Để ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó đến môi trường, đòi hỏi phải có sự đồng lòng và hợp sức của Chính phủ, người dân và các tổ chức kinh tế để cùng thực hiện mục tiêu.
Đó là khẳng định của ông Carel Richter - Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP HCM với DĐDN.
- Ông đánh giá như thế nào về vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL hiện nay?
Cũng giống như Hà Lan, Việt Nam cũng là một vùng đồng bằng châu thổ và bị ảnh hưởng rất nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở đất…
Hiện tại Việt Nam đang may mắn hơn Hà Lan rất nhiều vì Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế khá cao (7,08% năm 2018). Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có mức tăng trưởng dân số khá nhanh, mức tăng trưởng dân số ở khu vực thành thị của Việt Nam nhanh hơn khá nhiều so với Hà Lan.
Sự tăng trưởng cao về kinh tế và tăng trưởng nhanh về dân số vừa là lợi thế, nhưng cũng là những thách thức rất lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tốc độ gia tăng dân số nhanh sẽ đặt ra thách thức lớn đối với việc tiếp cận nguồn nước của người dân, cũng như việc bảo vệ các thành phố trong vùng đồng bằng khỏi bị ngập lụt do biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng dân số nhanh dẫn đến tình trạng khai thác và quản lý tài nguyên nước không hợp lý và thiếu tính bền vững. Vì vậy, Việt Nam phải có những giải pháp tổng thể nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra khá phức tạp.
- Hà Lan là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà Hà Lan đã áp dụng và thành công?
Hà Lan cũng là một quốc gia có nguồn gốc là một nước nông nghiệp, chúng tôi cũng có 2 mùa khác nhau trong một năm, và một năm có ít nhất 6 tháng thời tiết rất khắc nghiệt. Vào những tháng này, chúng tôi hầu như không thể sản xuất ra thực phẩm. Vì vậy, chúng tôi có những công nghệ mới tạo ra hàng hóa và bảo quản nó để đáp ứng được nguồn thực phẩm cho những tháng còn lại.
Trong quá trình sản xuất và bảo quản lương thực, thực phẩm, nước đóng một vai trò rất quan trọng, cũng như trong quá trình sản xuất và phân phối, người dân cũng phải đóng góp vào quá trình này. Một trong những kinh nghiệm mà người Hà Lan có được chính là văn hóa trong việc quản lý nguồn nước.
Hiện nay, tiền thuế cũng như ngân khố quốc gia của chúng tôi không đủ để duy trì những công trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn vốn vay cho một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn có nợ công.
Vì vậy, Chính phủ Hà Lan giao tất cả các công trình liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện theo mô hình đầu tư công– tư. Các công trình này được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn đầu tư tư nhân nên được đảm bảo về mặt chất lượng công trình cũng như giảm thiểu tối đa chi phí bảo trì, sửa chữa sau khi công trình được đưa vào khai thác.
- Ông có lời khuyên nào dành riêng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long?
ĐBSCL là một khu vực rất tương đồng với Hà Lan, đây cũng được coi là một động cơ kinh tế của cả nước. Khu vực này chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước. Vì vậy, khi có sự thay đổi về nguồn nước thì nền nông nghiệp cũng phải có những sự thay đổi nhằm thích nghi với môi trường mới.
Một trong những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL hiện nay là tình trang xâm nhập mặn và sạt lở đất. Khi nguồn nước bị xâm mặn nhiều hơn thì phải tính đến các phương thức sản xuất nông nghiệp như thế nào trong bối cảnh nguồn nước bị thay đổi. Nền nông nghiệp cần phải được thay đổi theo điều kiện môi trường mới. Trong khu vực bị ngập nước nhiều thì cần được ưu tiên đầu tư và phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy hải sản nhiều hơn.
Với những địa phương có nhiều sông rạch, nên chú trọng phát triển giao thông đường thủy. Chúng tôi cũng là một quốc gia có mạng lưới kênh rạch dày đặc, vì vậy Hà Lan đã phát triển mạnh về loại hình giao thông này, ở Hà Lan rất ít khi có xe tải lớn lưu thông trên đường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có những nghiên cứu cụ thể hơn nhằm tìm ra được những giải pháp ưu tiên để thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!