Đồng USD ngày càng mạnh, khiến nhiều nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương đã phải “ra tay” ổn định tỷ giá.
>> Giải pháp ổn định tỷ giá
Đồng USD được dự báo sẽ còn tăng giá hơn nữa khi FED tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất và nhu cầu trú ẩn vào USD tăng mạnh do xung đột địa chính trị.
Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều bị khuất phục trước đồng USD. Đồng euro đang hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất so với đồng USD kể từ đầu năm nay- đã giảm 0,15% về mức 1,06398 USD, trong khi đồng bảng Anh giảm 0,4% xuống 1,232 USD.
Từ đầu năm đến nay, đồng Yên đã mất giá 9% so với USD, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong nhóm G10. Đồng Franc của Thụy Sỹ cũng giảm giá tương đương như vậy. Tiền Won mất 5,5%; đồng đô la Australia, đô la Canada giảm lần lượt 4,4% và 3,3% so với “đồng bạc xanh”.
Phát biểu sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 tại Washington, Thống đốc Ngân hàng TW Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết ngân hàng này có thể tăng lãi suất một lần nữa nếu đồng Yên sụt giảm, đẩy lạm phát lên đáng kể, làm nổi bật tình thế khó khăn.
Nguyên nhân bao trùm được chỉ ra là do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục trì hoãn thời điểm cắt giảm lãi suất khi lạm phát Mỹ liên tục tăng cao hơn dự kiến. CPI tháng 3/2024 của Mỹ tăng 0,4% lên mức 3,5%. Cả hai mức này đều cao hơn so dự báo của các chuyên gia lần lượt là 0,3% và 3,4%.
Nhìn vào bức tranh chung, kinh tế toàn cầu khó khăn, vàng và đô la Mỹ lại nổi lên trở thành nơi trú ẩn an toàn nhất. Ví dụ, doanh nghiệp Trung Quốc tăng hoán đổi từ Nhân dân tệ sang USD. Dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho thấy tiền gửi ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại nước này tăng thêm 53,7 tỷ USD kể từ tháng 9/2023, lên 832,6 tỷ USD trong tháng 3/2024.
Nhưng tất cả các diễn biến này đều là hiện tượng bên ngoài. Vấn đề then chốt liên quan đến bản chất của đồng tiền Mỹ: Ai mới là thế lực thực sự đang vận hành nó? Sức mạnh của USD không chỉ dựa vào dầu mỏ như ai cũng biết về hệ thống “petrodollars”.
>> Tỷ giá vẫn căng
Điều này ngầm khẳng định rằng, mọi nỗ lực thoát khỏi đồng USD chưa đâu vào đâu. Những bộ óc xuất chúng trong giới tinh hoa tài chính ở Mỹ đang chứng minh cho thế giới thấy họ rất khó bị đánh bật khỏi vị trí số 1 toàn cầu. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally nói rằng: “Đồng Mỹ là tiền tệ của chúng tôi, nhưng đó là vấn đề của bạn, vẫn còn đúng cho đến ngày nay”.
Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 18/4 vừa qua, Nhật Bản và Hàn Quốc ra “tuyên bố chung” nhằm giải quyết những mối quan ngại nghiêm trọng về tình trạng mất giá của đồng Yen và Won. Đáng nói đây là hai đồng minh thân cận truyền thống của Mỹ.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối, điều chỉnh giá đồng real, lira và rupiah nhằm ngăn chặn tuột giá sâu. PBoC đã cố gắng ổn định tỷ giá bằng cách ấn định giá Nhân dân tệ cao hơn giá của thị trường, tăng chi phí vay Nhân dân tệ ở Hồng Kông nhằm kìm hãm nhu cầu bán khống đồng tiền này. Tuy vậy, đây hoàn toàn chỉ là những biện pháp ngắn hạn.
Trước bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng mạnh (tỷ giá USD/VND đã tăng 4,9% kể từ đầu năm đến nay), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã can thiệp tỷ giá bằng cách phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái. Biện pháp bán ngoại tệ của NHNN nhằm giải tỏa tâm lý thị trường và đảm bảo nguồn cung ngoại tệ trên thị trường thông suốt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực từ bên ngoài rất lớn. Việc điều hành tỷ giá linh hoạt là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu. “NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường nhằm đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát”, ông Phạm Quang Chí, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ-NHNN nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc tính toán lại cơ cấu tỷ trọng xuất nhập khẩu cũng không kém phần quan trọng. Ngoài ra, cần tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để giảm bớt nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận sau khi quy đổi từ đồng USD.
UBS Asset Management cho biết, đồng USD có thể còn tăng giá hơn nữa mặc dù đã đắt hơn 20% so với giá trị thông thường của nó. Trong khi đó, Wells Fargo Investment Institute cho rằng đà tăng của đồng USD sẽ kéo dài cho đến năm 2025. Do đó, các doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ phái sinh, như hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn… để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá.
Có thể bạn quan tâm
Tác động tỷ giá với nhóm cổ phiếu ngành thép, nhựa
05:20, 08/04/2024
Áp lực tỷ giá không đáng ngại
02:11, 05/04/2024
USD neo cao tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá
05:00, 04/04/2024
Lạm phát, tỷ giá và biến động địa chính trị - Lưu ý rủi ro nào?
17:02, 27/03/2024
Áp lực tỷ giá không ảnh hưởng đến triển vọng môi trường tín nhiệm 2024
05:10, 22/03/2024