Theo VCCI, quy định công ty thông tin tín dụng phải có phương án kinh doanh khả thi là không cần thiết.
Đó là nội dung chính mà VCCI đã góp ý về Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mới đây.
Cụ thể, hiện nay, Điều 7.4 của Dự thảo yêu cầu công ty thông tin tín dụng phải có phương án kinh doanh khả thi. Theo VCCI, quy định này chưa minh bạch và không cần thiết. Bởi, về tính minh bạch, cơ quan nhà nước sẽ không có cơ sở nào để đánh giá phương án kinh doanh của doanh nghiệp là khả thi hay không khả thi.
Về tính cần thiết, theo VCCI, doanh nghiệp đã bỏ tiền kinh doanh thì họ là người nắm rõ nhất tính khả thi của phương án đầu tư kinh doanh của họ, cơ quan nhà nước không cần thiết phải đánh giá lại. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh khả thi.
Ngoài ra, liên quan đến điều kiện doanh nghiệp thông tin tín dụng có 15 tổ chức tín dụng cam kết cung cấp thông tin, theo quy định tại Điều 7.5 của Dự thảo yêu cầu, doanh nghiệp phải có tối thiểu 15 tổ chức tín dụng cam kết cung cấp thông tin và các tổ chức tín dụng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
Theo quan điểm của VCCI, đơn vị soạn thảo nên cân nhắc lại quy định cung cấp thông tin một cách độc quyền. Bởi, Quy định này có thể, sẽ tạo rào cản gia nhập thị trường vô cùng cao một cách không cần thiết cho các công ty mới muốn gia nhập thị trường cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
Ví dụ, khi các tổ chức tín dụng đều đã cam kết cung cấp thông tin cho các công ty thông tin tín dụng đã tồn tại trên thị trường thì quy định này khiến công ty mới buộc phải thuyết phục được ít nhất 15 tổ chức tín dụng phá hợp đồng để chuyển sang công ty mới. Điều này rất khó xảy ra.
Ngoài ra, quy định này cũng không cần thiết vì khi một tổ chức tín dụng cam kết cung cấp thông tin cho hai công ty thông tin tín dụng thì cũng không gây tác hại đến xã hội và thị trường, thậm chí còn giúp thị trường phát triển tốt hơn. Khi đó, áp lực cạnh tranh sẽ khiến các công ty thông tin tín dụng phải cải tiến công nghệ, quy trình quản lý để phục vụ các tổ chức tín dụng tốt hơn.
Điều này có lợi cho sự phát triển về lâu dài của thị trường và cả về mặt công nghệ, dịch vụ xử lý dữ liệu. Ví dụ, sẽ có công ty kết hợp thông tin tín dụng và nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác để có thể giúp đưa ra tư vấn, đánh giá khách hàng tốt hơn cung cấp cho các tổ chức tín dụng.
Vì những lý do như vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
Có thể bạn quan tâm
15:35, 16/08/2019
16:38, 13/08/2019
09:58, 13/08/2019
11:00, 29/07/2019
Cuối cùng, liên quan đến điều kiện khai trương hoạt động, Điều 14 Dự thảo quy định, công ty thông tin tín dụng phải khai trương trong thời gian 12 tháng, nếu không sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận. Lý giải cho việc này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng do không có căn cứ xác định như thế nào là không thực hiện hoạt động thông tin tín dụng theo quy định tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP nên sử dụng căn cứ thời điểm khai trương hoạt động.
Theo VCCI, quy định này được suy đoán nhằm đảm bảo công ty thông tin tín dụng nhanh chóng đi vào hoạt động sau khi đã đạt đủ các điều kiện cần thiết, tránh việc công ty nắm trong tay một lượng dữ liệu rất lớn nhưng không hoạt động, thậm chí có thể dùng làm vỏ bọc cho mục đích khác.
Tuy nhiên, việc khai trương chỉ mang ý nghĩa về mặt hình thức, không có nhiều giá trị pháp lý, không phản ánh thực chất việc công ty có hoạt động hay không, và do đó đáp ứng được mục tiêu của quy định. Vì vậy, VCCI, đề nghị cơ quan soạn thảo, căn cứ vào thực tiễn hoạt động của công ty thông tin tín dụng, sửa đổi quy định về khai trương hoạt động theo hướng sử dụng một tiêu chí làm căn cứ xác định thời điểm hoạt động như thời điểm phát sinh giao dịch đầu tiên, thời điểm sử dụng dịch vụ lần đầu tiên…