Một sự căng thẳng kéo dài 17 năm giữa Mỹ và Liên minh châu Âu trong vấn đề của Airbus-Boeing có thể được giải tỏa bởi cả hai đang cùng “nhìn về một hướng”.
Tất cả sự việc tranh chấp bắt đầu từ năm 2004, khi các nhà chức trách EU cho rằng, Boeing đã nhận được 19 tỷ USD trợ cấp không công bằng từ các chính phủ liên bang và các tiểu bang của Mỹ. Trong khi đó, phía Mỹ cũng đã đệ đơn kiện tương tự vào năm đó về các khoản trợ cấp của châu Âu cho Airbus.
Mọi sự tiếp tục leo thang khi chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa châu Âu bao gồm pho mát Parmesan, rượu vang Pháp và rượu whisky Scotch và Ireland. Đến lượt mình, Liên minh châu Âu cũng không chịu kém khi áp thuế lên các mặt hàng của Mỹ như rượu vang, pho mát và vali.
Nhưng giờ đây, cả hai đang sẵn sàng giải quyết những tranh chấp thương mại trên, một động thái có thể cải thiện mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi hai bên đang nhận thấy một vấn đề lớn hơn, đó là sự phát triển một cách “khó kiềm chế” của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo một quan chức Mỹ, cả hai bên dự kiến sẽ công bố giải quyết tranh chấp về trợ cấp của chính phủ cho các nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới trong cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels vào thứ ba tuần này. Ủy viên Thương mại EU, Valdis Dombrovskis và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã lên lịch một cuộc họp báo vào 9 giờ sáng theo giờ ET.
Có thể nói, đã có những dấu hiệu cho thấy xung đột về trợ cấp có thể sắp kết thúc sau nhiều năm đàm phán thất bại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mỹ, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh đã đồng ý vào tháng 3 vừa qua để đình chỉ các mức thuế liên quan trị giá hàng tỷ đô la trong bốn tháng.
Việc đình chỉ này đánh dấu bước đầu tiên hướng tới việc sửa chữa mối quan hệ đối tác thương mại đã căng thẳng trong 17 năm do những lời phàn nàn về sự hỗ trợ của chính phủ dành cho Airbus và Boeing.
Mặc dù Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn phải tiếp tục đàm phán về phương hướng giải quyết cách đánh thuế các công ty BigTech và tranh chấp về thuế quan đối với thép và nhôm dưới thời Trump, nhưng việc chấm dứt cuộc chiến trợ cấp máy bay sẽ giúp cải thiện quan hệ.
Nhưng, vì đâu cả hai bên lại có thể tìm được tiếng nói chung cho một sự việc kéo dài nhùng nhằng lên đến 17 năm qua?
Jennifer Bosson, giáo sư tâm lý học tại đại học Nam Florida đã từng nói: “Các kết quả nghiên cứu cho thấy những người có chung kẻ thù, ghét cùng một thứ, thường tạo dựng được một mối quan hệ khăng khít".
Mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Âu có lẽ được biết nhiều đến trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi” nhiều hơn là sự khăng khít, nhưng nó đã bị rạn vỡ khi Donald Trump nắm quyền nước Mỹ và gọi những đồng minh châu Âu là “những kẻ ăn bám”.
Giờ đây, Donald Trump đã là quá khứ, Joe Biden với phong cách hòa hoãn và dân túy của mình đang bắt đầu những hàn gắn với những đồng minh phương tây, những người có thể sẽ tiếp tục đề cao vai trò lãnh đạo của nước Mỹ.
Cuối tuần qua, Mỹ đã cùng với Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản và Canada đưa ra trong hội nghị G7 lời lên án mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Tuyên bố của G7 đã đưa Trung Quốc vào tầm ngắm trước những cáo buộc vi phạm nhân quyền và tranh chấp chính trị đối với Hồng Kông, Đài Loan và Biển Đông.
Đồng thời, các “ông lớn” trên cũng thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19 và thúc đẩy một giải pháp thay thế cho kế hoạch “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc nhằm giảm thiểu sức ảnh hưởng thương mại của nước này.
Theo lộ trình, cuối ngày thứ ba, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ cùng nhau công bố một hội đồng chung nhằm giải quyết các câu hỏi về thương mại và công nghệ, một phần để cung cấp một kiểm tra tốt hơn về các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Một quan chức cho biết: "Chúng ta cũng phải tính đến thực tế là Trung Quốc đặt ra thách thức đáng kể trong cả hai lĩnh vực này và đối phó với các hành vi phi thị trường cùng các hành vi lạm dụng kinh tế của họ. Đặc biệt, đây là các nỗ lực để hình thành các quy tắc của con đường về công nghệ Thế kỷ 21”.
Có thể nói, trong nhiều năm qua, những căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Liên minh châu Âu đã tạo ra lợi thế cho sự phát triển khó kiềm chế của Bắc Kinh. Cuối cùng, có lẽ cả hai đã chợt nhận ra rằng, họ đang ở vào cái thế “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi” trong câu ngạn ngữ của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm