Giá vàng thế giới tiếp tục được hưởng lợi khi đồng USD lao dốc. Sau các báo cáo được công bố, đồng bạc xanh đã chịu các đợt bán tháo lớn và tạo ra mức giảm hàng tuần lớn nhất trong năm 2022.
>>>Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, giá vàng bật tăng mạnh
Tại thị trường thế giới, thời điểm lúc 10 giờ sáng nay, ngày 12/11, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức giá 1.771 USD/ounce, tăng gần 19 USD/ounce so với cùng giờ sáng ngày hôm qua. Giá vàng thế giới quy đổi tại thời điểm này tương đương hơn 49 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tiếp tục được hưởng lợi khi đồng USD lao dốc. Sau các báo cáo được công bố, đồng bạc xanh đã chịu các đợt bán tháo lớn và tạo ra mức giảm hàng tuần lớn nhất trong năm 2022. Chỉ số US Dollar Index mở cửa ở mức khoảng 111,034 và đóng cửa ở mức 106,275. Chỉ trong một tuần, chỉ số US Dollar Index đã mất 4,824 điểm, tương đương 4,286%.
Trước đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, lạm phát đã giảm so với dự báo của các nhà kinh tế. Cụ thể, theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng khu vực thành thị (CPI-U) đã tăng 0,4% trong tháng 10 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa. Trong 12 tháng qua, chỉ số tất cả các mặt hàng đã tăng 7,7% trước khi điều chỉnh theo mùa.
Báo cáo đã ngay lập tức có tác động mạnh đến tâm lý thị trường, tạo ra những "gợn sóng" với hầu hết các thị trường tài sản. Thị trường chứng khoán và kim loại quý đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Trong khi đó, đồng bạc xanh bị bán tháo mạnh.
Ông Bob Haberkorn, chuyên gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết, giá vàng đang nhận được hỗ trợ sau khi dữ liệu giá tiêu dùng được công bố hôm 10/11. Đồng USD yếu hơn và khả năng FED sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì mức tăng 75 điểm cơ bản như các đợt tăng vừa qua.
Đồng quan điểm, chuyên gia Christopher Wong, chiến lược gia về ngoại hối tại Ngân hàng OCBC (Singapore) cũng cho rằng, số liệu lạm phát nhẹ nhàng hơn dự kiến tạo khả năng FED tăng lãi suất ít hơn. Điều đó có thể đẩy đồng USD đi xuống, tạo cơ hội cho vàng có giai đoạn phục hồi nhẹ.
>>>Vàng hưởng lợi trước biến động của thị trường tiền điện tử
Tại thị trường trong nước, đến thời điểm 10 giờ 30 sáng nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước đều “án binh bất động” sau hai phiên tăng mạnh gần đây. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng với mức giá 66.600.000 đồng/lượng mua vào và 67.600.000 đồng/lượng bán ra, không điều chỉnh giá mua bán so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Chênh lệch biên độ mua bán của thương hiệu vàng quốc gia hiện là 1.000.000 đồng/lượng.
Tương tự, VietinBank Gold cũng niêm yết vàng miếng với mức giá 66.600.000 đồng/lượng mua vào và 67.620.000 đồng/lượng bán ra, không điều chỉnh giá so với chốt phiên giao dịch trước đó.
Cùng thời điểm, thương hiệu DOJI Sài Gòn và DOJI Hà Nội cùng niêm yết vàng miếng với mức giá 66.500.000 đồng/lượng mua vào và 67.500.000 đồng/lượng bán ra, cũng không thay đổi giá so với chốt phiên giao dịch ngày 11/11.
Trong khi đó, thương hiệu Phú Quý SJC tăng giá vàng miếng lên 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó. Hiện giá niêm yết của thương hiệu này là 66.600.000 đồng/lượng mua vào và 67.600.000 đồng/lượng bán ra.
Trong khi giá vàng miếng SJC gần như chưa có sự điều chỉnh, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM tiếp tục tăng lên thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày 11/11. Hiện giá niêm yết vàng trang sức PNJ tại thị trường TP.HCM là 53.700.000 đồng/lượng mua vào và 54.800.000 đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giữa vàng miếng SJC và vàng trang sức hiện là 12.800.000 đồng/lượng.
Theo báo cáo xu hướng về nhu cầu vàng mới đây của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu tiêu thụ vàng trong quý III/2022 tại Việt Nam đạt 12 tấn, tăng 264% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng nhu cầu vàng thỏi và xu vàng cho thấy mức tăng trưởng tương tự khi tăng từ 2,4 tấn ở quý III/2021 lên 8,5 tấn trong quý III/2022, tăng 254% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu vàng trang sức cũng tăng từ 0,9 tấn trong quý III/2021 lên 3,5 tấn trong quý III/2022, tương đương với tăng 290%.
Ông Andrew Naylor - Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của WGC cho rằng, sự gia tăng đáng kể về nhu cầu tiêu dùng vàng thỏi và xu vàng cũng như nhu cầu trang sức phần lớn đến từ việc nhu cầu tiêu thụ vàng ở quý III/2021 yếu hơn nhiều so với hiện tại.
Cùng với việc các hoạt động kinh tế đang trở lại trạng thái bình thường, đặc biệt là sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Thay vì cắt giảm lương và nhân lực, các công ty đang quay trở lại hoạt động tối đa công suất. Điều này đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng vọt.
Có thể bạn quan tâm
Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, giá vàng bật tăng mạnh
13:30, 11/11/2022
Vàng hưởng lợi trước biến động của thị trường tiền điện tử
13:00, 10/11/2022
Giá vàng vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce
00:30, 10/11/2022
Giá vàng chờ dữ liệu lạm phát
13:42, 08/11/2022
Vàng giảm giá mạnh phiên đầu tuần
12:08, 07/11/2022
Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng “bẫy tăng giá”
05:10, 06/11/2022