Ở ngôi nữ vương cá tra, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) liên tục có các chuyển động mới thời gian gần đây từ nội bộ đến bên ngoài để tạo chuỗi sản phẩm nhằm mở rộng thị trường.
Những chuyển động này là sự thích ứng, tích cực với bối cảnh mới hay ngược lại?
VHC có lĩnh vực kinh doanh chính là xuất khẩu cá tra, cá ba sa và các sản phẩm đông lạnh, các dòng chăm sóc sức khỏe. Tại cuối tháng 9/2020, lĩnh vực hoạt động chính của VHC sụt giảm nhất định do lực tiêu thụ giảm trong mùa COVID-19. Tuy nhiên nhìn dài hạn hơn ở chu kỳ 3 năm, VHC không phải là công ty kinh doanh trồi sụt.
Một trong những đích nhắm đầu tư của VHC mới đây là chào mua 50% Công ty Bánh Phồng Tôm Sa Giang (SGC) theo kế hoạch đấu giá cổ phần thoái vốn của SCIC. Song kế hoạch này chưa đưa lại kết quả do chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký đấu giá, chính là VHC. Dù vậy, việc VHC ngấp nghé thâu tóm một công ty mà lĩnh vực hoạt động dường như chẳng có liên quan đến VHC đã hé mở chiến lược phát triển chế biến sâu thực phẩm của công ty.
551 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 của VHC, giảm gần 44% so với cùng kỳ 2019.
Trên thực tế, SGC là một công ty chuyên bánh phồng tôm đặc sản Sa Đéc. Với xu thế chế biến sâu các sản phẩm cá tra, cá da trơn thành thực phẩm ăn liền hoặc tận dụng phụ phẩm để cung cấp cho các chuỗi công nghiệp thực phẩm chế biến, SGC sẽ là “bước mở ngoặc” hoàn hảo cho VHC trên thị trường nội địa. Một VHC với các sản phẩm bánh phồng cá tra, tương tự Bánh phồng cá tra Hậu Giang đang làm mưa gió trên thị trường dường như đã bắt đầu có thể đoán trước. Nhưng vẫn phải chờ VHC có hiện thực được vụ thâu tóm này hay không.
Mới đây, HĐQT VHC quyết định phương án đầu tư thành lập Công ty VINH Technology Pte Ltd tại Singapore, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và mua bán xuất nhập khẩu sản phẩm thủy hải sản, hóa chất, nguyên vật liệu, phụ liệu của ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng (collagen và gelatine).
Sở dĩ VHC đầu tư mở công ty con tại Singapore do EU chưa thực sự mang lại cho VHC lợi thế về thuế khi xuất khẩu hải sản sang Eurozone hậu EVFTA, trong khi thị trường Mỹ vẫn luôn xuất hiện các đợt rà soát chống bán phá da đối với sản phẩm cá da trơn. VHC sẽ cần thời gian để chờ các thị trường phục hồi cũng như, phải dự phòng nếu các thị trường có rủi ro. Sự đột phá của nhóm sản phẩm sức khỏe, với sự nối dài của Công ty con tại Singapore, có thể giúp VHC tạo lợi thế mới, giá trị mới cho mảng đầu tư Gelatin, Collagen.
Lưu ý rằng hiện tại Singapore có đến 12 FTAs song phương và 11 FTAs đa phương đã được ký kết. Chính phủ Singapore có nhiều chính sách thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi doanh nghiệp mới, giảm đánh thuế 2 lần, giảm thuế cho công ty có nguồn thu từ nước ngoài… Thậm chí theo đánh giá của giới chuyên môn, Singapore cũng sẽ là “địa phương” để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tách bạch một phần hoạt động có thể chọn “tránh bão” – tránh các giấy phép kinh doanh đặc biệt như trường hợp Sơn Kova đã từng làm; hoặc tương lai là nguy cơ trừng phạt kinh tế nếu thực sự Việt Nam không thể thay đổi kết luận từ Mỹ về việc thao túng tiền tệ.
Chưa biết các hướng chuyển động mới của VHC sẽ cho những kết quả ra sao nhưng những nỗ lực tìm hướng đột phá và tạo chuỗi sản phẩm để mở rộng hơn nữa thị trường của nữ hoàng cá tra Việt, rất đáng được theo dõi.
Có thể bạn quan tâm