"Quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Cục Chăn nuôi thường sẽ gây tốn kém và mất thời gian hơn so với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn".
Đó là một trong những góp ý quan trọng của VCCI về dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn mới đây.
Trước tiên, liên quan đến quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính, hiện nay Dự thảo dành riêng Điều 4 để quy định chung về việc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo sự phù hợp với Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một số quy định sau:
Thứ nhất, cơ quan tiếp nhận không được phép yêu cầu thêm thành phần hồ sơ so với những thành phần hồ sơ đã được quy định tại Nghị định này.
Thứ hai, cơ quan tiếp nhận chỉ được trả lời về tính đầy đủ của thành phần hồ sơ một lần.
Thứ ba, với các bản dịch tiếng Việt từ tài liệu chữ nước ngoài, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hướng sau: cho phép doanh nghiệp tự dịch tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch, hoặc doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công chứng bản dịch, khi đó cơ quan tiếp nhận không được phép từ chối hồ sơ vì lý do bản dịch không chính xác.
Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện nay, Điều 8 Dự thảo quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đó là: Cục Chăn nuôi với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung có hoặc không sản xuất thêm các loại thức ăn khác, hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các cơ sở sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi khác.
Theo quan điểm của VCCI, việc quy định thẩm quyền cấp phép của Cục Chăn nuôi thường sẽ gây tốn kém về chi phí và mất thời gian cho các doanh nghiệp so với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bới lý do, khi doanh nghiệp nộp đơn tới Cục để xin cấp phép Giấy chứng nhận, Cục sẽ phải cử người xuống tận địa phương để thẩm định, điều tra. Trong trường hợp, việc thủ tục Giấy tờ phải trải qua nhiều lần mới hoàn thiện sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp trong chi phí đi lại và thời gian. Như vậy sẽ không tiện bằng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khi ngay tại địa phương, mọi vướng mắc về thủ tục, giấy tờ đều có thể dễ dàng thay đổi và bổ sung, thuận tiện hơn cho doanh nghiệp trong việc đi lại và chi phí.
Theo đó, nếu các điều kiện kinh doanh được quy định đủ rõ ràng, minh bạch thì các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn toàn có thể thực hiện toàn bộ các công việc này.
Nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng giao toàn bộ thẩm quyền cấp phép cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
09:58, 13/08/2019
16:38, 13/08/2019
20:23, 03/08/2019
11:09, 30/07/2019
11:00, 29/07/2019
Ngoài ra, liên quan đến việc kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Điều 8.7, dự thảo quy định tần suất kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi là 12 tháng một lần.
Hiện nay, Chính phủ đang có chủ trương cắt giảm số lần thanh kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch. Chỉ thị 20 của Thủ tướng yêu cầu: “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp”.
Trường hợp có sự trùng lặp về kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì các cơ quan nhà nước phối hợp với nhau để tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành. Như vậy, tần suất kiểm tra 12 tháng một lần của dự thảo là quá dày, vì vậy VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định giãn cách hơn. Hơn nữa, cần nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi thanh tra, kiểm tra. Ví dụ, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn.
Cuối cùng liên quan đến quy định danh mục vật nuôi khác được phép chăn nuôi, theo VCCI, việc quy định danh mục vật nuôi khác được phép nuôi là phương pháp quản lý chọn cho, người dân và doanh nghiệp chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép.
Quan điểm của VCCI cho rằng, phương pháp quản lý này vừa gây rủi ro rất lớn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường vừa cản trở rất lớn đến sự sáng tạo, khả năng phát triển những hình thức chăn nuôi mới, những loài vật nuôi mới.
Bởi, chỉ cần cơ quan quản lý “quên” một loại vật nuôi nào đó sẽ khiến toàn bộ hoạt động của các cá nhân, tổ chức trên thực tế trở thành bất hợp pháp. Ví dụ, hiện nay trong danh mục này không có loài trùn quế, điều này khiến cho toàn bộ hoạt động nuôi trùn quế hiện nay là bất hợp pháp và các cá nhân, tổ chức đã đầu tư nuôi trùn quế có thể sẽ bị mất trắng tài sản hoặc lâm vào nợ nần bất kỳ lúc nào.
Trường hợp một cá nhân, tổ chức nào đó phát hiện ra cơ hội kinh doanh mới, nuôi một loài sinh vật mới cho giá trị kinh tế cao nhưng không có trong danh mục thì sẽ không thể tiến hành kinh doanh. Như vậy sẽ làm mất cơ hội phát triển của nền kinh tế Việt Nam.Ví dụ, hiện nay có nhiều người thử nghiệm nuôi côn trùng để làm thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà, thuỷ sản và có nhiều hứa hẹn thành công.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo có quy định mở về các loại động vật khác được phép nuôi trong Phụ lục VII để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội.