Doanh nghiệp Việt Nam gặp một số khó khăn trong thực hiện kinh tế xanh và phát triển bền vững.
>>>VBF 2023: Tăng trưởng xanh là cơ hội để Việt Nam bứt phá phát triển
Tại VBF 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài FDI, chú trọng thu hút các dự án mới “xanh” và có chất lượng cao hơn.
Việc hiện thực hóa các định hướng chính sách quốc gia và các cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cần sự chung tay của tất cả các bên, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện các doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với một số thách thức không nhỏ, tập trung ở 3 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Khảo sát doanh nghiệp của VCCI, chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường; 68% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.
Thứ hai, dù đang được cải thiện nhưng mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp chưa cao do khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao.
Chi phí đầu tư cho sản xuất “xanh”, vận hành, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường rất lớn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm trước mắt. Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của doanh nghiệp còn hạn chế (37%). Đáng chú ý là mặc dù tới 91% doanh nghiệp cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn.
Thứ ba, mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1⁄2 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.
Để góp phần hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất một số kiến nghị.
Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, tới kinh tế xanh và phát triển bền vững góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng quy định pháp luật, tính khả thi của quy định khi thực thi.
Thứ hai, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ theo hướng tập trung trên cổng thông tin của chính quyền tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường, đầu tư, kinh doanh.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh, các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Hiện nay khung pháp lý về tăng trưởng xanh ngày càng hoàn thiện ở cấp trung ương nhưng ở cấp địa phương còn ở giai đoạn sơ khởi.
Thứ tư, theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về kinh tế xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. VCCI đang xây dựng và sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm 2023. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường, thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường.
Việc xây dựng, công bố Chỉ số Xanh cũng nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan Nhà nước trung ương và địa phương sử dụng trong hoạch định chính sách về đầu tư và môi trường, trong điều hành, quản lý nhà nước; thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của các địa phương. Chỉ số Xanh cấp tỉnh sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên đã đạt nhiều thành công qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
>>>VBF 2023: Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ phát triển xanh và bền vững
>>>VBF 2023: Thay đổi visa du lịch để thúc đẩy tăng trưởng xanh
Thứ năm, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Theo tính toán, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030 nhưng hiện nay ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực, chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho các dự án có mô hình tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán các-bon.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động...
VCCI kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ; giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp…
Trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố rất bất ổn, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
VBF 2023: AmCham đề xuất Việt Nam ưu tiên điện tái tạo, kinh tế số cho tăng trưởng xanh
11:23, 19/03/2023
VBF 2023: Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ phát triển xanh và bền vững
11:01, 19/03/2023
VBF 2023: Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ phát triển xanh và bền vững
10:33, 19/03/2023
VBF 2023: Thay đổi visa du lịch để thúc đẩy tăng trưởng xanh
10:19, 19/03/2023
VBF 2023: Tăng trưởng xanh là cơ hội để Việt Nam bứt phá phát triển
10:09, 19/03/2023
VBF 2023: Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh
12:46, 17/03/2023
VBF 2023: Thủ tục hành chính phức tạp làm tăng chi phí doanh nghiệp
16:25, 17/03/2023