Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất của thời đại. Do đó, Chính phủ, doanh nghiệp đang từng ngày đặt ra các mục tiêu về “Net Zero”, thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường và xã hội.
>> Doanh nghiệp thích ứng chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu
Từ câu chuyện cháy rừng ở Châu Âu…
Giữa tháng 7 vừa qua, trên thế giới dồn dập thông tin về đợt nắng nóng khủng khiếp tại nhiều nơi như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Châu Phi… Tại Châu Âu, hàng trăm người đã thiệt mạng vì nắng nóng chỉ trong tháng 5 và tháng 6. Trong vòng vài tuần, Châu Âu phải hứng chịu 2 cơn sóng nhiệt. Cao điểm, nhiệt độ ngoài trời tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 15/7 hiển thị 49 độ C. Miền trung Bồ Đào Nha, nhiều đám cháy rừng chảy ra khi nhiệt độ trong khu vực lên tới 46 độ C. Nước Pháp cũng đang đối diện đợt nắng nóng cao điểm từ Địa Trung Hải với nhiệt độ cao nhất 42 độ C.
“Như địa ngục” là những gì người dân Châu Âu cảm nhận về đợt nắng nóng này. Nắng nóng gay gắt xảy ra thường xuyên hơn, chứ không còn là hiện tượng thời tiết cá biệt vài chục năm mới xảy ra 1 lần như trước.
Tại Việt Nam, khu vực miền Bắc và Miền Trung tiếp tục trải qua những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Lượng điện tiêu thụ liên tiếp lập những kỷ lục. Các nhà khoa học cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng ngày càng gay gắt, kéo dài qua các năm, cùng với tình trạng nước biển dâng bởi nước ta nằm trong nhóm 10 nước có chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu và chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn cao, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.
…cho tới mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam
Nắng nóng khốc liệt là một trong những biểu hiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu - vấn đề của toàn cầu. Khả năng ứng phó của chúng ta đến đâu? Giải pháp nào để thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn là câu hỏi lớn.
Việt Nam là quốc gia sớm tham gia ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Từ năm 1992 đến nay, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm phát thải định lượng các khí nhà kính. Sự tích cực, chủ động được thể hiện rõ nhất tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021. Thủ tướng Chính phủ nêu cam kết tới 2050, Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero, đưa phát thải dòng về 0 để cùng với nỗ lực của hàng trăm quốc gia tham gia Công ước giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C vào giữa thế kỷ này.
Một lộ trình tăng trưởng xanh bền vững đi cùng cam kết Net Zero đã được cụ thể hóa bằng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Dự thảo chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đang được lấy ý kiến tham vấn để trình Chính phủ sớm ban hành, tạo đột phá trong thể chế, chính sách về đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, góp phần thúc đẩy triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, chỉ trong thời gian ngắn sau COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cam kết tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao, huy động mọi nguồn lực xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.
>>24 doanh nghiệp tham gia Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL
>>Việt Nam cam kết mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu
Tại Hội thảo “Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong và chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh” do VCCI phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI từng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn và cần được kết nối để chủ động tương tác với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thích ứng với BĐKH và dịch bệnh. Bởi, điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường, thích ứng an toàn với dịch bệnh, từ đó tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp “kiên cường" trước thiên tai, BĐKH và dịch bệnh.
Các chuyên gia cho rằng, với người dân bình thường, có lẽ không nhiều người hiểu thế nào là Net Zero, thế nào là tăng trưởng xanh. Đương nhiên, cũng ít người thấy được mối quan hệ giữa tình trạng khí hậu với việc thực hiện cam kết Net Zero và tăng trưởng xanh đầy tham vọng của Chính phủ. Với họ, nắng nóng gay gắt là thực, mưa lũ bất thường là thực, là “tại trời”, là chấp nhận chịu đựng những “đỏng đảnh thất thường của thời tiết”.
Làm sao để cam kết từ cấp cao nhất, những hành động vĩ mô tầm chiến lược “đến” và “thấm” tới các cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để mỗi người dân hiểu được rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thời tiết cực đoan là “tại người” chứ không phải “tại trời”. Rồi làm sao để các cấp lãnh đạo, quản lý, bộ, ngành, địa phương phải có những nhận thức đúng, có những chính sách ưu tiên, sự quan tâm tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề để thiết kế được những kế hoạch hành động chi tiết, khả thi, cụ thể hóa từ bản chiến lược chung. Đồng thời, những chương trình, kế hoạch này sẽ không bị biến tướng, bị lợi dụng chính sách để biến thành những nơi tiêu tiền dự án, là những khoản đầu tư sân sau, lợi ích nhóm, là chỗ cho tham nhũng, tiêu cực!
Một tầm nhìn xa, một quyết tâm cao và sự thông tuệ, chính trực của những cán bộ trong bộ máy điều hành là yếu tố then chốt để triển khai thành công các chiến lược phát triển, trong đó có việc thực hiện cam kết Net Zero hướng tới nền kinh tế tăng trưởng xanh.
>>> Ứng phó với biến đổi khí hậu (Kỳ 2): Cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Có thể bạn quan tâm
Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
00:40, 24/05/2022
Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ứng biến như Hà Lan
17:45, 10/05/2022
Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: Ba mục tiêu của Việt Nam
17:43, 10/05/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình Dương phát triển hạ tầng số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu
20:05, 04/04/2022
AFD đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu
19:00, 29/03/2022