Phân tích - Bình luận

USD suy yếu sẽ "châm ngòi" xung đột tiền tệ?

Trương Khắc Trà 23/04/2025 04:04

Đồng đô la Mỹ suy yếu đã dẫn đến sự tăng giá của hàng loạt đồng tiền khác trên thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể sẽ gây căng thẳng chính sách tiền tệ.

gia-usd-hom-nay-4-3-2025.jpg
Đồng USD có thể tiếp tục suy yếu.

Theo khảo sát quản lý quỹ toàn cầu gần đây nhất của Ngân hàng Hoa Kỳ, có tới 61% người tham gia dự đoán giá trị đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong 12 tháng tới - triển vọng bi quan nhất của các nhà đầu tư lớn trong gần 20 năm trở lại đây.

Sự sụt giảm của đồng USD đã khiến các loại tiền tệ khắp nơi trên thế giới tăng giá, đặc biệt là các đồng tiền trú ẩn an toàn như đồng yên Nhật, đồng franc Thụy Sĩ cũng như đồng euro. Theo dữ liệu của LSEG, kể từ đầu năm nay, đồng yên Nhật đã tăng giá hơn 10%, trong khi đồng franc Thụy Sĩ và đồng euro tăng giá khoảng 11%.

Một số đồng tiền được biết đến ít hơn bao gồm đồng peso Mexico, tăng 5,5% so với đồng USD và đồng đô la Canada đã tăng giá hơn 4%. Đồng zloty của Ba Lan đã tăng giá hơn 9% trong khi đồng rúp của Nga đã tăng giá hơn 22% so với đô la Mỹ.

Adam Button, nhà phân tích tiền tệ tại ForexLive cho biết: “Hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ vui mừng khi thấy đồng đô la Mỹ giảm 10%-20%. Bởi vì sức mạnh của đồng USD đã là một vấn đề dai dẳng trong nhiều năm và gây khó khăn cho các quốc gia có chế độ neo đồng nôi tệ theo USD”.

Việc tháo chạy khỏi các tài sản của Hoa Kỳ có thể phản ánh một cuộc khủng hoảng niềm tin rộng lớn hơn, với các tác động lan tỏa tiềm ẩn như lạm phát nhập khẩu cao hơn khi “đồng bạc xanh” suy yếu.

Bên cạnh những “lợi ích” mang lại, một số chuyên gia cảnh báo các thị trường mới nổi và các ngân hàng trung ương châu Á sẽ cần phải thận trọng để tránh tình trạng tháo chạy vốn và các rủi ro khác.

Wael Makarem, chiến lược gia trưởng tại Exness nói: “Các thị trường mới nổi phải đối mặt với lạm phát cao, nợ và rủi ro tháo chạy vốn, khiến việc phá giá đồng nội tệ trở nên nguy hiểm”.

Việc một quốc gia có thể phá giá đồng tiền của mình hay không phụ thuộc vào một số yếu tố: quy mô dự trữ ngoại hối, mức độ tiếp xúc với nợ nước ngoài, cán cân thương mại và mức độ nhạy cảm với lạm phát nhập khẩu.

Chuyên gia kinh tế quốc tế kiêm chiến lược gia ngoại hối của Wells Fargo, Brendan McKenna, nhận định: “Các nền kinh tế định hướng xuất khẩu với dự trữ ngoại hối dồi dào và ít phụ thuộc vào nợ nước ngoài sẽ có nhiều không gian hơn để phá giá đồng tiền của mình”.

Tuy vậy, trong bối cảnh nhạy cảm, việc phá giá đồng tiền để “cân bằng” với đô la Mỹ cũng có thể bị coi là “thao túng tiền tệ” - theo cách nhìn của Tổng thống Trump và những cộng sự - nguy cơ dẫn đến xung đột tiền tệ, thậm chí chiến tranh tiền tệ.

Mặc nhiên, khi đồng tiền “mỏ neo” biến động, lợi ích chỗ này sẽ chuyển sang chỗ khác, lợi thế biến thành bất lợi, dễ thấy nhất trong lĩnh vực ngoại thương, khi các quốc gia tìm cách tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu của mình.

Sự mất cân bằng trong thương mại thường khuyến khích các quốc gia phá giá tiền tệ của mình. Song song với đó, tỷ lệ lạm phát cao có thể buộc các quốc gia theo đuổi các chính sách tiền tệ thắt chặt, tạo tiền đề cho một cuộc xung đột tiền tệ tiềm ẩn.

Trong trường hợp này, đồng đô la Mỹ bị “phá giá” có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các quốc gia khác làm theo để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Đây là biện pháp kỹ thuật “không có lối ra” dẫn đến căng thẳng leo thang và các biện pháp trả đũa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
USD suy yếu sẽ "châm ngòi" xung đột tiền tệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO