Việc Uber thua trong cuộc chiến pháp lý tại Anh có thể làm tổn hại đến mô hình kinh doanh của họ tại một trong những thị trường quốc tế lớn nhất.
Cụ thể, phán quyết của Tòa án Tối cao Anh nêu rõ, một nhóm lái xe của hãng xe công nghệ Uber được hưởng các quyền của người lao động, chứ không phải là cộng tác viên theo hợp đồng. theo đó, Uber phải coi các tài xế là nhân viên. Điều này có nghĩa là tài xế sẽ được hưởng mức lương tối thiểu, ngày nghỉ phép có trả lương và những biện pháp bảo vệ pháp lý khác.
Thẩm phán George Leggatt cho biết, Tòa án Tối cao Anh bác bỏ kháng cáo của Uber, và nhấn mạnh phán quyết nhằm bảo vệ những cá nhân dễ bị tổn thương có ít hoặc không có tiếng nói về lương và các điều kiện làm việc. Ông cũng nói thêm, “Có nhiều yếu tố cho thấy những người lái xe cho Uber là người lao động. Đầu tiên, Uber chứ không phải tài xế quyết định giá cước. Uber cũng đặt ra các điều khoản hợp đồng, giới hạn khả năng từ chối chuyến đi của tài xế và hạn chế giao tiếp giữa tài xế và hành khách để ngăn chặn các mối quan hệ vượt ra ngoài một chuyến xe riêng lẻ”.
Đồng thời, tòa án cũng giữ nguyên phán quyết mà các tòa án cấp dưới lần lượt đưa ra vào các năm 2016, 2017 và 2018. Phán quyết này ủng hộ nhóm 20 lái xe Uber, khẳng định họ được hưởng quyền lợi của nhân viên như nghỉ có hưởng lương, được nghỉ giải lao...
Hiện nay, Anh là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với các nền tảng công nghệ, từ gọi xe đến giao đồ ăn. Đối với riêng Uber (có trụ sở tại San Francisco), Anh là thị trường châu Âu lớn nhất.
Do đó, giới quan sát phán quyết sẽ mở đường cho những khiếu nại khác, thất bại của Uber sẽ gửi hồi chuông cảnh báo đến những doanh nghiệp đang tham gia “nền kinh tế tạm bợ” (gig economy) tại các quốc gia khác, một mô hình kinh doanh trong đó người lao động làm việc bán thời gian, tạm bợ trong khi các công ty chỉ muốn sử dụng lao động tự do thay vì lao động có hợp đồng.
Ngoài Anh, các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu dự kiến công bố các khuyến nghị cải thiện điều kiện làm việc của người lao động vào cuối tháng này. Một số quốc gia đang chuẩn bị thay đổi luật lao động để buộc các nền tảng giao đồ ăn phải coi người lao động là nhân viên chính thức.
Như Nigel Mackay, một đối tác của Leigh Day, đại diện cho các tài xế Uber trong vụ kiện ra trước Tòa án Tối cao, cho rằng quyết định Tòa án với Uber sẽ thúc đẩy các công ty khác có mô hình kinh doanh tương tự sẽ lưu ý và công nhận những người làm việc cho họ nên được trao các quyền cơ bản như lương nghỉ lễ và lương tối thiểu.
Mặc dù vậy, việc Uber nhượng bộ không có nghĩa là nền kinh tế tạm bợ sẽ nhanh chóng biến thành thiên đường của người lao động trong một sớm một chiều.
Trong thông báo mới nhất, Uber cho biết họ sẽ phân loại lại tài xế của mình để xác định lại những ai nằm trong nhóm người lao động được hưởng tất cả các quyền việc làm và người lao động đủ điều kiện nhận lương tối thiểu và lương nghỉ lễ nhưng không được hưởng đầy đủ quyền lợi.
Mặt khác, phán quyết của tòa sẽ không áp dụng đối với toàn bộ 60.000 lái xe tại Anh, trong đó có 45.000 người tại London. Đồng thời, quyết định cấp thêm quyền lợi có thể không cải thiện đáng kể mức lương của họ và không bao gồm những tài xế giao đồ ăn cho Uber Eats.
Rebecca Thornley-Gibson, một đối tác của công ty luật DMH Stallard ở London, cho biết, không có gì đảm bảo rằng các công ty hợp đồng khác sẽ đi theo con đường thỏa hiệp của Uber.
“Thực tế cho thấy, không phải tất cả các quốc gia phải hành động để thực thi các quy định vì các doanh nghiệp hợp đồng sử dụng một số nguồn lực đáng kể để bảo vệ các hoạt động của họ” bà Gibson phân tích. “Nhưng về lâu dài, các chính phủ cần vào cuộc ngay bây giờ để xây dựng luật bảo vệ quyền của tất cả những người lao động đang hoạt động cho các nền tảng công nghệ”.
Có thể bạn quan tâm