“Vũ khí” cạnh tranh thời 4.0

NGUYỄN VIỆT 25/08/2022 03:31

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân được ví như một thứ “vũ khí” cạnh tranh mới.

>>Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn chiến lược CSCI Indochina nhấn mạnh về việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của CMCN 4.0.

Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn chiến lược CSCI Indochina. Ảnh: Hoàng Yến

Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành công ty Tư vấn chiến lược CSCI Indochina. Ảnh: Hoàng Yến

Bởi theo ông Nguyễn Đình Thành, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và thực tế toàn cầu hóa, khoảng cách về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được “làm mờ” giữa các quốc gia. Vì vậy, văn hoá doanh nghiệp sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hoá doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững. “Thậm chí, việc chậm thay đổi văn hoá doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế”, ông Thành nói.

Vẫn theo ông Nguyễn Đình Thành, trong “kỷ nguyên số”, doanh nghiệp cần sở hữu tầm nhìn về công nghệ với việc nâng cao hiểu biết và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi có tầm nhìn và hiểu biết về công nghệ mới, lãnh đạo doanh nghiệp mới có thể ứng dụng thành công vào văn hóa, quy trình vận hành của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp chuộng tính sáng tạo. CMCN 4.0 chính là cuộc cách mạng về đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho sự thay đổi trong tư duy.

Do đó, văn hoá doanh nghiệp cũng phải luôn sáng tạo, đổi mới mô hình quản lý và kinh doanh phù hợp, điều hành doanh nghiệp theo hướng tư duy cạnh tranh sáng tạo về trí tuệ, ứng dụng công nghệ mới tạo năng suất cao…

Thực tế, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp đã tồn tại một cách tự nhiên, gồm các thành tố, như nền tảng thương hiệu (tên, triết lý, tầm nhìn); văn bản về lịch sử thương hiệu; các văn bản về quy định, nội quy, quy chế, quy chuẩn…

>>Doanh nghiệp không thể đứng vững nếu thiếu đạo đức

>>Nền tảng văn hóa tạo dựng doanh nghiệp kiên cường

>>PNJ “vượt bão” bằng nền tảng văn hoá

“Nếu doanh nghiệp muốn hướng đến sự phát triển thì chủ doanh nghiệp cần đầu tư vào văn hoá doanh nghiệp một cách có chiến lược trên cơ sở 3 yếu tố, đó là con người, nguồn lực và phương pháp”, ông Thành bày tỏ.

Dưới góc độ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ông Thành cho rằng thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty, nên văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Thành dẫn chứng, văn hoá của hãng Apple thể hiện qua hệ biểu tượng “quả táo cắn dở”. Nhìn quả táo là mọi người nghĩ đến quả táo Eva, nó là trái cấm. Apple muốn truyền thông điệp rằng sản phẩm của họ giá trị đến mức không ai chống lại được sự cám dỗ và phải sở hữu bằng được, giống như việc nhất định phải “cắn một miếng táo cấm”.

Hay như giai thoại về cà phê Trung Nguyên, khởi sự là việc ông Lê Nguyên Vũ đạp xe “kẽo kẹt” đi giao cà phê. Ý chí của doanh nghiệp thể hiện từ các giai thoại như vậy. Trước đây ông Vũ đi xe đạp nhưng bây giờ ông ấy có cả một gia tài. “Đó là câu chuyện tạo cảm hứng cho tất cả mọi người và nó chính là văn hoá doanh nghiệp giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển bền vững”, ông Thành nhận định.

Và nói như ông Thành, nếu được thiết kế một cách hợp lý, triển khai một cách có hệ thống và không khoan nhượng về chất lượng, văn hóa doanh nghiệp là một vũ khí cạnh tranh không đối thủ nào có thể bắt chước hay đuổi kịp được. 

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. 

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân Việt và sứ mệnh “vượt trước”

    04:20, 14/08/2022

  • Xây dựng chương mới về Doanh nhân Việt Nam

    04:07, 13/08/2022

  • Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

    13:00, 08/08/2022

  • “Giảm lượng, tăng chất” để giá trị doanh nhân được cộng đồng công nhận

    03:16, 02/08/2022

  • Liêm chính, đạo đức, “thước đo” doanh nhân tiêu biểu

    00:50, 31/07/2022

  • Doanh nhân tiêu biểu tạo động lực các thế hệ khởi nghiệp kinh doanh

    14:33, 30/07/2022

  • Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là thông điệp về đóng góp của doanh nhân

    11:00, 30/07/2022

  • Phát động bình xét và tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022

    10:00, 30/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vũ khí” cạnh tranh thời 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO