Tỉnh Tuyên Quang tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ và phát triển.
Với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ và phát triển.
Cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi đã thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã khai trương Trung tâm Giám sát - Điều hành thông minh (IOC) tỉnh. Bên cạnh việc kết nối thông tin, cập nhật dữ liệu phục vụ công tác xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn một cách bền vững, Trung tâm còn là nơi để người dân, doanh nghiệp phản ánh các thông tin, ý kiến về cho chính quyền một cách nhanh nhất và các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời các ý kiến của người dân sớm nhất. Đây là bước đi quan trọng trong việc cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đã ban hành và triển khai Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước thuộc UBND tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” giai đoạn 2022 - 2030, nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ công tác cải cách hành chính từ tỉnh đến cơ sở…
Tỉnh đã hoàn thành kết nối Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh với hệ thống thu thập, đánh giá mức độ truy cập sử dụng Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương (Hệ thống EMC). Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, trả kết quả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích. 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được đẩy mạnh, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trước và đúng hạn đạt 99,86%...
Cùng với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hiện nay Tuyên Quang đang nỗ lực triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp trong Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để xây dựng, tạo lập địa chỉ hấp dẫn, tin cậy, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo về mâu thuẫn của các quy định pháp luật... Đồng thời, chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước…
Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đến nay, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 75 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 31.000 tỷ đồng, bằng 62,3% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn, dự kiến có giá trị sản xuất và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước như: Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang, Dự án Nhà máy sản xuất gỗ huyện Yên Sơn...
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh, quyết tâm thực hiện Đề án Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu thu hút vốn đầu tư từ 45.000 đến 50.000 tỷ đồng. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu xây dựng Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang:Kiên trì mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc hành chính”, Tuyên Quang tiếp tục nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm. |
Có thể bạn quan tâm