Chiến tranh thương mại 2.0 đã được kích hoạt khi ông Trump áp thuế với Trung Quốc, Canada và Mexico dù ông đã hoãn áp thuế với Mexico và Canada trong 30 ngày.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế suất 25% đối với toàn bộ thép, nhôm được nhập khẩu vào Mỹ.
Quyết định nói trên của Tổng thống Donald Trump phần nào đã hiện thực hóa những tuyên bố của ông trong quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ. Ngay lập tức, Bộ Tài chính Trung Quốc đã “trả đũa” bằng mức thuế 15% đối với than và LNG của Mỹ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số ô tô. Bộ này cho biết mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ có hiệu lực vào ngày 10/2/2025.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng công bố thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với vonfram, tellurium, bismuth, molypden và các vật liệu liên quan đến indium với lý do “bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”. Ngoài ra, quốc gia này cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank, Goldman Sachs đã liệt kê danh mục những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng sớm nhất của thuế quan thương mại, bao gồm: công nghiệp ô tô; sản xuất chip bán dẫn; hàng tiêu dùng; vật liệu cơ bản và công nghiệp; năng lượng xanh; bán lẻ từ Trung Quốc.
Hiện có 2 kịch bản được quan tâm: Thứ nhất, việc tăng thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu 0,4% và tăng thêm 1,1 nghìn tỷ USD chi phí thuế trong giai đoạn 2025-2034. Riêng tại Mỹ, mỗi gia đình sẽ chịu thiệt hại thêm 800 USD cho tiêu dùng cơ bản.
Thứ hai, nếu mức thuế phổ cập toàn cầu 20% và mức thuế bổ sung 50% đối với Trung Quốc được áp dụng để đạt 60% sẽ làm giảm sản lượng kinh tế dài hạn 1,3% trước bất kỳ sự trả đũa nào của nước ngoài.
Tình hình có thể “bi đát” hơn ở khu vực Bắc Mỹ. Scotiabank - Ngân hàng lớn nhất Canada cho biết rằng, thuế quan trả đũa với đối tác thương mại hàng đầu và đồng minh thân cận nhất của nước này là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với Canada.
Nhìn chung, đầu tư nước ngoài suy giảm, rủi ro pháp lý thương mại quốc tế gia tăng, mất cân bằng tỷ giá do lãi suất đồng USD neo cao, lạm phát tăng và suy thoái kinh tế,… là những nguy cơ rất gần với tất cả.
Không chỉ các quốc gia bị áp thuế, mà ngay cả Mỹ cũng chịu thiệt hại lớn. Các nghiên cứu của các học giả và chính phủ cho thấy thuế quan dưới thời ông Biden và ông Trump đã làm tăng giá cả và làm giảm sản lượng, việc làm, tạo ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất ổn, thương mại chỉ là “lát cắt” nhỏ. Kinh nghiệm từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung năm 2018 cho thấy, bên cạnh cơ hội có thêm dư địa xuất khẩu, phần lớn mâu thuẫn thương mại với các nước “chủ chiến” được giải quyết thông qua ngoại giao, đàm phán. Việt Nam từng cho thấy khả năng kết nối và thương lượng rất linh hoạt.
So với 7 năm trước, khối lượng thương mại hai chiều Việt - Mỹ đã tăng lên hơn gấp đôi, từ 60 tỷ USD lên khoảng 130 tỷ USD. Đặc biệt, lợi thế xuất siêu ngiêng về Việt Nam - đây là vấn đề mà ông Trump luôn cho là cần được làm hài hòa hơn.
Chính vì thế, ngoài việc tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, các doanh nghiệp Việt cần phân tán thị trường, đặc biệt với các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử. Ví dụ, với hàng dệt may và da giày xuất khẩu sang Mỹ ước tính khoảng 35 tỷ USD, nếu thuế nhập khẩu tăng 10 - 25%, sẽ rất khó cạnh tranh với hàng Bangladesh và Ấn Độ.
Bài học từ năm 2018 đặt ra yêu cầu chặn gian lận xuất xứ hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách len lỏi vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Hơn bao giờ hết, quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa, cấp C/O phải được giám sát chặt chẽ hơn để tránh lệnh trừng phạt từ chính quyền Trump.
TS Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập, cũng cho rằng Việt Nam cần có chính sách ngăn chặn dòng vốn FDI từ Trung Quốc chỉ nhằm mục đích “tráng men” ở Việt Nam để xuất sang Mỹ. Đồng thời, có thể xem xét nhập khẩu những hàng hóa công nghệ như máy móc, máy bay, thậm chí vũ khí từ Mỹ để cân bằng cán cân thương mại. Bởi vì, đối với ông Trump, tất cả đều là giao dịch.
Đặc biệt theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tìm cách giữ chân các doanh nghiệp Mỹ, như Apple, Google, Nike, Intel, Nvidia, Boeing, Coca-Cola, Pacifico Energy,… đóng vai trò như “tấm bình phong” hữu hiệu, minh chứng cho khả năng hợp tác song phương, quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.