Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết vừa gửi lên lãnh đạo TP Đà Nẵng nhiều đề xuất, kiến nghị của VCCI Đà Nẵng nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do COVID-19.
Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng, diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh COVID-19 đến kinh tế - xã hội được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường; phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Riêng với TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Quang nhận định, dịch vụ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn, góp phần rất lớn vào sự phát triển của Thành phố trong những năm qua.
Cụ thể, năm 2019, dịch vụ lưu trú đạt 7.355,4 tỷ đồng, dịch vụ ăn uống ước đạt 14.776 tỷ đồng, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 2.446,2 tỷ đồng.
"Trong khi đó, nguồn khách quốc tế từ Hàn Quốc ước đạt 1,7 triệu lượt khách, chiếm tỉ lệ gần 50% và từ Trung Quốc ước đạt khoảng 700.000 lượt, chiếm tỉ lệ 20%. Khách quốc tế từ Hàn Quốc và Trung Quốc năm 2019 chiếm tỷ trọng gần 70% tổng lượt khách quốc tế của Đà Nẵng. Hai quốc gia này đang là hai quốc gia có số người mắc bệnh cao nhất thế giới đến ngày 21/2/2020.
Tình hình dịch bệnh không những tác động đến nguồn khách quốc tế mà còn ảnh hưởng đến cả đến nguồn khách nội địa đến Đà Nẵng từ đầu năm đến nay khiến cả khách quốc tế và nội địa suy giảm. Thương mại dịch vụ là ngành chịu tác động mạnh nhất do tác động kép từ dịch bệnh và tác động không mong muốn từ Nghị định 100”. - ông Quang nhấn mạnh.
Cùng với du lịch thì Công nghiệp và xây dựng của Đà Nẵng có thể là ngành bị tác động thứ hai. Công nghiệp chế biến, chế tạo của Đà Nẵng năm 2019 đã gặp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn năm 2018 đạt 3,88% (năm 2018 là 9,31%).
Ba ngành: dệt may, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là những ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao của Thành phố trong khi đầu vào nguyên liệu cho các ngành này nhập không ít từ Trung Quốc, do đó nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt trong quý II, một số doanh nghiệp các ngành công nghiệp của Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.
Trong lĩnh vực xây dựng, một số doanh nghiệp thông tin việc máy móc, thiết bị linh kiện từ Trung Quốc không nhập được khiến công trình triển khai không đúng tiến độ... Trong trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu từ Trung Quốc hoặc tìm được nguồn cung mới thì giá nguyên liệu sẽ cao hơn so với trước đây, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
“Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn kép, cả về nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua của thị trường sụt giảm. Điều này có thể khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, ngừng sản xuất và rút lui khỏi thị trường… Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì chính quyền cần thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.”, giám đốc VCCI Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI Đà Nẵng có một số đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phát triển hậu dịch bệnh COVID 19…
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay
VCCI Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể hơn nữa về đối tượng, lĩnh vực thụ hưởng, mức giảm… để các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có thể vận dụng ngay văn bản số 541/NHNN-TD đồng thời phòng ngừa việc lợi dụng chính sách này để trục lợi.
Ngân hàng Nhà nước cập nhật, công khai thông tin các ngân hàng có triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo văn bản số 541/NHNN-TD, ngày 4/2/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để doanh nghiệp biết để liên hệ giao dịch, đồng thời động viên, biểu dương đối với các ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp khi gặp khó khăn, thực hiện tốt chính sách này.
Cùng với Ngân hàng Nhà nước, VCCI Đà Nẵng cũng đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo văn bản số 541/NHNN-TD, ngày 4/2/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đây không chỉ được xem là sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của các ngân hàng thương mại với khách hàng của mình, góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín của ngân hàng mà còn là giải pháp để ngân hàng tự bảo vệ mình vì hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là giúp giảm thiểu số doanh nghiệp phải rút lui, phá sản qua đây giảm thiểu nguy cơ nợ xấu, mất vốn của ngân hàng.
Cũng theo VCCI Đà Nẵng thì theo phản ánh của một số doanh nghiệp, thì một số ngân hàng khi giải ngân khoản vay mới thường “ép buộc”, “bán kèm” các gói bảo hiểm hoặc thu phụ phí trong khi doanh nghiệp không có nhu cầu các "gói bán kèm" này làm phát sinh chi phí, gây khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh việc này.
Ngoài ra, VCCI Đà Nẵng đề nghị Ngân hàng nhà nước Thành phố Đà Nẵng sớm cùng với hệ thống các ngân hàng thương mại tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng cho doanh nghiệp trong vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid 19 theo tinh như tinh thần văn bản số 541/NHNN-TD, ngày 4/2/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Giảm, giãn thời hạn đóng thuế
Theo ông Nguyễn Tiến Quang thì trong bối cảnh hiện nay, nhà nước cần nghiên cứu giảm, giãn thời hạn đóng thuế với một số đối tượng, lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Cục Thuế các địa phương giải quyết nhanh chóng thủ tục hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hoàn thuế nhanh chóng sẽ giúp bổ sung dòng tiền, tài chính nhanh cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.
Ông Quang cũng đề nghị ngành Hải quan tạo điều kiện, đẩy nhanh hơn nữa thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu để đẩy nhanh việc luân chuyển nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh. Đối với thuế nhập khẩu xem xét việc cho áp dụng thông quan trước rồi nộp thuế sau đối với một số mặt hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng thiết yếu chịu tác động của dịch bệnh nhằm giảm áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp có hoạt động XNK. Giải pháp hỗ trợ này ưu tiên áp dụng cho các doanh nghiệp uy tín theo phân loại, quản lý rủi ro của ngành Hải quan.
Cùng với đó, cần nghiên cứu giảm thuế đất, chi phi thuê mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp nên có chính sách giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào trong lúc khó khăn; Sử dụng các quỹ bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để giảm chi phí nguyên nhiên liệu, hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng góp phần kiềm chế lạm phát giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và chi phí sống thiết yếu của người lao động trong lúc khó khăn.
Hỗ trợ doanh nghiệp về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp
VCCI Đà Nẵng kiến nghị Sở LĐ-TB&XH và BHXH địa phương xem xét và thực hiện nhanh chóng các thủ tục liên quan đến hỗ trợ người lao động nhận các chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, qua đây giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, cắt giảm chi phí do quy mô sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp do dịch bệnh.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của COVID-19, một số doanh nghiệp đã và đang cắt giảm lao động. Do vậy, ngoài việc giải quyết giải quyết các chế độ cho người lao động mất việc theo quy định bảo hiểm thất nghiệp thì đây là lúc thích hợp nhất để cơ quan quản lý nhà nước về lao động chuẩn bị và triển khai các hoạt động đào tạo, đào tạo lại cho các lao động mất việc nhằm nâng cao tay nghề, chuyên môn để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn cho giai đoạn phục hồi, “hậu” khó khăn của dịch bệnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, xúc tiến thương mại đầu tư, kích cầu
Để hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI Đà Nẵng đề nghị triển khai chương trình phổ biến các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và tư vấn cho các doanh nghiệp tái cấu trúc nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ trong nội khối các FTAs mà nước ta đã ký kết, có hiệu lực và sắp có hiệu lực để đáp ứng các quy tắc xuất xứ để tận dụng việc cắt giảm thuế quan từ các cam kết của FTAs và khai thác được các lợi thế của các FTAs trên thực tế.
Hiện nay không ít các doanh nghiệp chưa có hiểu biết sâu về FTAs nói chung, quy tắc xuất xứ nói riêng để có chiến lược tái cơ cấu nguồn cung, chuỗi cung ứng theo hướng có lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh do FTAs mang lại. Mặt khác, qua hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có FTAs của Việt Nam để dần thay thế, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
11:35, 20/02/2020
11:00, 20/02/2020
10:00, 20/02/2020
04:50, 20/02/2020
00:00, 20/02/2020
11:30, 19/02/2020
15:01, 19/02/2020
Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng, có thể sau dịch bệnh các hãng lớn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cơ cấu lại nguồn cung ứng, cơ sở sản xuất của mình để bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, và như vậy có thể có làn sóng nhà đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Để có thể tận dụng cơ hội này, các địa phương ngay từ bây giờ nên xây dựng phương án truyền thông kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài, để đón đầu, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
VCCI Đà Nẵng cũng đề nghị TP Đà Nẵng tích cực chuẩn bị việc đẩy mạnh hợp tác, truyền thông thông điệp "Đà Nẵng là điểm đến an toàn, điểm đầu tư hấp dẫn” thông qua các kênh sứ quán, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam.
Các sở ngành Đà Nẵng cần phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư đang hiện diện tại Đà Nẵng trong hoạt động truyền thông này; Đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư công để tạo cầu, tạo việc làm cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn, đồng thời giúp giảm thiểu suy giảm kinh tế do sự sụt giảm đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp dưới tác động của dịch bệnh.
Cần đẩy mạnh việc công khai, minh bạch, dự án đầu tư công, thực hiện nhanh các thủ tục đấu thầu, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và chọn được nhà đầu tư, nhà thầu dựa trên năng lực và chất lượng, hiệu quả của dự án; Giải ngân, thanh toán nhanh các khoản công nợ các công trình đầu tư công cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cải cách tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
VCCI Đà Nẵng cũng kiến nghị rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc việc thanh kiểm tra doanh nghiệp theo đúng Chỉ thị 20 của Thủ tướng, thanh kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao tính minh bạch, hiệu năng, hiệu quả trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức, chống tham nhũng vặt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về nền hành chính minh bạch, thân thiện, hiện đại và phù hợp với bối cảnh phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Ngoài ra, cần thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới nhằm bù đắp số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phát triển đội ngũ doanh nhân mới. Triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập am hiểu, tuân thủ pháp luật và tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị… nhằm giảm tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gia tăng tỷ lệ tồn tại, phát triển của nhóm đối tượng doanh nghiệp này.
Trên thực tế, cho dù đây là nhóm doanh nghiệp rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng tỷ lệ rút lui khỏi thị trường đối với nhóm doanh nghiệp này rất cao một phần do những nguyên nhân khách quan nhưng một phần cũng phần là do các doanh nghiệp này còn hạn chế hơn các doanh nghiệp khác về am hiểu, tuân thủ pháp luật và tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, năng lực quản trị…