Sáng nay (10/12), Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 với chủ đề: "Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội" đã diễn ra.
Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng gửi tới bạn đọc Toàn văn bài phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển Bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững 2020.
Đến hẹn lại lên, hôm nay, chúng ta có mặt tại đây trong Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững 2020. Diễn đàn này của chúng ta diễn ra trong 1 bối cảnh đặc biệt: Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp, thiên tai dồn dập, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy, chiến tranh thương mại căng thẳng, nền tảng thương mại đa phương WTO đang bị đe doạ... Thế giới đang trở nên mong manh hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ trước yêu cầu phát triển bền vững.
Cảm ơn Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid đã có những quyết sách kịp thời, chính xác để đối phó với dịch bệnh Covid -19, đưa Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia ít ỏi trên thế giới đã thực hiện được mục tiêu kép thành công: kiềm chế được dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng dương ở mức 2% - 3% trong năm nay, trong xu thế nền kinh tế toàn cầu suy giảm rất sâu và có thể tới mức âm 5,2%.
Dịch bệnh và thiên tai dồn dập là một thách thức cho phát triển bền vững nhưng cũng là sự cảnh báo thuyết phục tất cả chúng ta phải kiên định con đường phát triển bền vững. Kết quả một cuộc khảo sát độc lập do VCCI triển khai cho thấy rất rõ về mối tương quan chặt chẽ giữa việc thực hiện các chỉ số quản trị bền vững và minh bạch thông tin, chỉ số trách nhiệm xã hội và môi trường với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững CSI đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng xuất lao động cao hơn. 60% doanh nghiệp thực hiện bộ chỉ số CSI tin rằng họ đang làm tốt hơn đối thủ cạnh trạnh, trong đó chỉ có 27% doanh nghiệp trong nhóm đối chứng (không áp dụng chỉ số này) tự tin vào điều đó.
Thực tiễn hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Covid - 19 cũng cho thấy, những doanh nghiệp xây dựng được cho mình các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn và kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp theo đuổi định hướng phát triển bền vững thường trụ vững tốt hơn, thậm chí không ít trong bối cảnh khó khăn đã biết tìm ra cơ hội để bứt phá, vượt lên: không chỉ đảm bảo mà còn mở rộng công ăn việc làm cho người lao động, mở mang được thị trường, đóng góp được cho ngân sách và góp phần vào tăng trưởng. Những doanh nghiệp trong top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững được vinh danh ngày hôm nay là những ví dụ điển hình. Đó cũng là những tấm gương của khả năng chống chịu, kiên cường của doanh nghiệp Việt Nam.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đề án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ về các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Luật PPP và gần đây là Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được triển khai thực hiện như EVFTA, CPTPP... thực sự rất quan trọng để định hướng, định hình nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Chúng ta cũng rất vui mừng khi Việt Nam đã về đích sớm trong một số chỉ số phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Về xếp hạng trong khu vực về phát triển bền vững thì chúng ta chỉ đứng sau Thái Lan và đó là thành quả của cả một nỗ lực lớn từ cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy vậy, phát triển bền vững vẫn chưa là xu thế chung của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này trước hết là do nhận thức. Mặc dù Chính phủ đã có kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững, có Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, có Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững do VCCI sáng lập và chủ trì. Chúng ta cũng tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực thi phát triển bền vững. Một số sáng kiến phát triển bền vững cũng đã được triển khai như: Liên minh liêm chính doanh nghiệp, Liên minh doanh nghiệp ngành, bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI, Báo cáo phát triển bền vững, Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển năng lực tái tạo, Liên minh tái chế bao bì (PRO), sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên (Zero Waste to Nature), phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp... Nhưng sự lan toả còn chậm, các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phát triển bền vững chưa nhiều trong tống số 800 ngàn doanh nghiệp Việt Nam.
Người ta đã dự báo rằng trong tương lai thảm hoạ lớn nhất mà con người sẽ phải đối đầu sẽ không phải là cuộc chiến tranh giữa các quốc gia mà là cuộc chiến của toàn nhân loại với dịch bệnh, với thiên tai, với biến đổi khí hậu và tình trạng đói nghèo ... Đó cũng chính là những vấn đề nóng bỏng nhất trong chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu 2030 mà Liên Hợp Quốc đang kêu gọi sự chung tay giữa các quốc gia trong việc đối diện với những hoạ, sự phối hợp ít hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh Covid -19 và sự hỗ trợ trong hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy cơ chế phản ứng toàn cầu cần phải được gia cố. Với tư cách là một trong những nền kinh tế sẽ bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng... những vấn đề phát triển bền vững sẽ là những thách thức rất lớn với chúng ta. Và phát triển bền vững vì vậy phải là chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu của đất nước, của cộng đồng doanh nghiệp.
Để thúc đẩy chương trình nghị sự này, tôi đề nghị đưa nội dung phát triển bền vững thật sâu sắc trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tôi cũng đề nghị Trung ương Đảng trong nhiệm kỳ khoá XIII cũng sẽ ra một Nghị quyết chuyên đề về phát triển bền vững. Chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị về phát triển các thành phần kinh tế, về hội nhập, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng cho tới nay chúng ta vẫn chưa có Nghị quyết chuyên đề của Đảng về phát triển bền vững.
Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội ban hành Luật về kinh tế tuần hoàn để khuyến khích, thúc đẩy mô hình kinh tế này trong nền kinh tế.
Về đối tác công tư, Quốc hội đã thông qua Luật về đối tác công tư. Đó là khung khổ pháp lý quan trọng để thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Nhưng để thực hiện được bộ Luật này rất cần có những hướng dẫn phù hợp sớm từ Chính phủ để Nghị định của Chính phủ sẽ mở ra chứ không bó lại các không gian phát triển tiềm năng của đối tác công tư. Trong đó việc bảo đảm được sự minh bạch và hài hoà lợi ích của Nhà đầu tư, Nhà nước và của cộng đồng theo các chuẩn mực quốc tế. Không bảo đảm được nguyên văn nền tảng là hài hoà các lợi ích thì có thể đẩy các dự án đối tác công -tư vào bế tắc, nhà nước thoái vốn đầu tư, trong khi nguồn lực của nhà nước rất hạn chế cho phát triển cơ sở hạ tậng, nguồn lực trong dân là rất lớn.
Để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững thì ngoài khung khổ pháp lý và chính sách thì việc xây dựng và lan toả các mô hình và công nghệ phát triển bền vững là cần thiết để thúc đẩy sự tiến bộ, chúng ta cần nói bằng mô hình, thực hành bằng công nghệ chứ không phải chỉ bằng những thông điệp chung chung và theo hướng này VCCI sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số về phát triển bền vững CSI theo 3 cấp độ A, B, C hay 1, 2, 3 để vừa tầm, vừa sức với trình độ phát triển của các loại hình doanh nghiệp và đặc biệt là có thể hướng tới áp dụng trong cả khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ.
Không thể coi phát triển bền vững chỉ là việc của các doanh nghiệp lớn, không phải phát triển bền vững là phú quý sinh lễ nghĩa mà phát triển bền vững phải là điều quyết định sống còn đối với mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô. Khuyến khích các hộ kinh doanh phải hướng theo con đường phát triển bền vững cũng là một mục tiêu rất quan trọng đối với chúng ta. Chúng tôi đề nghị phải có biện pháp thúc đẩy hộ kinh doanh, có khung khổ pháp lý và có chính sách chứ không để hộ kinh doanh ra khỏi phạm vi áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ ở nước ta.
Chúng tôi cũng đề nghị có chính sách khuyến khích và từng bước thể chế hoá yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn lập báo cáo bền vững. Các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp niêm yết trong nền kinh tế phải đi tiên phong ... Xây dựng cơ chế tích hợp lồng ghép các yêu cầu báo cáo của các Bộ, Ngành khác nhau như các vấn đề: bảo đảm quyền lợi của người lao động, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào báo cáo phát triển bền vững để giảm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp. Và khi việc lập báo cáo bền vững trở thành yêu cầu bắt buộc thì song hành với nó phải có hệ thống giám sát thực thi có hiệu quả. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo hướng đi này thì xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn hoá và thống nhất của Nhà nước về phát triển bền vững là rất quan trọng để việc cập nhật báo cáo không trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị các quý vị phối hợp với VCCI triển khai chương trình hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững trong doanh nghiệp hội viên của mình. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững và xây dựng báo cáo phát triển bền vững, tiến tới xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Đối với các doanh nghiệp: đã đến lúc các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững như một vấn đề chiến lược và quản trị nền tảng, áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững một cách phổ cập tiến tới xây dựng được báo cáo bền vững là hướng đi rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần quan tâm bố trí ngân sách, nhân sự cho công tác quản trị rủi ro, cho phát triển bền vững, lồng ghép được các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chương trình sản xuất kinh doanh, thực hiện quản trị tích hợp ( tích hợp chiến lược phát triển bền vững vào chiến lược doanh nghiệp)... và không thể có chiến lược phát triển trong bối cảnh mới nếu thiếu đi nội hàm phát triển bền vững trong chiến lược này.
Để phát triển bền vững doanh nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu, 2 ngày trước, VCCI cũng đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) khởi dộng Diễn đàn: Thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ vượt qua đại dịch Covid -19 và chúng tôi đã thống nhất với UNDP sẽ phối hợp để triển khai Sáng kiến cây tre Việt Nam - sáng kiến liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để nâng cao khả năng chống chịu trước dịch bệnh và thiên tai. Chúng tôi sẽ xin đươc báo cáo Phó Thủ tướng để triển khai trong cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trên đây là một số ý kiến, kiến nghị của VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp về thúc đẩy phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp. Và tôi xin được báo cáo với Phó Thủ tướng và tất cả các quý vị: vào tối nay trong chương trình công bố các doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2020, chúng tôi cũng sẽ phát động chương trình xếp hạng công bố doanh nghiệp phát triển bền vững trong năm 2021.
Như chúng ta đều biết phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm là hệ giá trị mới trong phát triển doanh nghiệp của chúng ta, đây chính là giấy thông hành để chúng ta có thể đi vào thị trường thế giới và đây cũng chính là căn cước công dân của chúng ta để có thể trở thành công dân có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu. Và tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ đi đầu trong nỗ lực này. Chúng ta còn khoảng cách khá xa so với thế giới về công nghệ, về quản trị, về vốn liếng nhưng chúng ta có thể đi đầu, đi tiên phong trong những nỗ lực để cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với quá trình phát triển.
Có thể bạn quan tâm