Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đẩy mạnh vai trò "cầu nối" trong liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường đào tạo nhân lực ngành logistics.
TS. Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, Đại hội có nhiệm vụ nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá khách quan kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Hiệp hội phát triển Nhân lực Logistics lần thứ I, nhiệm kỳ 2021-2024, rút ra những việc làm được, những tồn tại khuyết điểm, bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình tổ chức hoạt động của Hiệp hội, đồng thời tập trung thảo luận các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của nhiệm kỳ tiếp theo.
"Đây sẽ là động lực để Hiệp hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực hiện sức mạnh lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn và hiệu quả hơn những tri thức logistics và chuỗi cung ứng hiện đại, kinh nghiệm thực tiễn phong phú và công nghệ tiên tiên nhất là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong Logistics", ông Mai Xuân Thiệu nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Hiệp hội lần thứ I (nhiệm kỳ 2021-2024) và phương hướng, nhiệm vụ Nhiệm kỳ III (2025-2029), PGS TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch VALOMA cho biết, ngay sau Đại Hội lần thứ nhất, Hiệp hội đã khẩn trương xây dựng, ban hành các Nghị quyết, Quyết định về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hiệp hội. Đồng thời, Lãnh đạo Hiệp hội và các đơn vị thường xuyên duy trì họp trao đổi công việc và/hoặc trao đổi thông tin nhằm cập nhật, triển khai công việc hàng tuần; hàng tháng hoặc đột suất khi cần thiết. Nhờ đó, đã giúp công việc Hiệp hội cơ bản đảm bảo được yêu cầu.
Cụ thể, ở nhiệm kỳ đầu của Hiệp hội, số lượng hội viên tăng dần qua các năm, đến nay đã có 216 hội viên, bao gồm cả hội viên tổ chức cũng như cá nhân, cụ thể có 52 trường đại học, trường cao đẳng và cơ sở đào tạo ngắn hạn, 38 doanh nghiệp và 126 cá nhân.
Hiệp hội thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu gặp mặt, kết nối hội viên tham quan thực tế tại doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội còn tổ chức các buổi làm việc với nhiều cơ sở đào tạo.
Công tác hội viên đã xây dựng được bộ tài liệu kết nạp hội viên, khảo sát nhu cầu của Hội viên, dự thảo quy định về quy tắc ứng xử trên các kênh thông tin của Hiệp hội; phát triển phần mềm quản lý và chăm sóc hội viên để triển khai, quảng bá giới thiệu các chương trình, sản phẩm và dịch vụ của Hiệp hội đến các hội viên và các đối tác ngoài Hiệp hội;
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, sự kiện và các khóa học hữu ích cho các hội viên, cũng như sinh viên - nhân lực tương lai của ngành được tổ chức: Hội thảo quốc gia thường niên về logistics và quản lý chuỗi cung ứng - CLSCM; các tọa đàm, hội thảo trong ngành cho giảng viên, doanh nghiệp cũng như sinh viên; các khóa học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên…
Cùng với đó, công tác đào tạo trong nhiệm kỳ đã đạt được nhiều kết quả tích cực về nâng cao năng lực của giảng viên; Hỗ trợ các trường về xây dựng, rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo, công tác giáo trình, học liệu; Chủ trì biên soạn Báo cáo Đào tạo VALOMA (định kỳ 2 năm/lần) và nhiều hoạt động chuyên môn khác.
Về công tác nghiên cứu, Hiệp hội thực hiện nhiều hoạt động như tư vấn cho các doanh nghiệp và hiệp hội; Tổ chức kết nối doanh nghiệp với nhà trường, hỗ trợ các trường tổ chức tọa đàm; Tổ chức và kết nối doanh nghiệp với chương trình đào tạo; Hỗ trợ Mạng lưới Câu lạc bộ Sinh viên Logistics Việt Nam
Về công tác đối ngoại, nhiệm kỳ vừa qua, VALOMA đã tham mưu, đại diện Hiệp hội làm việc với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội khác; Chủ trì tổ chức các sự kiện quốc tế của Hiệp hội, tìm kiếm các chương trình, dự án, nguồn tài trợ, hỗ trợ, học bổng, du học, lao động nghề quốc tế; Tổ chức truyền thông, quảng bá hình ảnh, hoạt động của Hiệp hội ở ngoài nước; Tham mưu đề xuất gia nhập và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để Hiệp hội ký kết với các hợp tác, thỏa thuận quốc tế đúng quy định; Đầu mối tiếp nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; Đầu mối tổ chức các sự kiện.
