Đến nay đã hơn 10 năm, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung trên đảo Cỏ Ngoài, Vân Đồn chưa có con giống nào được đưa ra thị trường.
>>Quảng Ninh: Kỳ vọng trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của miền Bắc
Ngày 28/10/2011, Bộ NN&PTNT có văn bản số 2633 phê duyệt dự án nói trên với quy mô 307,6ha và tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng.
Đến năm 2018, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng với trên 136 tỷ đồng. Nhưng đến nay vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư xây dựng trại sản xuất giống nhuyễn thể, gây lãng phí nguồn lực và có nguy cơ hư hỏng cơ sở vật chất.
Trong khi hàng trăm tỷ đồng nằm bất động, thì người dân vẫn loay hoay tìm nguồn cung cấp giống, thậm chí phải mua giống nhuyễn thể nhập lậu từ Trung Quốc với giá cao nhưng kém chất lượng.
Anh Trần Trung, hộ nuôi hàu Vân Đồn, cho biết: “Hầu hết số giống nhuyễn thể của người dân huyện Vân Đồn đang thả nuôi đều không có nguồn gốc không rõ ràng. Điều đó có nguy cơ dẫn đến bùng phát dịch bệnh trong môi trường thả nuôi. Trên thực tế, nguồn giống này sinh trưởng chậm, nhất là đối với loại ngao hai cùi”.
“Chúng tôi kỳ vọng vào dự án này, nhưng mãi vẫn chưa đi vào hoạt động. Các hộ nuôi trồng thủy sản tại Vân Đồn đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn cung cấp giống nhuyễn thể ổn định”, anh Trung nói.
>>Quảng Ninh thu hút nhà đầu tư vào hạ tầng logistics
>>Quảng Ninh: Giải pháp để du lịch tiếp tục bứt phá?
Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dự án sẽ được giao cho UBND tỉnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng trại giống để sản xuất con giống nhuyễn thể sạch bệnh cung cấp cho vùng nuôi của Quảng Ninh và các tỉnh ven biển Bắc bộ.
Tuy nhiên, dự án đã hoàn thành từ năm 2018, nhưng qua hàng loạt cuộc họp của các cấp sở, ngành tại tỉnh Quảng Ninh, công trình vẫn bị bỏ hoang bởi chưa thống nhất được phương án quản lý, chưa xác định được tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu của phóng viên DĐDN, từ nhiều năm nay, Sở NN&PTNT Quảng Ninh cũng đã kêu gọi nhà đầu tư quản lý, vận hành dự án này theo hình thức đối tác công tư và đã có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, nhưng còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 2, Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, không có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; còn Luật biển năm 2013 không quy định việc đấu giá quyền sử dụng khu vực biển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư vào Dự án cần đầu tư tiếp vào xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 62,31 tỷ đồng. Chưa kể tiền đầu tư các tàu thuyền vận tải, các thiết bị thí nghiệm, hóa chất, các máy móc phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm, hệ thống lồng, bè, lưới… Ngoài ra, doanh nghiệp thuê lại cơ sở hạ tầng đầu tư bằng ngân sách hình thành trong tương lai (đầu tư dở dang) không được cấp quyền sử dụng đất, thì họ không “mặn mà” đầu tư.
Chưa biết đến bao giờ những con giống nhuyễn thể trên đảo Cỏ Ngoài, Vân Đồn mới được ươm mầm và sinh nở. Chỉ biết cơ sở vật chất hàng trăm tỷ của dự án này sẽ có nguy cơ hư hỏng nếu tiếp tục “dãi nắng dầm mưa”. Và dự án này cũng cho thấy, những tính toán yếu kém ngay từ ban đầu của cơ quan chức năng dẫn đến hàng trăm tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ bỏ đi.
Có thể bạn quan tâm