Nhìn thẳng - Nói thật

“Vết rạn” trong quảng cáo thực phẩm - Kỳ 3: Chiếc mặt nạ... “chứng minh lâm sàng”

Nguyễn Giang 02/05/2025 11:05

“Chứng minh lâm sàng”, cụm từ vốn dành cho y học, đang dần bị lạm dụng trong quảng cáo thực phẩm như một lớp áo khoa học để tạo cảm giác an toàn tuyệt đối.

Trong thị trường quảng cáo hiện nay, một cụm từ tưởng như chỉ xuất hiện trong các nghiên cứu y học đang được dùng như chiêu bài tạo dựng lòng tin: “chứng minh lâm sàng”. Chỉ cần một dòng cam kết ngắn gọn, sản phẩm thực phẩm, dù không phải thuốc cũng dễ dàng khoác lên mình lớp áo khoa học đầy thuyết phục.

Nhưng đằng sau những dòng quảng bá ấy là gì? Ai kiểm tra, ai xác thực, và ai chịu trách nhiệm nếu tất cả chỉ là tuyên bố một chiều?

Ở kỳ 3 của loạt bài “Vết rạn trong quảng cáo thực phẩm”, chúng tôi sẽ bóc tách chiêu thức gắn mác khoa học không căn cứ, thứ đang âm thầm tái định nghĩa niềm tin của người tiêu dùng.

Ảnh 1
“Chứng minh lâm sàng” – cụm từ vốn thuộc lĩnh vực y học đang bị lạm dụng trong quảng cáo thực phẩm như một lớp áo khoa học gợi cảm giác an toàn tuyệt đối. Ảnh minh hoạ

Chiêu thức mặc định hóa niềm tin

Ngôn ngữ quảng cáo thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều cụm từ mang sắc thái học thuật như: “đã được chứng minh lâm sàng”, “viện nghiên cứu kiểm nghiệm”, “chuyên gia xác nhận hiệu quả”... Đây không còn đơn thuần là lời giới thiệu sản phẩm, mà trở thành phương tiện tạo ra niềm tin mặc định, mà không cần kiểm chứng.

Trên thực tế, phần lớn những tuyên bố này không đi kèm mã số nghiên cứu, không nêu tên viện nghiên cứu, không có tài liệu công khai, và không ai chịu trách nhiệm nếu thông tin là sai sự thật.

Một số doanh nghiệp vẫn mặc nhiên gắn cụm “chứng minh lâm sàng” cho sản phẩm của mình, dù không thể xuất trình hợp đồng thử nghiệm, kết quả nghiên cứu, hay xác nhận chính thức từ bất kỳ đơn vị có chức năng chuyên môn nào.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã sử dụng tuyên bố “được tổ chức quốc tế chứng minh lâm sàng giúp cải thiện chiều cao, cân nặng… chỉ sau vài tuần”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hầu như không có bất kỳ tài liệu độc lập nào được công bố minh bạch. Các quảng cáo không dẫn mã nghiên cứu, không tên hội đồng khoa học, và không liên kết tới bất kỳ tài liệu kiểm chứng nào.

Một dòng chữ có thể dẫn đến hậu quả pháp lý

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia pháp lý cho biết khi không có kiểm chứng, nhưng vẫn tạo ra cảm giác đã được viện nghiên cứu đánh giá, thì vấn đề đã vượt ranh giới tiếp thị, tiến thẳng đến thao túng cảm xúc tiêu dùng bằng vỏ bọc học thuật.

Ảnh 2
Nhiều chuyên gia cho rằng sự tràn lan của các tuyên bố “đã được kiểm nghiệm”, “đã chứng minh lâm sàng” mà không có hậu kiểm đang phơi bày một khoảng trống đáng lo trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm. Ảnh minh hoạ

Phân tích với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nhấn mạnh: Cụm từ "chứng minh lâm sàng" là tuyên bố có tính xác tín cao, không thể tùy tiện sử dụng nếu không có căn cứ rõ ràng. Nếu không có tài liệu hoặc viện kiểm nghiệm xác nhận, hành vi này có thể bị coi là quảng cáo sai sự thật, vi phạm Điều 8 Luật Quảng cáo.

Ông dẫn chứng, theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo thực phẩm sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 50–70 triệu đồng. Nhưng nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với nhóm dễ tổn thương như trẻ em, doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 198 Bộ luật Hình sự về tội “lừa dối khách hàng”.

Đáng chú ý, một số đơn vị quảng cáo hiện nay còn viện dẫn tên tổ chức nước ngoài, vốn chỉ là nền tảng khảo sát người tiêu dùng, chứ không phải cơ quan kiểm nghiệm được Bộ Y tế Việt Nam công nhận. Nếu quảng cáo có hàm ý kiểm nghiệm chuyên môn nhưng thiếu xác nhận từ viện y tế độc lập trong nước, thì nguy cơ gây hiểu lầm với người tiêu dùng là rất cao.

Cùng quan điểm, Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law cảnh báo: “Không thể để những cụm từ như ‘chứng minh lâm sàng’ bị dùng làm công cụ gợi cảm giác an toàn. Nếu không có tài liệu, không viện đứng tên, không cơ chế kiểm tra, thì đó không phải xác nhận khoa học, mà là đánh tráo khái niệm để bán hàng”.

Ông cho rằng, trong bối cảnh hậu kiểm còn lỏng lẻo, doanh nghiệp càng cần có đạo đức trong quảng cáo. Nếu không, hậu quả không chỉ là xử phạt mà là mất niềm tin của người tiêu dùng với toàn ngành thực phẩm chức năng.

Khi các tuyên bố “chứng minh lâm sàng” thiếu kiểm chứng được tung ra trong những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, điều bị xói mòn đầu tiên không phải là luật – mà là lòng tin.

Người tiêu dùng dần chấp nhận những lời quảng cáo thiếu chứng cứ như một điều hiển nhiên, còn các doanh nghiệp chân chính – nếu không “mượn danh khoa học” – lại bị đẩy ra ngoài cuộc chơi.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự tràn lan của các tuyên bố “đã được kiểm nghiệm”, “đã chứng minh lâm sàng” mà không có hậu kiểm đang phơi bày một khoảng trống đáng lo trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm. Khi việc chứng minh hiệu quả bị buông lỏng, người gánh rủi ro lớn nhất lại là người tiêu dùng – đặc biệt là các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.

Không thể mặc định rằng “chứng minh lâm sàng” là hợp pháp nếu không có viện đứng tên, không kết quả nghiên cứu, không kiểm nghiệm độc lập. Không thể để hàng trăm nghìn cha mẹ tin rằng con mình sẽ cao hơn, khỏe hơn – chỉ vì một dòng chữ quảng cáo.

Bởi cái giá của một lời nói sai không phải lúc nào cũng đo được bằng tiền. Đó có thể là sức khỏe bị đánh đổi, là những đứa trẻ lớn lên trong kỳ vọng sai lầm, và một thị trường sẵn sàng hy sinh đạo đức để bán hàng.

Trách nhiệm không chỉ nằm ở doanh nghiệp, mà còn ở những người góp phần lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng – từ nghệ sĩ, KOLs, đến cả các chuyên gia, cơ quan chức năng.

Bởi nếu sự thật bị bóp méo ngay từ khâu truyền thông, mà không ai kiểm tra, không ai lên tiếng, thì chính sự im lặng đó mới là vết rạn sâu nhất.

Còn nữa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vết rạn” trong quảng cáo thực phẩm - Kỳ 3: Chiếc mặt nạ... “chứng minh lâm sàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO