VCCI và Tổng cục Hải quan giải đáp thắc mắc liên quan đến mã HS

BBT 29/01/2019 06:05

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa nhận được một số kiến nghị liên quan đến việc áp mã HS chưa đầy đủ của các loại sản phẩm gây khó khăn cho doanh nghiệp.

VCCI và Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 12462/VPCP-ĐMDN ngày 24/12/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển công văn số 7/CV CLBCĐBQH ngày 04/12/2018 của Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội để Bộ Tài chính xem xét, xử lý và trả lời theo thẩm quyền. Theo đó, Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội kiến nghị về việc áp mã HS chưa đầy đủ của các loại sản phẩm gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nộp thuế hải quan với hàng nhập khẩu và đề nghị nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tuân thủ hoàn toàn mã số và mô tả hàng hóa của Danh mục hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá của Tổ chức Hải quan Thế giới (gọi tắt là Danh mục HS) và Danh mục hài hòa thuế quan ASEAN (gọi tắt là Danh mục AHTN). Các Danh mục này ra đời trên cơ sở sự đồng thuận của các nước thành viên với mục đích tạo thuận lợi thương mại và quản lý, kiểm soát hàng hóa. Do đó, không phải tất cả các mặt hàng đều được định danh cụ thể, chỉ những mặt hàng cần kiểm soát hoặc mặt hàng có kim ngạch thương mại cao mới được định danh trong các Danh mục này. Trên thực tế, hàng hóa ngày càng có tính chất phức tạp, tích hợp nhiều thành phần, nhiều công dụng, dễ lẫn do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.

Định kỳ năm năm một lần, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và các nước ASEAN sẽ tiến hành sửa đổi Danh mục để cập nhật các dòng hàng mới phù hợp với xu hướng phát triển của thương mại hàng hóa, công nghệ hoặc để xử lý các vướng mắc về phân loại. Là một nước thành viên của WCO và ASEAN, Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ các Danh mục HS và Danh mục AHTN trong thương mại quốc tế. - - -

Trong quá trình thực hiện áp mã HS theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, một số khó khăn vướng mắc phát sinh như: cùng một mặt hàng những doanh nghiệp khai các mã HS khác nhau tại các Chi cục Hải quan khác nhau trong khi cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan chưa được đồng bộ để kiểm soát được tất cả các trường hợp này; hoạt động phân tích của cơ quan Hải quan chưa thực hiện được mọi mặt hàng, kiến thức về phân loại hàng hóa của doanh nghiệp còn hạn chế; có những mặt hàng dễ lẫn, phức tạp phải lấy ý kiến của các Bộ quản lý chuyên ngành về bản chất hàng hóa để làm cơ sở phân loại hàng hóa, có trường hợp phải xin ý kiến của WCO mới quyết định được mã số cuối cùng...

Để hạn chế khó khăn, vướng mắc trong việc áp mã HS đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực đưa các giải pháp sau:

(i) Nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để thường xuyên và soát trên hệ thống và có văn bản chấn chỉnh các trường hợp áp mã số không thống nhất;

(ii) Ban hành các công văn để thống nhất phân loại các mặt hàng khó, phức tạp, các mặt hàng có ý kiến của WCO nhưng còn chưa được sửa trong Danh mục HS (còn chờ sửa theo định kỳ);

(iii) Áp dụng quản lý rủi ro trong việc kiểm tra việc áp mã HS và áp dụng mức thuế;

(iv) Chuẩn hóa mã HS đối với các Danh mục quản lý chuyên ngành;

(y) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ hải quan và doanh nghiệp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phân loại hàng hóa và giải đáp những vướng mắc đối với những mặt hàng phức tạp, dễ lẫn;

(vi) Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra để kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố trong việc thực hiện thống nhất áp mã số đối với các mặt hàng có bản chất giống nhau.

Tổng cục Hải quan xin có ý kiến để Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội nắm được và kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội đối với hoạt động nghiệp vụ hải quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI và Tổng cục Hải quan giải đáp thắc mắc liên quan đến mã HS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO