Việt Nam có 4 tỷ phú đô la hay nhiều hơn còn phụ thuộc vào sự phát triển chậm rãi hay nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân.
Có khá nhiều thước đo để đánh giá sức mạnh của một nền kinh tế, như tổng tài sản quốc nội (GDP), thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người (HDI)…, nhưng nói về độ giàu có hãy nhìn vào danh sách tỷ phú do Forbes bình chọn.
Không ngạc nhiên khi top 10 quốc gia có nhiều tỷ phú nhất đều là những nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Mỹ với 680 tỷ phú, Trung Quốc là 338, Đức 152, Nga 351…như vậy có thể khẳng định số lượng tỷ phú hoàn toàn có thể làm chuẩn mực đánh giá nền kinh tế.
Danh sách Forbes công bố mới nhất, Việt Nam có 4 tỷ phú, tổng tài sản không quá 12 tỷ USD. Điều đó cũng cho thấy quy mô doanh nghiệp và nền kinh tế của hơn 90 triệu dân có sự chênh lệch rõ rệt.
Với những gì hiện có, gần 25 triệu dân mới có 1 tỷ phú đô la là quá ít. Vì sao ít? Xét về trí tuệ, tài nguyên nước ta không thua kém bất cứ quốc gia nào.
Quan điểm giàu nghèo ở Việt Nam có chiều hướng khác, sự giàu có vật chất luôn đi kèm với điều tiếng, xã hội nhìn nhận người giàu bằng con mắt ít thiện cảm, nên không ít người giàu muốn giấu tài sản.
Có thể bạn quan tâm
|
Cơ chế làm nảy sinh phương pháp kiếm tiền tồn tại trong mạng lưới của quyền lực công và nhiều thứ nhạy cảm khác, nên tài sản có thể bị “dòm ngó” bất cứ lúc nào. Người giàu không muốn thiên hạ biết mình giàu.
Nói về Bill Gates hay Mark Zuckerberg, người ta có thể biết ngay Facebook hay Microsoft được thành lập và lớn lên như thế nào, phần vì sự nổi tiếng trên toàn cầu, phần còn lại nằm ở điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia.
Nói như thế có nghĩa rằng, ở Việt Nam những người lọt vào Forbes đều là những ông chủ doanh nghiệp bản lĩnh, giá trị của họ đã được khẳng định.
Vì điều gì đó khá tế nhị nên xuất hiện tâm lý doanh nghiệp không muốn mở rộng quy mô, hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và nhỏ li ti làm ăn thời vụ, chụp giật, thiếu chiến lược vươn ra biển lớn.
Trước đây kinh tế tư nhân chưa đóng vai trò “động lực quan trọng của nền kinh tế”, hầu hết sức lực tập trung vào doanh nghiệp nhà nước, nhưng cũng chỉ vài cái tên tạo được tiếng tăm, điển hình là Viettel.
Nhiều năm nay, ngoài Vingroup, Vietjet, Vinamilk, FPT chưa có một tân binh đình đám nào làm dài thêm danh sách những doanh nghiệp đủ sức nâng quy mô nền kinh tế. Không có gì ngạc nhiên số lượng tỷ phú đô la chỉ quanh quảnh trong các doanh nghiệp ấy.
Những người như Nguyễn Hà Đông (Flappy Bird) hay Bùi Ngọc Huyên (Vinaxuki) và nhiều cái tên khác hoàn toàn có thể cho ra đời những doanh nghiệp công nghệ “kiểu Mỹ”, nhưng không hiểu sao lại vụt tắt.
Những đóng góp của tỷ phú cho xã hội là rất lớn, ngoài công ăn việc làm, nộp thuế còn là giá trị về mặt tinh thần, thương hiệu quốc gia.
Không khó để tạo nên tầng lớp người giàu, nhưng giàu đến tầm cỡ quốc tế, lọt vào Forbes lại là chuyện khác. Những doanh nghiệp siêu lớn - họ là trụ cột của nền kinh tế nên cần sự song hành đúng lúc, đúng chỗ của Nhà nước, song hành ở đây không có nghĩa là bảo hộ mà là tạo điều kiện để họ vươn ra thế giới.
Số lượng tỷ phú đô la của Việt Nam có thể tăng thêm “một vài” nhưng để có con số “hàng chục” thì tổng sản phẩm quốc nội phải vượt xa con số 220 tỷ USD.
Đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí của nó sẽ là đòn bẩy kích thích sự mở rộng quy mô doanh nghiệp khu vực tư nhân, số lượng tỷ phú đô la được “lấy” ra từ đó.