Thấy được những tìm năng từ bẹ dừa, anh Trương Tấn Thọ cùng hai cộng sự đã tìm tòi và sáng tạo biến những bẹ dừa nước trở thành một sản phẩm nghệ thuật độc đáo, nhiều giá trị.
>>Chuyện 2 chàng kỹ sư miền biển khởi nghiệp 0 đồng
“Thổi hồn” vào bẹ dừa
Là người có niềm đam mê với nghệ thuật, từng trải qua công việc trang trí mỹ thuật anh Trương Tấn Thọ (sinh năm 1978, quê Duy Xuyên, Quảng Nam) đã quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh để trở về quê. Tại đây, anh Thọ phát triển nghề tranh giấy dừa với mong muốn phát triển quê hương.
Nhận thấy tiềm năng từ bẹ dừa nước, công việc làm tranh giấy dừa chưa có ai làm. Năm 2015 anh Trương Tấn Thọ quyết định cùng 2 người bạn của mình phát triển nghề làm tranh giấy dừa và thành lập workshop Vườn Giấy Việt Hội An.
Nhưng sau một năm làm việc cùng, 3 người quyết định đi theo 3 con đường khác nhau, anh Thọ vẫn tiếp tục chọn con đường lập nghiệp bằng nghề làm tranh giấy dừa với đam mê và mong muốn phát triển nghề truyền thống này.
“Mình có tuổi trẻ, sự đam mê của bản thân, đó là cơ hội để lập nghiệp. Khi mình đủ điều kiện, trải nghiệm đủ rồi, nên mình quay về quê để tìm hiểu về những cái nghề thủ công truyền thống để phát triển và cũng có một công việc để tồn tại”, anh Thọ nói.
Là một nghề mới lạ tại địa phương, để khởi nghiệp thành công anh Thọ đã trải qua không ít những khó khăn. Những ngày đầu anh mất đến hơn 3 tháng để có thể hoàn thiện được máy xay để phù hợp với nguyên liệu bẹ dừa.
Làm tranh giấy một nghề truyền thống nhưng ít phát triển và chưa có ai làm tranh giấy bằng bẹ dừa, không có ai chỉ dạy nên bản thân anh phải tự tìm tòi để có thể hoàn thiện dần những sản phẩm qua từng ngày.
Với sự hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn, tranh giấy dừa của cơ sở anh ngày càng được nhiều người biết đến. Những đơn đặt hàng lớn cũng dần xuất hiện, đó cũng là động lực để anh Thọ vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục với con đường mình đã chọn.
“Bản thân mình tự tìm tòi và thực hiện, ban đầu thất bại nối tiếp thất bại nhưng chính vì vậy mà bản thân rút ra được nhiều bài học đắt giá để áp dụng tốt hơn”, anh Thọ nói.
Hiện tại, xưởng anh Thọ có 5 nhân công tất cả đều là những người tại địa phương, mỗi người phụ trách một giai đoạn. Ban đầu, bẹ dừa được đem về chẻ ra, ngâm nước, nấu cho chín và được xay thành bột dựa trên nguyên tắc làm giấy truyền thống như làm giấy gió, giấy giang. Sau đó, kết hợp giữa nghệ thuật và kĩ thuật vẽ bằng áp lực nước tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mang cái hồn, chất riêng.
Bên cạnh sản phẩm chính là tranh giấy dừa anh cho ra đời các sản phẩm, quạt, lồng đèn, túi xách, sổ ghi chú, … tất cả đều được làm bằng giấy dừa nước. Việc đa dạng sản phẩm giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn, hạn chế sản phẩm nilong, bảo vệ môi trường, vừa tạo thêm công việc, thu nhập cho bà con.
Mỗi tác phẩm tranh giấy dừa sẽ được hoàn thành trong thời gian 5 đến 7 ngày tùy vào độ khó sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm có giá thành cao hơn so với thị trường, một sản phẩm bình thường sẽ có giá giao động 2 đến 4 triệu đồng.
Trong đó, có những tác phẩm được khách hàng đặt trước với giá trị hàng chục đến trăm triệu đồng. Tranh giấy dừa khi hoàn thiện được anh phân phối toàn quốc, đặc biệt là 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh.
“Sản phẩm của mình khi ra đời phân phối rất nhiều nơi trên toàn quốc. Tranh của mình có nhiều dòng tranh để khách hàng lựa chọn, chẳng hạn như không gian tâm linh, không gian decor hoặc những sản phẩm nhỏ,…”, anh Thọ nói.
Giá trị giấy dừa đem lại
Tranh giấy dừa không chỉ độc đáo từ nguyên liệu mà đến từng họa tiết, hoa văn, khắc họa mỗi nét văn hóa, từ gốc đa, đình làng hay bông sen, bông súng,...đều được tái hiện trên từng sản phẩm. Những bức tranh giấy dừa góp phần giữ gìn, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam.
“Mỗi sản phẩm mang một ý nghĩa riêng biệt, tùy thuộc vào khách hàng. Hình ảnh một dòng nước, có người thấy ở đó là sự mát mẽ, nhưng cũng có người thích vì sự tĩnh lặng,...” anh Thọ chia sẻ.
Ngoài việc bán tranh anh Thọ còn mở một phòng trưng bày tranh giấy dừa tại Hội An để phục vụ khách du lịch. Du khách đến Hội An rất thích thú với nghệ thuật làm tranh giấy dừa xuyên sáng, một sản phẩm thủ công lạ mắt, độc đáo. Nhiều đoàn khách còn đến tận xưởng sản xuất để chứng kiến công đoạn tạo ra sản phẩm.
“Du khách thường đi theo đoàn đến xưởng sản xuất để tham quan và xem công đoạn tạo ra các sản phẩm, đặc biệt là khách Tây, họ rất thích thú”, chú Huỳnh Năm nhân viên xưởng chia sẻ.
Theo anh Thọ, sự phát triển của dòng tranh này còn phụ thuộc vào tài năng của lớp kế cận sẽ tiếp nối như thế nào, để có những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Khi khách hàng chấp nhận thì nghề mới có thể tồn tại và phát triển.
“Tôi sẽ tiếp tục duy trì và tìm tòi phát triển những sản phẩm làm từ giấy dừa đa dạng hơn phù hợp với thị hiếu của khách hàng, bên cạnh phát triển thì chúng tôi vẫn sẽ giữ vững chất lượng và sự uy tín”, anh Thọ chia sẻ về định hướng sắp đến.
Có thể bạn quan tâm