Với mục đích gỡ khó cho ngành vận tải đường thủy, trong tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì một hội nghị lớn về lĩnh vực vận tải thủy và vận tải ven biển.
Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chẳng chịt ở nước ta hiện nay, Việt Nam được kỳ vọng sẽ rất thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải thủy nội địa. Tuy nhiên, cho đến nay thị phần của đường thủy mới chỉ đạt con số 17 - 18%.
“Điểm nghẽn” hạ tầng
Theo ông Nguyễn Tương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logictics Việt Nam, nếu vận tải đường thủy được vận hành một cách hiệu quả thì sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí logictics, hạ giá thành sản phẩm. Bởi vì, so với các phương thức vận tải khác thì vận tải bằng đường thủy nội địa có nhiều ưu điểm hơn.
“Tuy thời gian vận chuyển dài hơn nhưng chi phí vận tải thủy thấp hơn nhiều so với vận tải bộ. Ví dụ, một container 20 feet hàng hóa vận chuyển từ Cảng Cát Lái (TP HCM) đi Cần Thơ, chi phí vận tải bằng đường bộ hết 5.303.000 đồng thì vận tải bằng đường thủy nội địa chỉ hết 1.688.000 đồng”, ông Tương nói.
Thực tế, nhiều năm qua, ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam phát triển rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đầu tư. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) thừa nhận, trong giai đoạn 2011-2015, cơ cấu tỷ trọng đầu tư đường bộ chiếm hơn 70%, đường sắt là 15%, hàng hải 4,6%, hàng không 7,6% và đường thủy nội địa thấp nhất với khoảng 2,2%.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, vận tải thủy hiện nay còn nhiều “điểm nghẽn” như: Hệ thống cầu, đường bộ, đường sắt bắc qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia không đủ tĩnh không, hoặc cầu cũ, cầu yếu có thể gãy sập bất cứ lúc nào; hệ thống báo hiệu chỉ có khoảng 9.000/18.000 đèn báo hiệu ban đêm, chưa đủ cho tàu thuyền hàng hải an toàn qua lại ban đêm, khiến năng lực chuyên chở vận tải của phương tiện giảm; hiện có khoảng 200 kè thủy trị, dẫn tới luồng tuyến thường xuyên bị thay đổi khi có lũ lụt...
Còn hệ thống bến cảng nội địa, theo ông Giang, cảng nội địa hiện có 284 cảng nhưng thiếu cảng đầu mối đủ năng lực bốc xếp; thiết bị bốc xếp lạc hậu, chủ yếu bốc xếp thủ công; chưa có bến chuyên dụng bốc xếp hàng hóa từ cảng biển-cảng nội địa...
“Lâu nay tư duy quá quen với khái niệm khai thác vận tải thủy dựa vào tự nhiên là chính. Phương tiện khai thác vận tải thủy phần lớn đã cũ và lạc hậu. Công tác đầu tư hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức; mô hình tổ chức kinh doanh vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ; sự kết nối với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển chưa phù hợp và chưa có quy hoạch hợp lý để tạo thành một mạng lưới liên thông...”, ông Giang khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Cởi bỏ nút thắt
Trước những hạn chế của vận tải đường bộ, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần tận dụng hệ thống sông ngòi để phát triển vận tải đường thủy, từ đó góp phần làm giảm chi phí logictics.
Việt Nam có bờ biển 3.200km cùng 19.000km đường thủy nội địa và 45 tuyến chính được sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Với 224 cảng sông và 8.800 bến tàu nổi nhưng hoạt động vận tải đường thủy nội địa của Việt Nam chỉ chiếm 17% tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa dù giá vận tải hàng hóa bằng đường thủy hiện chỉ bằng 1/4 vận tải đường bộ, 1/2 đường sắt.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho hay, Bộ GTVT đang nỗ lực để thực hiện chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, thúc đẩy tái cơ cấu lại lĩnh vực vận tải và tạo sự kết nối thực chất hơn trong vận tải, qua đó làm giảm sự mất cân bằng giữa các phương thức vận tải.
Ông Ngọc cho rằng, phải tập trung giải quyết các nút thắt, nối các cảng đường thủy nội địa với đường bộ, đường sắt, đường cao tốc, khu công nghiệp, cảng biển… làm sao cho hiệu quả nhất. Ví như cảng Mỹ Tho (Tiền Giang), dưới cảng tàu có thể chở được 40-50 tấn, nhưng đường từ đó đến đường cao tốc chỉ chở được 20 tấn. Hay từ cảng Mỹ Tho cách khu công nghiệp có 30km, nhưng không có đường cho xe container vào thì coi như cảng đó vô tác dụng. Vì vậy, cần thiết phải có những con đường đủ tải trọng nối đến những bến cảng để cho các xe chuyên chở hàng từ cảng lên...