Trước những bất cập về hồ sơ, thủ tục, năng lực thực hiện của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh nói gì?
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng có những lo ngại nhất định về vấn đề môi trường và các vấn đề liên quan sau này nếu dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 không được thẩm định kỹ lượng các trình tự, thủ tục khi nhà máy đi vào hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
03:03, 12/07/2018
05:54, 06/07/2018
20:19, 02/07/2018
05:30, 28/06/2018
Lo ngại về tác động môi trường
Liên quan đến việc Bộ KH&ĐT cũng như các cơ quan chức năng có động thái “tuýt còi” dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận được những quan tâm nhất định của đại diện chính quyền địa phương cũng như dư luận.
Thông tin với phóng viên, ông Hồ Huy Thành – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đến thời điểm hiện nay (10/7) vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. “Chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện quy trình lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định. Vấn đề có dừng hay không việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 thì tôi chưa nắm được thông tin chính thức” – ông Hồ Huy Thành cho biết.
Còn ông Đặng Bá Lục – Chi Cục trưởng Chi Cục BVMT (Sở TNMT Hà Tĩnh) thì cho biết, việc đánh giá mức độ ô nhiễm sau khi dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đi vào hoạt động thì đã có hội đồng thẩm định môi trường thuộc Tổng Cục BVMT thẩm định.
Ông Đặng Bá Lục cho rằng, khi tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng đến môi trường, Chi Cục BVMT tỉnh Hà Tĩnh chỉ là cơ quan được mời tham gia để góp ý kiến, còn Tổng Cục BVMT là cơ quan hoàn thiện hồ sơ phê duyệt.
Việc có dừng hay không thực hiện xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, đến nay tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ các Bộ, ngành Trung ương.
Khi phóng viên muốn biết về ý kiến của Chi Cục BVMT tỉnh Hà Tĩnh như thế nào về mức độ ảnh hưởng đến môi trường nếu dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đi vào hoạt động, ông Đặng Bá Lục từ chối trả lời.
Được biết, đây là dự án nhiệt than có tổng số vốn cần để thực hiện lên tới gần 2,2 tỷ USD, xây dựng triển khai theo hình thức BOT với diện tích gần 100ha. Thời gian hoạt động trên địa bàn xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trên 10 năm nên những lo ngại về tác động, ảnh hưởng đến môi trường là có cơ sở.
Xem xét kỹ lưỡng
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, việc triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 là nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ chấp thuận từ trước. Tuy nhiên, việc có dừng hay không thực hiện xây dựng nhà máy nhiệt điện này thì đến nay tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ các Bộ, ngành Trung ương.
Ông Trần Tú Anh – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh thì cho rằng, bản chất của vấn đề mà thông tin của Bộ KH&ĐT về việc từ chối cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 là thực hiện theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ. “Có nghĩa là đối với những dự án BOT thì chủ đầu tư không phải làm thủ tục xin cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nữa. Theo tôi hiểu thì cái này (dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 - PV) chỉ cần thực hiện thủ tục đàm phán với Chính phủ về việc ký kết hợp đồng BOT chứ không phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư như quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015. Nghị định 63 đã thay thế cho Nghị định 15 cũng là bước giảm bớt thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp. Còn chủ đầu tư đã được ký hợp đồng BOT hay chưa thì tôi chưa nắm được” – ông Trần Tú Anh cho biết.
Còn ông Dương Tất Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tất cả các dự án nhiệt điện bây giờ thực hiện theo Nghị định mới nên không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư nữa mà theo hợp đồng BOT. Quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh là nếu dự án thực hiện theo hình thức BOT thì địa phương phải thực hiện theo quy định của Chính phủ. Còn vấn đề liên quan đến năng lực của chủ đầu tư thì do Bộ KH&ĐT thẩm định, đánh giá”.
Trước vấn đề liên quan đến việc chủ đầu tư xin tăng diện tích sử dụng đất từ 86ha lên 94,6ha, ông Dương Tất Thắng cho rằng, việc điều chỉnh đó là bình thường. Còn việc chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được chấp thuận điều chỉnh diện tích sử dụng đất thì ông Dương Tất Thắng khẳng định, chỉ khi nào có giấy phép BOT thì mới triển khai các việc tiếp theo.