PGS TS Nguyễn Thanh Chương nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua, Hiệp hội nhận được sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên từ các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Lãnh đạo Hiệp hội đều là những chuyên gia đầu ngành về ngành về Logistics, có tinh thần trách nhiệm và cống hiến cho Hiệp hội. Các Ban chuyên môn Hiệp hội làm việc nhiệt huyết, có tính chủ động, đem lại giá trị cho Hội viên, quy tụ được Hội viên tham gia các hoạt động của Hiệp hội.
“Với số lượng hội viên tuy không quá đông nhưng đa dạng từ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cá nhân, Hiệp hội luôn nhận được các thông tin chia sẻ hữu ích, đa chiều trong lĩnh vực chuyên môn của Hiệp hội”, ông Chương nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết hàng năm Hiệp hội còn tổ chức được nhiều sự kiện mang tính chất ý nghĩa nhân văn: hiến máu nhân đạo, cấp học bổng VALOMA cho sinh viên nghèo vượt khó và cho sinh viên tài năng, qua đó đã xây dựng hình ảnh Hiệp hội vì cộng đồng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế cũng như tranh thủ được đầy đủ sự ủng hộ của các cơ quan quản lý. Điều này xuất phát từ việc thiếu cán bộ chuyên trách, hạn chế về tài chính, thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động. Kinh phí của Hiệp hội còn hạn hẹp do đóng góp kinh phí của một số hội viên chưa đầy đủ và kịp thời, dẫn tới khó khăn khi triển khai các hoạt động.
Kết nối hội viên vẫn chưa chặt chẽ; chưa nắm bắt kịp thời tình hình thay đổi thông tin hội viên. Một số khu vực như Miền Trung, Tây Nguyên còn chưa triển khai được nhiều hoạt động.
Tham dự Đại hội Nhiệm kỳ của VALOMA, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực logistics thời gian tới là rất lớn. Các xu hướng chính sách, thậm chí về thể chế cơ chế đặc thù đều nhấn mạnh tới yêu cầu về nguồn nhân lực, cho thấy đây là yêu cầu quan trọng và xu thế phát triển sẽ rất cao.
Gợi ý cho sự phát triển mới của Hiệp hội trong Nhiệm kỳ II, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Hiệp hội không nên bó hẹp mình trong công tác đào tạo nhân lực. “Mong muốn của chúng tôi, thời gian tới đây, VALOMA tăng cường năng lực và chủ động phản biện, góp ý kiến cho các chính sách liên quan logistics thực tế hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Hiếu cho rằng, không chỉ là góp ý về luật hay quy định mà cả những quy hoạch, định hướng về hoàn thiện hạ tầng logistics Hiệp hội cũng nên có ý kiến đóng góp. Đặc biệt như góp ý cho quy hoạch của các địa phương, đi cùng với đó là tư vấn về nguồn nhân lực cho địa phương theo những định hướng đó. Có chương trình đào tạo dài hạn và cả các khoá ngắn hạn cho nhân lực tại doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương mong muốn Hiệp hội phát triển đồng đều và cân bằng giữa các khu vực, ví dụ như khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện chưa có nhiều hoạt động được triển khai.
“Do đó, thời gian tới cần tích cực hơn ở các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, cũng như quan tâm đồng đều giữa các nhóm hội viên nhà trường, doanh nghiệp. Cụ thể, nhóm hội viên cơ sở đào tạo là các trường cũng cần quan tâm hơn đến hoạt động nhóm doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đặc biệt cân bằng giữa khối đại học và cao đẳng, đào tạo ngắn hạn ”, ông Hải chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý, VALOMA chăm sóc tốt hơn cho hội viên, tất cả hoạt động của Hiệp hội là hướng đến hội viên.
“Không thể chỉ là một tổ chức hướng nội, cần hướng mạnh ra bên ngoài. Quan tâm đến những vấn đề của hoạt động logistics, góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước. Kết nối với các Hiệp hội bạn trong cùng lĩnh vực và mở rộng quan hệ quốc tế”, ông Trần Thanh Hải đề xuất.
Đồng thời đề nghị Hiệp hội tập trung giải quyết một số vấn đề lớn trong nhiệm kỳ tới như xây dựng chương trình hoạt động cụ thể của toàn nhiệm kỳ và từng năm với những hoạt động thiết thực, khả thi, đem lại lợi ích cho nhiều hội viên; Xây dựng bộ khung lãnh đạo Hiệp hội và các đơn vị chuyên môn của Hiệp hội thật sự vững mạnh, đoàn kết, nhiệt huyết vì công tác chung. Phát triển hội viên đồng thời với nâng cao chất lượng mọi mặt. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đổi mới phương thức đào tạo, nghiên cứu về logistics và kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2050, do đó Hiệp hội cần quan tâm tham gia đóng góp cũng như có định hướng phát triển phù hợp.
Về phương hướng, nhiệm kỳ mới, PGS TS Nguyễn Thanh Chương cho biết, với vai trò quan trọng của logistics trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân và nhân lực logistics là nhân tố then chốt, góp phần cho sự phát triển của ngành logistics và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Hiệp hội đặt ra các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2, cụ thể, về công tác tổ chức và văn phòng thực hiện rà soát lại Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ; rà soát và xây dựng quy chế hoạt động của các ban; Kiện toàn bộ máy tổ chức của Văn phòng nhằm tiếp tục hỗ trợ các Ban trong các công việc liên quan đến văn phòng: Xử lý các văn bản giấy tờ hành chính: Các quyết định, hợp đồng, các biên bản ghi nhớ MOU, ...
Về công tác hội viên, phấn đấu tăng số lượng hội viên đến cuối nhiệm kỳ 2 là 300 hội viên. Số hóa trong quản lý thông tin hội viên. Cụ thể, làm việc với các đối tác công nghệ để sớm triển khai việc sử dụng phần mềm quản lý hội viên tích hợp với trang mạng xã hội nhằm tăng tính kết nối, giao lưu giữa các hội viên và giữa hội viên với BCH, các Ban chuyên môn. Đồng thời, thuận tiện trong công tác quản lý sự biến động về thông tin hội viên.
Củng cố hoạt động của chi hội là đại diện của Hiệp hội ở các khu vực trong công tác chăm sóc và phát triển hội viên. Đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực (tài chính, công nghệ, nhân lực) để triển khai thường xuyên các hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác chăm sóc và phát triển hội viên. Xây dựng chính sách ưu đãi dành riêng cho hội viên nộp phí đầy đủ và tham gia tích cực các hoạt động của Hiệp hội.
Về công tác đào tạo, tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của giảng viên như tổ chức các khóa tập huấn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, các buổi chia sẻ qua nhiều hình thức đa dạng, với các diễn giả là các giảng viên nhiều kinh nghiệm, đại diện các doanh nghiệp, giảng viên/chuyên gia nước ngoài. Dự kiến mỗi năm tổ chức được 2 khóa tập huấn, 2 hội thảo/ tọa đàm chuyên môn sâu (hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến).
Phối hợp chặt chẽ với hội viên là các trường, để duy trì và nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như tối ưu công tác tổ chức Hội thảo quốc gia thường niên LSCM. Tiếp tục hỗ trợ các trường về xây dựng, rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo, cải thiện nguồn học liệu về logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Tiếp tục nâng cao chất lượng Báo cáo Đào tạo Logistics của VALOMA, dự kiến định kỳ xây dựng báo cáo hàng năm.
Thành lập Tổ công tác để xúc tiến và bước đầu thực hiện trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên giữa các trường thành viên VALOMA. Chuẩn bị các yếu tố cần thiết để xây dựng Khung/Chuẩn chương trình đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng bậc đại học, sau đại học.
Về công tác nghiên cứu, xây dựng năng lực để có thể tham gia đấu thầu các nhóm đề tài, đề án với các Cơ quan, Sở ban ngành về logistics và chuỗi cung ứng. Phối hợp với tổ chức ngành nghề liên quan như Quacert để xây dựng dự án nghiên cứu, tư vấn trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng. Phối hợp với đối tác, hội viên, ... để thực hiện các báo cáo chuyên sâu của ngành, phục vụ cho hoạch định chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, trường học, hay doanh nghiệp trong ngành….
Đại hội Nhiệm kỳ II cũng đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 23 thành viên, PGS TS Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường Đại học Giao thông Vận tải được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) nhiệm kỳ II.