Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 3): Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân

VŨ PHƯỜNG 20/08/2022 03:30

Các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực đầu tư này.

>>> Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 2): Tận dụng cơ hội kinh doanh mới

Chiến lược “tăng trưởng xanh” cần nguồn lực tài chính lớn để thực hiện các dự án đầu tư

Chiến lược “tăng trưởng xanh” cần nguồn lực tài chính lớn để thực hiện các dự án đầu tư

Nguồn lực tài chính Nhà nước còn hạn chế

Một trong 18 chủ đề trong Kế hoạch hành động “tăng trưởng xanh” giai đoạn 2021-2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây là “Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh”.

Trên thực tế, chiến lược “tăng trưởng xanh” này đòi hỏi nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án đầu tư cho đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở… nhằm phục vụ việc triển khai thực hiện Chiến lược. Trong khi đó, nguồn lực trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh là rất hạn chế.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Quỹ phát triển Liên Hợp Quốc về huy động nguồn vốn cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam cho việc chống biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh hiện chỉ chiếm 0,1% GDP.

Theo đó, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung vào các chương trình đầu tư giao thông công cộng của ngành giao thông cho các thành phố lớn, các đường cao tốc; các chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thể chế chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ đầu tư tư nhân, dự án thí điểm.

Theo Bộ KHĐT, để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.

Cụ thể, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trước đó dành cho chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu ước tính phân bổ khoảng 15.800 tỷ đồng, trong đó chỉ có 30% cho “tăng trưởng xanh” - một nguồn vốn hạn hẹp.

Nguồn lực tài chính của nước ta còn hẹn hẹp nên rất cần thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân (Ảnh minh họa)

Nguồn lực tài chính của nước ta còn hẹn hẹp nên rất cần thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân (Ảnh minh họa)

Thu hút vốn đầu tư tư nhân

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nguồn đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh mang tính quyết định, đảm bảo thành công trong thực hiện Chiến lược “tăng trưởng xanh”, bao gồm các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình. Tổng vốn đầu tư cho mục tiêu này hiện đạt gần 2,5 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo và một phần hiệu quả năng lượng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh nguồn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và phải trang trải cho nhiều nhu cầu chi tiêu công cấp bách, vai trò của tư nhân ngày càng được đánh giá cao trong việc “xanh hóa” nền kinh tế, bởi trên 40% GDP được đóng góp từ khu vực tư nhân.

"Phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng “xanh” sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ chính mình, trụ vững hơn và tìm được cơ hội bứt phá. Thậm chí, việc “sản xuất xanh” còn tạo cơ hội để doanh nghiệp tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương", ông Nghĩa nhận định.

>>Xu hướng tăng trưởng xanh của doanh nghiệp Việt

>>Động lực chính sách cho tăng trưởng xanh

Thu hút đầu tư cho “khu công nghiệp xanh”

Phát triển “khu công nghiệp xanh” đang là xu hướng và động lực mới cho tỉnh Bình Dương thực hiện các dự án thu hút đầu tư. Dự kiến cuối năm 2022, một nhà máy "khổng lồ" trên diện tích tới 44ha sẽ chính thức được khởi công tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3) tại thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đây là một trong những nhà máy đầu tiên của cả nước sẽ đáp ứng 100% nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của chủ đầu tư là Lego.

VSIP 3 được kỳ vọng trở thành "khu công nghiệp xanh" và bền vững của cả nước. Tại đây, chủ đầu tư sẽ xây dựng một "trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ" rộng tới 50ha để cung cấp điện cho các khách hàng trong KCN. Ngoài ra, bản thân các nhà máy trong KCN cũng có thể tự triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà máy.

Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc vận hành của Tập đoàn Lego chia sẻ rằng, chính những kế hoạch hu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam về đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để Tập đoàn này quyết định xây dựng nhà máy tại đây.

Thu hút đầu tư để phát triển “Khu công nghiệp xanh” đang là hướng đi mới của nước ta, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu

Thu hút đầu tư để phát triển “Khu công nghiệp xanh” đang là hướng đi mới của nước ta, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu

Tiếp đà phát triển, một số KCN khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Ông Nguyễn Tấn Thành, TGĐ công ty II-VI Việt Nam (KCN VSIP 1) cho biết, việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo có cơ chế hợp tác, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn, giúp nhà máy sử dụng nguồn năng lượng xanh mà không tốn bất kỳ chi phí nào.

Tại Hải Phòng, những năm gần đây, thành phố ngày càng chú trọng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo vệ môi trường, giúp ngành công nghiệp thành phố hiện đại, thông minh, bền vững. Để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cho năng lượng tái tạo, giữa năm 2022, Tập đoàn Shire Oak International (Vương quốc Anh), Công ty CP Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ và Công ty CP Kinh doanh điện Nam Đình Vũ đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về đầu tư năng lượng tái tạo tại KCN Nam Đình Vũ; đồng thời, cam kết định hướng phát triển xanh trong KCN này giữa Công ty Sao Đỏ với các nhà đầu tư.

Việc hợp tác này để phát triển dự án năng lượng tái tạo điện mặt trời áp mái, đem lại nguồn năng lượng sạch, cải tạo môi trường, nâng cao hình ảnh thương hiệu và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Ông Mark Shorrock, Chủ tịch Tập đoàn Shire Oak International cho biết, các nước châu Âu hiện đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, 100% sản phẩm của các doanh nghiệp phải sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Đó là xu hướng tất yếu nên các công ty cần phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Hiện, có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Anh quan tâm tới những nền kinh tế mới, tăng trưởng ổn định và bền vững như Việt Nam để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, bền vững.

Có thể nói, chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng mới và rất cần thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Vì vậy, cần có những sáng kiến và giải pháp đột phá để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án mang lại hiệu quả về môi trường, xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách thông thoáng để tiếp cận được nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực này, giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

>>> Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 4): Giải pháp tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp

Có thể bạn quan tâm

  • Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 2): Tận dụng cơ hội kinh doanh mới

    Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 2): Tận dụng cơ hội kinh doanh mới

    02:30, 11/08/2022

  • Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 1): Net Zero và mục tiêu tăng trưởng xanh

    Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 1): Net Zero và mục tiêu tăng trưởng xanh

    02:03, 02/08/2022

  • Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

    Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

    00:40, 24/05/2022

  • Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ứng biến như Hà Lan

    Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ứng biến như Hà Lan

    17:45, 10/05/2022

  • Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ba mục tiêu của Việt Nam

    Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ba mục tiêu của Việt Nam

    17:43, 10/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 3): Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO