Với tiềm năng, lợi thế nổi trội, riêng có; môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng… Tuyên Quang đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn Tuyên Quang làm điểm đến đầu tư. Ông có thể chia sẻ đôi nét về lợi thế cạnh tranh của Tuyên Quang trong thu hút đầu tư?
Thiên nhiên và lịch sử văn hoá đã tạo cho Tuyên Quang nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên, khoáng sản, du lịch. Tỉnh Tuyên Quang có độ che phủ của rừng trên 65% và đứng vào hàng cao nhất nước. Đất đai của Tuyên Quang màu mỡ, lòng đất chứa nhiều khoáng sản, có tới 200 mỏ, điểm mỏ và 86 điểm khoáng sản với 31 loại khoáng sản, trong đó có nhiều khoáng sản có trữ lượng lớn là quặng sắt, thiếc, mangan, kẽm, angtimon, barít, cao lanh, đá vôi... là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng…
Dấu ấn quan trọng trong tạo lợi thế thu hút đầu tư là Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Đây là một trong những quy hoạch cấp tỉnh đầu tiên ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc được phê duyệt. Từ quy hoạch tỉnh, với định hướng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các quy hoạch, có ý nghĩa tạo đột phá cho sự phát triển, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn.
Tỉnh cũng xác định đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những “chìa khóa” mở cánh cửa thu hút đầu tư, phát triển cho kinh tế - xã hội. Cùng với việc hoàn thành tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, hiện nay tỉnh cũng đang tích cực triển khai Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với Cửa khẩu Thanh Thủy. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng tính cạnh tranh về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023, việc thu hút đầu tư tiếp tục có nhiều khởi sắc, đã có 11 dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký trên 20.087 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án FDI, với số vốn đăng ký trên 20,7 triệu USD. Lũy kế từ năm 2021 đến nay có 72 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đăng ký đạt trên 31.165 tỷ đồng, bằng 62,3% so với mục tiêu đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu thu hút 45.000-5000 tỷ đồng). Cũng trong năm qua trên địa bàn tỉnh có 8 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, được triển khai, góp phần đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
- Chính quyền năng động, tiên phong trong thực thi các chính sách, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp lựa chọn Tuyên Quang là điểm đến đầu tư. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Những tín hiệu khả quan trong thu hút đầu tư là thành quả của một quá trình thay đổi từ tư duy, nhận thức cho tới hành động trong việc đổi mới đầu tư. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh cũng đã triển khai Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và cấp huyện tiếp tục được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; tích cực, chủ động làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào tỉnh, chính quyền tỉnh cũng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh...
Tỉnh Tuyên Quang sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và cùng đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
- Để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tuyên Quang đã và đang ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực nào, thưa ông?
Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ, hành lang pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội.
Hiện nay, tỉnh tập trung thực hiện các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm: Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, nhất là công nghiệp chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ và giấy, phát triển chuỗi liên kết sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, thuỷ điện, năng lượng tái tạo.
Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong các khu, cụm công nghiệp theo hướng liên thông, thuận lợi… Đồng thời, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất an toàn…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm