Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét các kiến nghị tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn cung bất động sản phía Nam - Xu hướng đầu tư"

DIỆU HOA 27/05/2024 12:43

Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham khảo các đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn cung bất động sản phía Nam - Xu hướng đầu tư".

>>Bất động sản phía Nam đón cơ hội mới

Văn phòng Chính phủ chuyến những kiến nghị của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đến Bộ xây dựng xem xét.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển số 1305, sau khi nhận được Công văn số 116/DĐDN-BC ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Diễn đàn: Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư.

Theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2016, Văn phòng Chính phủ xin chuyển Công văn nêu trên đến Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan tham khảo để hoàn thiện chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản.

Trước đó, nhằm phản ánh bức tranh tổng thể về thị trường bất động sản khu vực phía Nam đồng thời đưa ra những dự báo xu hướng đầu tư kinh doanh năm 2024, sáng 25/4, tại TP.HCM, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam – Xu hướng đầu tư".

Tại Diễn đàn, các chuyên gia chỉ ra rằng, dù đã có nhiều khởi sắc, song thị trường bất động sản phía Nam nói riêng và thị trường bất động sản cả nước nói chung vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, những chính sách, giải pháp được ban hành cần thời gian để có hiệu lực và đi vào thực tiễn.

Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức.

Do đó, trong bức tranh tổng thể về thị trường bất động sản khu vực phía Nam, qua những phản ánh, ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp bất động sản phía Nam, Diễn đàn tổng hợp một số đề xuất như sau:

Thứ nhất: Đối với các Bộ, ngành

Bộ Xây dựng: Hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.

Đẩy mạnh hoạt động của Tổ Công tác, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. Phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thành lập các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là tại TP. HCM và các tỉnh lân cận... giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; xem xét, xử lý ngay các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khẩn trương hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường. 

Bộ Tài chính: Tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định pháp luật, bám sát diễn biến thị trường để chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

>>Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư

Thứ hai: Đối với các địa phương

Đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở thương mại có mức giá phù hợp, trong đó lưu ý quy hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư; giao đất, cho thuê đất; xác định giá đất, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thứ ba: Đẩy nhanh thời hiệu các Luật mới.

Việc thông qua các Luật mới là bước tiến lớn, những vướng mắc hiện tại của thị trường sẽ được giải quyết, các doanh nghiệp kỳ vọng sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp. Kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7/2024.

Thứ tư: Đẩy mạnh nguồn cung, phát triển nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở 2023 được xem là một trong những căn cứ quan trọng về chiến lược phát triển nhà ở, nhất là các chính sách dành cho nhà ở xã hội. Với những ưu đãi mới, cần sớm hoàn thiện các Nghị định thi hành, rút ngắn các quy trình thủ tục, gỡ nhanh các điểm vướng ở từng quy trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Thứ năm, để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, vốn đã có nhiều thâm niên, nhiều kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần nắm bắt các xu hướng tương lai. 

Một là Xanh, Việt Nam hiện có 430 dự án được chứng nhận phát triển Xanh/Bền vững. Các tòa nhà có Chứng chỉ phát triển xanh/bền vững có giá thuê trung bình cao hơn 15% so với các tòa nhà cùng loại nhưng không có chứng chỉ. Bên cạnh đó là thực hiện ESG. Các doanh nghiệp Việt muốn đi ra thế giới, đi xa, hòa nhập với các doanh nghiệp quốc tế thì phải chứng minh được thực hiện ESG.

Hai là Placemaking, kiến tạo không gian. Có 4 yếu tố cho một không gian lý tưởng là Tính xã hội, Công dụng và Hoạt động, Khả năng kết nối và Sự thoải mái, hình ảnh. Những yếu tố này tạo cho người dùng trạng thái tốt nhất khi bước vào không gian đó. Hiện nay các chủ đầu tư mới chỉ tập trung vào xây dựng số lượng. Nếu doanh nghiệp nào nắm bắt được xu hướng sẽ đi rất xa, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Một trong những động thái liên quan, Quốc hội vừa đồng ý cho phép các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, các Tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm, dự kiến từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

Chính phủ đề nghị Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành 4 Luật trên theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao, hoàn thành trong tháng 6/2024 .

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản phía Nam đón cơ hội mới

    Bất động sản phía Nam đón cơ hội mới

    20:00, 05/05/2024

  • Phân khúc nào sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản phía Nam?

    Phân khúc nào sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản phía Nam?

    05:00, 29/04/2024

  • Bất động sản phía Nam bước qua “vùng đáy”

    Bất động sản phía Nam bước qua “vùng đáy”

    11:30, 28/04/2024

  • Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư

    Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư

    15:23, 26/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét các kiến nghị tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn cung bất động sản phía Nam - Xu hướng đầu tư"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO