Sổ tay khởi nghiệp

Văn hóa tạo sức mạnh trong startup

Hạnh Lê thực hiện 13/07/2025 06:51

Start-up thường được khởi nguồn từ những ý tưởng kinh doanh mới, quy tụ đội ngũ nhân sự mới với tuổi đời lẫn tuổi nghề đa phần là trẻ nên xây dựng văn hoá làm việc đặc biệt quan trọng.

Trao đổi với DOANH NHÂN, ông Khúc Ngọc Anh - Giám đốc công ty TNHH Vietnampedia, một start-up trong lĩnh vực công nghệ chia sẻ: để đi đường dài và tăng trưởng hiệu quả, các startup đều phải coi trọng văn hoá làm việc, văn hoá doanh nghiệp. Những giá trị, tư tưởng đó cần được những người sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp gương mẫu thực hiện và truyền đạt đến đội ngũ trong doanh nghiệp.

Khuc ngocv anh

- Những ngày đầu khởi nghiệp, nhân sự của doanh nghiệp thường khá “mỏng”. Đặt vấn đề xây dựng văn hóa làm việc liệu có quá sớm không, thưa ông?

Văn hoá trong doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, đều tự hình thành và phụ thuộc khá nhiều vào người sáng lập. Với doanh nghiệp khởi nghiệp, đúng là trong giai đoạn đầu còn nhiều bộn bề lo toan, nhưng, xây dựng văn hóa không thể bỏ qua bởi đây là “sợi dây vô hình” để doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện quy trình kinh doanh; xây dựng tiêu chí tuyển dụng; cách thức tương tác, ứng xử và làm việc với nhau cũng như với khách hàng, đối tác, cộng đồng…

Đặc thù của start-up là vốn mỏng, kinh phí còn rất thấp để cạnh tranh nhân sự trên các nền tảng tuyển dụng trực tuyến. Chúng tôi lựa chọn tìm kiếm và tuyển dụng trực tiếp nhân sự trẻ, không đặt quá cao yêu cầu về kinh nghiệm. Quan trọng nhất là lựa chọn nhân sự phù hợp với tư duy, tầm nhìn, định hướng phát triển, tức là những nhân sự cùng chung chí hướng để cùng nhau nỗ lực vượt qua thách thức đưa doanh nghiệp đi lên.

Ngược lại, nếu cho rằng, start-up vừa vốn ít vừa nhân sự mỏng nên cần quan tâm phát triển sản phẩm, thúc đẩy kinh doanh để duy trì hoạt động hơn là bàn tính đến chuyện văn hoá trong doanh nghiệp vốn khó đong đếm hiệu quả bằng con số lợi nhuận cụ thể thì đó là suy nghĩ chưa đầy đủ. Ngay từ đầu, doanh nghiệp thiếu định hướng, không xác định rõ quy trình kinh doanh có thể xem như thiếu “chỗ dựa niềm tin” cho nhân sự, không tạo động lực cống hiến, dễ tạo xung đột nội bộ, ảnh hưởng đến sự gắn kết của các thành viên và môi trường làm việc chung…

Giai ba 4
Văn hóa doanh nghiệp là “sợi dây vô hình” để các start-up hoàn thiện quy trình kinh doanh, xây dựng tiêu chí tuyển dụng.

- Phải chăng đây là những lợi thế thu hút nhân sự của công ty khởi nghiệp khi mà mức lương, thưởng không phải là yếu tố cạnh tranh?

Môi trường làm việc của các công ty start-up, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thường năng động, linh hoạt; nhân sự được tôn trọng và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, nhiều nhân sự có kinh nghiệm làm việc tìm đến các doanh nghiệp start-up vì môi trường sáng tạo, có cơ hội được tạo giá trị chung và phát triển bản thân.

Trong môi trường đó, văn hoá làm việc cởi mở, thân thiện và thấu hiểu nhanh khiến nhân sự gắn bó lâu dài mà mức lương không phải là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, trong doanh nghiệp start-up không có khoảng cách quá lớn giữa lãnh đạo và các nhân sự. Với các bạn trẻ, đây là môi trường rất tốt để học hỏi, tiếp thu kỹ năng làm việc thực tế qua các case study cụ thể từ những lãnh đạo đi trước. Điều này giúp các bạn trẻ trưởng thành rất nhanh thay vì bị giao KPI quá nhiều, đôi khi vượt quá khả năng bản thân họ.

Cùng với các cơ hội trên, làm việc ở một doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhân sự cũng xác định là phải thêm trách nhiệm hơn, thậm chí có thời điểm căng thẳng để hoàn thành dự án hay chạy deadline. Tuy nhiên, cái được của nhân sự trẻ cũng lớn, đó là khả năng vượt qua chính mình, năng động hơn.

- Văn hoá làm việc của các doanh nghiệp khởi nghiệp thường mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng lập và ban lãnh đạo. Điều này có thể tạo ra rủi ro khi có sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo, thưa ông?

Văn hoá trong doanh nghiệp đúng là chịu ảnh hưởng của những người đứng đầu. Họ chính là tấm gương và truyền cảm hứng về tinh thần cống hiến, kiên định với mục tiêu đang theo đuổi để các nhân sự trong doanh nghiệp làm theo. Chúng tôi vẫn nói vui nhưng rất thật là chỉ khi nào, từ nhân sự hành chính đến lãnh đạo đều là nhân viên kinh doanh, đam mê và nhiệt huyết với công việc, luôn vui vẻ, hạnh phúc với công việc, với công ty thì được chuyển hóa thành năng suất và hiệu quả hoạt động cao hơn, góp phần cho mục tiêu chung của doanh nghiệp, lan toả hình ảnh và văn hoá đặc sắc của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, là một doanh nghiệp start-up công nghệ, qua làm việc với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, chúng tôi được học hỏi không ngừng từ thị trường, khách hàng, đối tác của mình. Tiếp thu có chọn lọc cái hay, cái tốt vừa để làm giàu kiến thức văn hoá doanh nghiệp vừa hạn chế rủi ro. Dù có sự thay đổi nào của nhân sự, văn hóa trong doanh nghiệp đã vững mạnh thì vẫn tiếp tục được duy trì và không có kết thúc.

- Từ góc độ người sáng lập, theo ông, điểm cộng mà doanh nghiệp nhận được khi đầu tư xây dựng văn hoá từ sớm?

Xây dựng văn hoá làm việc tích cực, lành mạnh không chỉ thu hút, giữ chân nhân sự mà còn giúp doanh nghiệp start-up ghi điểm và tạo niềm tin với các đối tác, khách hàng. Đây là điều rất quan trọng bởi với doanh nghiệp non trẻ như start-up, tạo thiện cảm và sự tin cậy với khách hàng rất quan trọng.

Đối tác có thể e ngại, cân nhắc khi có ý định cộng tác kinh doanh với một start-up chưa có giá trị văn hoá, thiếu uy tín, thiếu minh bạch. Không có khách hàng chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và hoạt động của doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn hóa tạo sức mạnh trong startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO