ổn định với triển vọng dòng tiền thiếu tính dài hạn. 

Trong khi đó, do những chính sách “nắn chỉnh” thị trường theo định hướng đi vào ổn định, để phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng từ năm 2019-2021, thị trường trái phiếu đang trong giai đoạn chờ đợi những chính sách mới khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể lên định hướng huy động vốn nợ cho hoạt động đầu tư, phát triển năm 2022 và xa hơn. 

Phó Chủ tịch VCCI khẳng định với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả. VN-Index hiện tại đã có những bước khởi sắc trở lại và cùng với đó, thị trường trái phiếu theo ghi nhận dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán HN và Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tiếp tục đạt giá trị huy động cao, sau những biến động, chỉ suy giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm nhẹ này là so một nền tăng trưởng vốn rất bùng nổ ở 2021 vừa qua. 

“Doanh nghiệp đã và đang tiếp tục có cơ hội, tìm kiếm nguồn lực mới qua vốn cổ phần và thị trường nợ sau một giai đoạn trầm lắng”, ông Võ Tân Thành nói. 

Tuy vậy, trong trước mắt và trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều biến động, khó khăn hiện tại của doanh nghiệp vẫn là câu chuyện nguồn vốn hẹp, chưa thể đáp ứng nhu cầu phục hồi, tăng tốc đặc biệt từ nay đến cuối năm 2022. 

Theo đó, room của các ngân hàng vừa qua là 14%, nay chỉ còn 4% trong khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn. Nếu nới room thì nguy cơ dẫn đến tăng lạm phát, gây bất ổn nền kinh tế. Các ngân hàng hiện đang được NHNN xem xét tăng room tín dụng nhưng cũng phải đến cuối quý III/2022. 

Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp vừa qua, Chủ tịch VCCI đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đã nêu 4 kiến nghị nhằm tháo gỡ các nút thắt cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Kiến nghị đầu tiên của VCCI là về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn để tái cấu trúc và phục hồi sau dịch. Vì vậy VCCI đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ ban hành. 

Đặc biệt cần khai thông việc hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 32/2022. Cần đối nới room tín dụng là bài toán khó mà Ngân hàng Nhà nước đang phải giải, đặc biệt là về mặt thủ tục, điều kiện phức tạp quá, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Bên cạnh đó là các kiến nghị về nhân lực, môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các FTAs. 

“Có thể thấy, ưu tiên về vấn đề nguồn vốn của doanh nghiệp đang được chú trọng. Trong những nỗ lực của Chính phủ với việc thực thi các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp tiếp tục phục hồi cũng đang được đặt lên hàng đầu”, ông Võ Tân Thành khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nguồn lực vốn vẫn là đòn bẩy quan trọng để doanh nghiệp tiếp đà tăng tốc. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư tối ưu hóa nguồn vốn tài chính của mình, cũng là kỳ vọng thiết thực của đại đa số doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Chính từ những kỳ vọng đó, Phó Chủ tịch VCCI tuyên bố khai mạc Diễn đàn TÀI CHÍNH 2022: “CHIẾN LƯỢC HUY ĐỘNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG HOÀN CẢNH MỚI” 

--------------------------------------------------------------------

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đã tăng mạnh gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã đề ra và sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của lạm phát để có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt. Vốn tín dụng theo đó được dự báo sẽ eo hẹp những tháng cuối năm, đặc biệt là vốn cho các khu vực phát triển dự án bất động sản thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước chủ trương kiểm soát chặt để hạn chế rủi ro.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước, do những chính sách “nắn chỉnh” thị trường theo định hướng đi vào ổn định, để phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng từ 2019-2021.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đang trong giai đoạn chờ đợi những chính sách mới đặc biệt là Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020 khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể lên định hướng huy động vốn nợ cho hoạt động đầu tư, phát triển năm 2022 và xa hơn.

Thị trường chứng khoán tuy đã được đánh giá về mức rẻ sau quý II/2022 với VN-Index trượt dài và điều chỉnh bốc hơi hơn 20% so với đỉnh, loanh quanh dưới ngưỡng 1.200 điểm và thanh khoản thấp bình quân chỉ dưới 10.000 tỷ đồng giá trị giao dịch/ phiên, chỉ mới khởi sắc gần đây nhưng đang được đánh giá chưa có đà tăng trưởng kéo dài.

Tìm vốn ở đâu cho doanh nghiệp phát triển và tiếp tục các kế hoạch đầu tư năm 2022 lẫn trung, dài hạn? Doanh nghiệp, nhà đầu tư nên nhận diện về bối cảnh kinh tế với các biến số lạm phát, lãi suất, đi cùng là nhận diện các kênh dẫn vốn ra sao để xây dựng định hướng khơi thông dòng vốn, nắm bắt vùng trũng đầu tư nào trong những tháng còn lại từ nay đến cuối năm.

Tiếp nối chuỗi Diễn đàn Tài chính - Chuyên đề 1 về “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững” và Chuyên đề 2 về “Đầu tư Tài chính 2022: Cơ hội trong biến động của thị trường chứng khoán” đã được Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức trong tháng 5 và tháng 6 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục tổ chức Diễn đàn Tài chính - Chuyên đề 3, chủ đề:

"CHIẾN LƯỢC HUY ĐỘNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG HOÀN CẢNH MỚI"

Thời gian: 14h00 - 17h00, thứ Tư, ngày 24/8/2022

Địa điểm: Tầng 10, Hội trường VCCI, 171 Võ Thị Sáu, P7, quận 3, TP. HCM

Cố vấn Nội dung: TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Kinh tế gia trưởng BIDV.

Chương trình tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng số của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Chương trình được tường thuật trực tuyến từ Hội trường VCCI, 171 Võ Thị Sáu, P7, quận 3, TP. HCM

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713553668 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713553668 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10