Việt Nam cần có những cơ chế chính sách, định hướng và giải pháp phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và điện khí.
Thực tế cho thấy, nguồn năng lượng tái tạo và điện khí đang trở thành một trong những vấn đề rất được quan tâm tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và Thủ tướng Chính phủ cam kết đạt mức “phát thải ròng bằng 0" vào năm 2050. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như lắp đặt, bảo trì, cơ khí và vận hành các hệ thống năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Xác định thích ứng là yếu tố then chốt để gia nhập chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí đã không ngừng đổi mới và tận dụng cơ hội phát triển. Ông Vương Phúc Hà, đại diện Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) chia sẻ rằng, doanh nghiệp đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và tệp khách hàng đã giúp doanh nghiệp duy trì doanh thu ổn định, với 70% doanh thu đến từ khách hàng trong nước và 30% từ xuất khẩu, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn.
“Để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao của khách hàng Nhật Bản, chúng tôi đã cải tiến quy trình sản xuất, từ khâu nhập nguyên liệu, gia công, lắp ráp đến hoàn thiện sản phẩm. Doanh nghiệp cũng đầu tư hệ thống kiểm tra chất lượng, đảm bảo khoảng 90% sản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giao cho khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi ứng phó với sự biến động của thị trường bằng cách đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa và đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm,” ông Vương Phúc Hà nhấn mạnh.
Ngoài việc cam kết thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững trong ngành cơ khí, tự động hóa, công nghệ và năng lượng xanh thông qua việc áp dụng các giải pháp tiên tiến trong hoạt động sản xuất, theo ông Hà, trong năm 2025, doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra quốc tế; môi trường làm việc chuẩn quốc tế; chất lượng sản phẩm, dịch vụ chuẩn quốc tế, mục tiêu tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới bằng các sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ chuyên nghiệp.
Để các doanh nghiệp cơ khí mở rộng hoạt động, tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực mới, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Công ty Cơ khí Hà Nội cho rằng, nhu cầu phát triển trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo khu vực ven biển, hải đảo Việt Nam là rất lớn, cần thiết, đảm bảo đúng định hướng công ước quốc tế về giảm dần, loại bỏ các công nghệ có tính phát thải khí nhà kính lớn. Đồng thời, đòi hỏi một nhu cầu cũng rất lớn về ngành chế tạo thiết bị phục vụ phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Vì vậy, cần có cơ chế cho doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia vào các dự án lớn của ngành năng lượng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.
“Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề nội địa hóa thiết bị trong ngành năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế, một số thiết bị quan trọng (tuabin - máy phát; cánh quạt…), chúng ta vẫn phải nhập khẩu 100%. Các thiết bị hoặc dịch vụ còn lại tùy mức độ chúng ta có mức độ nội địa hóa khác nhau và chúng ta mới nội địa hóa tỷ lệ 100% cho các thiết bị, dịch vụ đơn giản như phần kết cấu, xây dựng, lắp đặt” ông Đỗ Hoài Nam nhận định.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Chỉ Sáng, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng, để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của Quy hoạch điện 8 và hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), đặc biệt là mục tiêu đạt mức “phát thải ròng bằng 0" vào 2050, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị nhà máy điện gió là cần thiết. Qua đó, tạo cơ sở khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế chính sách đồng bộ để phát triển ngành cơ khí chế tạo phục vụ ngành công nghiệp năng lượng trong nước.