Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều công ty đã khai phá thị trường tiềm năng dạy học từ xa
Techfunic là thành quả mà nữ kỹ sư Ann Andrews xây dựng được sau những ngày tháng cố gắng giúp đỡ cô con gái của mình theo kịp kiến thức môn Toán vì phải học tại nhà vì dịch.
Theo đó, Techfunic là một dịch vụ cung cấp các buổi học toán, công nghệ và code cho những nhóm nhỏ học sinh từ 8 - 15 tuổi. Đây đều là độ tuổi thường rất ngán những môn kể trên. Theo Andrews, việc xây dựng học tập theo nhóm giúp học sinh tập trung hơn, học tốt hơn.
Câu chuyện về Techfunic bắt đầu khi cô con gái học lớp 10 của Andrews phải học ở nhà vì dịch. Con gái cô không theo kịp kiến thức, cô thì có 2 đứa con nhỏ, không đủ thời gian kèm cặp. Thuê gia sư lại đắt đỏ, còn để con gái tự học thì không khả thi, vì có quá nhiều thứ gây mất tập trung.
Chính vì vậy, cô tìm một gia sư ở trường cũ của mình ở Ấn Độ để con gái học thêm từ xa. Sau 6 tuần, điểm số có cải thiện, nhưng mọi chuyện vẫn chưa giải quyết tận gốc, vì mỗi sáng cô đều phải gọi con dậy và nhắc nhở cô bé “đi học”.
Nhớ lại bản thân khi còn học ở Ấn Độ, Andrews thường học theo nhóm. Vậy nên cô quyết định áp dụng cách thức tương tự với con gái. Theo đó, mỗi lớp học cô tìm thêm 2 học sinh nữa. Con gái cô bắt đầu hào hứng kết nối với bạn mới và tự dậy mỗi sáng để học.
Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh trong tình trạng tương tự cũng hỏi thăm Andrews để cho con của mình nhập học chung. Chính từ lúc này Andrews nhận thấy rằng đây là một dịch vụ có thể kéo dài ngay cả khi đại dịch kết thúc. Chẳng phải đây là cách để các học sinh có thể tiếp cận một chương trình học phụ đạo cá nhân hóa với chi phí dễ chịu hơn sao? Vậy nên năm ngoái, cô quyết định khởi nghiệp để thực hiện phi vụ này.
Đầu tiên, chính Andrews sẽ lựa chọn và đào tạo gia sư, tuy nhiên sau đó cô phát triển một hệ thống để các gia sư hàng đầu có thể giới thiệu bạn bè của mình. Còn giờ đây cô hợp tác với 147 trường đại học ở Ấn Độ để họ lựa chọn và giới thiệu sinh viên.
Sau khi được tuyển chọn, các gia sư sẽ có một bài kiểm tra từ xa để thử khả năng, đồng thời xác định khối lớp phù hợp với gia sư. Tiếp theo đó là quá trình giới thiệu, làm quen với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ và giám sát gia sư cho đến khi họ có thể đứng lớp độc lập.
Andrews cũng trích 1% doanh thu để hỗ trợ các gia sư trang bị những công cụ dạy học như laptop hoặc wifi. Hiện tại Andrews đang tích cực kêu gọi đầu tư từ những nhà đầu tư giáo dục và xã hội để mở rộng dịch vụ học từ xa này.
Ở Việt Nam, học online cũng không còn là hình thức xa lạ trong thời kỳ dịch hiện nay. Tuy nhiên ngoài các lớp học chính thức theo chương trình, các dịch vụ học gia sư, học ngoài đã và đang manh nha phát triển.
Chẳng hạn tháng 4/2020, truyền hình FPT đã triển khai ứng dụng học tập theo chương trình của Bộ GD-ĐT từ lớp 1 - 12, ưu tiên nhất vẫn là lớp 9 và 12 để các em ôn thi. Nội dung đầy đủ các môn như toán, văn, ngoại ngữ, hóa học, sinh học, vật lý,...
Hoặc như trong đợt giãn cách xã hội mới đây của thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Tâm Trí Lực mới tung ra các lớp học online luyện trí nhớ và tiếp cận các phương pháp học tập thông minh để giúp các học sinh học tập hiệu quả hơn trong thời gian phải ở nhà vì dịch.
Trước tình hình dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp như hiện nay, các học sinh dự đoán sẽ tiếp tục phải kéo dài việc học ở nhà. Đây sẽ là một mảng thị trường tiềm năng cho các ứng dụng học và “kèm học” từ xa.
Có thể bạn quan tâm