Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đều sụt giảm, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UpCOM: VGT) báo lợi nhuận quý III giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm nay đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dệt may, khiến xuất khẩu sụt giảm hàng tỷ USD, và VGT cũng không đứng ngoài tình cảnh này. Dệt may cũng chính là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất từ COVID-19 cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, doanh thu thuần của VGT đạt 3.307 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 68 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.
Có thể nói, quý III/2020 là một quý khó khăn của VGT, khi hầu hết các chỉ số trong báo cáo tài chính đều giảm. Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 61%, xuống mức 40 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên, lãnh đạo VGT cho rằng, do dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu khiến sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, trong đó có ngành dệt may nói chung và VGT nói riêng.
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ VGT và hầu hết các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đều sụt giảm, dẫn đến kết quả chung của toàn Tập đoàn trong quý III cũng giảm theo.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, VGT đạt 10.360 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 409,3 tỷ đồng; giảm lần lượt 23,4% và 23,5% so với 9 tháng đầu năm 2019. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 202 tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, VGT đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt gần 14.641 tỷ đồng và 381,6 tỷ đồng, giảm 27% và 50% so với thực hiện được của năm 2019, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của VGT.
Như vậy 9 tháng đầu năm 2020, VGT đã thực hiện hơn 70,7% mục tiêu doanh thu và vượt 7,2% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Tính đến thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản của VGT là hơn 17.676 tỷ đồng, giảm 10,8% so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn của VGT cũng giảm 15%, xuống còn 2.792 tỷ đồng và hàng tồn kho giảm 24%, ghi nhận hơn 2.773 tỷ đồng. Trong đó, nguyên vật liệu chiếm 34% và thành phẩm chiếm 33% giá trị hàng tồn kho.
Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ phải trả của VGT ghi nhận hơn 9.791 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm với vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.233 tỷ đồng và dài hạn gần 3.832 tỷ đồng.
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 10/11, giá cổ phiếu VGT đạt 8.700đ/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân 10 phiên gần đây đạt hơn 287.047 cổ phiếu.
Các chuyên gia chứng khoán nhận định, VGT vẫn đang ở trong quá trình giảm giá và chưa có dấu hiệu cho thấy có thể có sự thay đổi xu hướng hiện tại. Thanh khoản VGT những tuần gần đây vẫn duy trì giá trị không cao. Các chỉ báo kỹ thuật hầu hết đang ở trong trạng thái tiêu cực. Vì vậy, giới chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nên theo dõi thêm cổ phiếu này trong thời gian tới và giảm tỷ trọng VGT trong danh mục xuống mức thấp trước khi có những chuyển biến tích cực hơn xảy ra.
Có thể bạn quan tâm